10/03/2015 10:30 GMT+7

Giáo dục dưới mắt mọi người: Chuyện viết sau ngày 8-3

HỮU CHƠN
HỮU CHƠN

TT - Dù đã rất quen với việc tặng hoa, quà cho cô giáo nhân các ngày lễ, tết, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được học một bài về văn hóa cho tặng...

Sáng sớm thứ sáu (6-3) vừa qua, hoa hồng đã tràn ngập sân trường mầm non nơi con tôi đang học. Do hôm ấy là ngày học cuối cùng trong tuần, trong khi dịp 8-3 năm nay lại rơi vào chủ nhật, vậy nên rất nhiều phụ huynh đã chuẩn bị hoa để tặng cô giáo.

Tôi chợt thấy gần mười phụ huynh của lớp lá 1 sau khi tặng hoa cho hai cô giáo đã xin phép dẫn con xuống tận dưới nhà bếp chúc mừng, cảm ơn và tặng hoa cho năm cô nấu ăn.

Hành động đẹp ấy tiếp tục lặp lại với cô đảm nhiệm khâu quét dọn sân trường. Hành trình của “phái đoàn” này kết thúc ở văn phòng trường với cô kế toán, cán bộ y tế và ban giám hiệu. Người duy nhất của trường không có hoa là bác bảo vệ, nhưng thay vào đó bác được tặng hộp cà phê hòa tan.

Dù đã rất quen với việc tặng hoa, quà cho cô giáo nhân các ngày lễ, tết, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được học một bài về văn hóa cho tặng.

Đành rằng nó xuất phát từ tấm lòng thành và tự nguyện, song vẫn có không ít bậc cha mẹ xem đây là cách “mua” sự quan tâm, chiếu cố của giáo viên với con mình. Họ xem việc làm này như một thứ “trách nhiệm” buộc phải thực hiện, vô hình trung khiến hương sắc thuần khiết, vô tư của hoa hồng “đổi màu”. Quan hệ thầy - trò bỗng nhiên bị mang ra cân đo theo “trọng lượng” chiếc phong bì.

Rất may vẫn còn nhiều phụ huynh đã biết cách tạo nên một “ngày hội” hoa hồng. Quan trọng hơn là con cái họ cũng nhờ đó càng thêm biết “ăn quả nhớ người trồng cây”, ghi nhớ công lao những người làm nên bữa ăn ngon, giữ cho sân trường luôn sạch đẹp.

Tôi chợt liên tưởng đến một bài viết của TS Đoàn Lê Giang (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) đăng trên Tuổi Trẻ mới đây: học sinh trong các trường của Nhật Bản được dạy trước khi ăn phải hát một bài thể hiện lòng biết ơn những người nấu nướng. Tôi nghĩ rằng việc làm của nhóm phụ huynh này có ý nghĩa tương tự.

Cũng nhờ đó mà tôi kịp nhớ đến chị tạp vụ nơi tôi công tác. Vì thế khi đến cơ quan, việc đầu tiên tôi làm là tặng hoa cho chị. Tôi thấy chị vui mừng hơn cả lúc nhận tiền thưởng Tết Ất Mùi vừa qua. Về phần mình, tôi lại thấy hạnh phúc như thể là người được tặng.

Buổi chiều đến đón con, tôi bắt gặp một phụ nữ từ trong trường đi ra với đôi mắt đỏ hoe, nhưng lại nâng niu một bó hồng. Chị tâm sự rằng do hoàn cảnh quá khó khăn nên chưa bao giờ tặng hoa hoặc quà cho cô giáo. Vậy mà con chị (học lớp chồi 2) lại được hai cô yêu thương hết lòng.

Dịp tết mới đây, cháu còn được cô giáo tặng một bộ quần áo mới. Chiều nay đến đón con, chị đã được các cô tặng hoa và xin chị để cháu được nán lại dự buổi thi nấu ăn giữa giáo viên trong trường, đồng thời dùng bữa tối cùng các cô. Sau đó, đích thân hai cô sẽ đưa cháu về tận nhà. Chị đã nghẹn ngào không nói nên lời. Dẫu hôm nay trên đường về không có con đi cùng, nhưng chị thấy ấm lòng hơn bao giờ hết.

Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần mình mua hoa tặng người thân, thầy cô giáo. Song tôi lại thấy rằng hoa hồng trong trường của con tôi hôm ấy vừa “nở” sớm lại vừa đẹp nhất. Đó là nhờ tất cả cô giáo, phụ huynh và học trò, như lời một bài hát rất thịnh hành vào thập niên 1980: “Khi mỗi gương mặt là một hoa hồng...”. ‘

HỮU CHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên