10/07/2011 07:03 GMT+7

Chuyện ông Cẩm làm phim di sản

KIỀU TRINH
KIỀU TRINH

TT - Đạo diễn Trần Cẩm mặt đỏ rần, đập tay xuống bàn làm cả mấy chiếc bút bi nảy lên rồi nhảy nhào xuống sàn nhà. “Phim không phải là bản hình của hồ sơ di sản để mà nhất nhất hồ sơ nói gì phim phải nói hệt thế”, vị đạo diễn gầm lên...

F1XNDKAI.jpgPhóng to
Thành nhà Hồ Ảnh: THÔNG THIỆN

Nhóm chuyên gia của Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương hẳn sẽ thở phào nếu được chứng kiến những cơn gầm xé toạc màng nhĩ như thế giữa đạo diễn Trần Cẩm và TS Bùi Minh Trí, khi ấy là phó giám đốc dự án Hoàng thành Thăng Long. Đó là thời điểm cuối tháng 8-2008. Phim đến tay ông Cẩm làm do hãng đã từ chối bộ vì công việc quá nhiều, tư liệu mỏng, lại chỉ được làm trong 30 ngày. Đặc biệt, sức ép của việc đưa hoàng thành trở thành di sản đúng đại lễ Hà Nội ngàn năm quá lớn.

Hoàng thành: hơn cả thách thức

Bởi vậy, khi ông Cẩm bắt tay vào làm, việc ngập ngụa chẳng khác gì lội qua một hồ bùn rộng. “Tôi đến thực địa, choáng váng vì các di tích chồng chất lên nhau. Không phải là dân khảo cổ, làm sao tôi phân định được đâu là lớp văn hóa Đinh, Lý, Trần, Lê. Tôi lạnh toát người, chẳng khác nào lãnh một thùng nước lạnh từ ngàn năm giội về giữa tiết trời hầm hập như đón gió Lào” - đạo diễn của VTV nhớ lại.

“Chúng tôi quay dồn dập trong 20 ngày. Các dấu tích nằm trùng trùng điệp điệp và phải đánh số từng thứ một, tỉ mẩn vô cùng. Nhưng khó khăn để nhận diện dấu tích không chỉ có thế...”, ông Cẩm nói.

Cái khó nằm ở chỗ bộ phim yêu cầu mọi thứ phải được quay như khi di tích mới phát lộ, phát lộ đến đâu quay đến đấy. Trong khi tư liệu phim của Viện khảo cổ lại không sử dụng được bởi khi đó máy móc không đủ độ nhạy. Quay lại cho mọi thứ như mới phát lộ ở thời điểm mọi thứ phát lộ đã bảy năm... còn hơn cả thách thức.

“Khi đó các cột chống, mái che đã được dựng lên. Và tôi phải zoom vào từng chi tiết để trốn những chiếc cột đó. Đa số cảnh quay đều là góc hẹp. Những cảnh có góc quay lớn, việc tính toán tỉ mỉ hơn rất nhiều” - ông Cẩm nhớ lại.

“Còn nền đất, với sức nóng như thiêu qua vài mùa hè, màu sắc không thể có nhiều mảng miếng, sắc độ như lúc mới. Anh Trí đã phải dùng kỹ thuật tạo ẩm để kéo lùi lại thời gian, tạo màu sắc như mới cho từng viên gạch. Đó cũng là một trong những kỹ thuật bảo tồn. Việc tạo ẩm phải được thực hiện liên tục ngay trong khi quay, bởi những hiện vật phát lộ lâu năm ngốn nước chả khác quái vật sa mạc”.

Đóng máy quay, cộng với những tư liệu phim về khu vực đó qua nhiều thời kỳ, nhóm làm phim có 40 tiếng nháp. Việc dựng phim kéo dài bảy ngày, với khối lượng tương đương 21 ngày dựng ở đài. “Tôi đã phải mua một bộ máy dựng phim gần một tỉ rưỡi (đồng VN) về nhà. Bởi nếu không làm ngày làm đêm việc không xong được”, vị đạo diễn cho biết.

Tất cả kết thúc vào buổi sáng 20-9-2008 để trưa hôm đó phim rời biên giới. Vừa đúng thời hạn cuối cùng để đưa phim sang Paris. Ông Cẩm kể: “Người đầu tiên được xem vào buổi sáng sớm tinh mơ là cậu hàng xóm người Mỹ của tôi. Cậu chàng ngỡ ngàng và nói: “Trời, giờ tôi mới biết Hà Nội bắt nguồn từ cả ngàn năm lịch sử”. Tôi thở phào. Mặc áo mưa và mang băng đi nộp. Từng hạt mưa to nặng gõ những cơn tê dại vào mặt. Về nhà, tôi gục xuống ngủ vùi”.

Thành nhà Hồ: sự tĩnh lặng của đá

Hồ sơ Hoàng thành Thăng Long chính là sự minh chứng rõ ràng về giá trị của di tích. Dễ hiểu, giàu hình ảnh với cảm xúc ngân dài từ nhạc nền Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây đến hình ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch trong tòa nhà Bộ tổng tham mưu. Đĩa đến tay người nhận là PGS.TS Tống Trung Tín, giám đốc dự án hoàng thành, ướt lướt thướt cả mấy lần nilông bọc ngoài. Hồ sơ dày cả ngàn trang còn phải giải trình một số điểm. Riêng bộ phim không phải chỉnh sửa một li.

Đạo diễn Trần Cẩm xòe cả năm ngón tay vuốt lên mặt. “Tôi vẫn nhớ cảm giác về bầu trời xám, cơn mưa nặng hạt như những cú xỉa tay thẳng vào mặt khi đó. Để rồi sau này, tôi gặp lại một cơn mưa như thế khi làm phim về di sản thành nhà Hồ”.

“Suốt thời gian chúng tôi quay phim thành nhà Hồ trời âm u, chỉ ngày quay đầu tiên có le lói chút nắng. Tới khi đóng máy, trời mưa như trút. Tôi dựng phim trong phòng mà ngoài cửa kính nước mưa đập từng vệt dài. Chỉ chung nhau không khí mưa vậy thôi, nhưng cảm xúc đoàn làm phim thì khác hẳn với hồi làm phim hoàng thành”.

“Nếu Hoàng thành Thăng Long mang vẻ đẹp dương tính thì thành nhà Hồ lại âm tính. Cảnh vật trong hố khai quật của hoàng thành mang tông đỏ với nhiều sắc độ khác nhau của gạch, ngói thì thành nhà Hồ lại xám xanh u hoài. Hoàng thành quay trong những ngày nắng vã mặt thì thành nhà Hồ chỉ có một chút nắng “phân phối” đủ dùng. Hoàng thành là trung tâm quyền lực trong suốt thời kỳ dài, thì thành nhà Hồ chỉ là kinh đô trong bảy năm ngắn ngủi”.

“Cũng không có cuộc cãi vã nào khi làm phim thành nhà Hồ cả, vì chúng tôi và các nhà khảo cổ đã quá hiểu nhau”, ông Cẩm trầm ngâm.

“Có lẽ điều lớn nhất chúng tôi nhận được sau hai bộ phim chính là khối lượng kiến thức, thách thức khổng lồ. Giờ đây, tôi có thể nhắm mắt mà nói về những triều đại rực rỡ từng ngự trị ở hoàng thành, về những tháng năm cải cách ngắn ngủi mà xô đổ giá trị cũ của Hồ Quý Ly. Bằng thành nhà Hồ, kỹ thuật xây dựng của ta đã vượt xa các nước trong khu vực thời đó. Những khối đá lớn, dài mấy sải tay người được khai thác từ đá núi gần đó khi chưa hề có kỹ thuật nổ mìn...”, ông nói không giấu nổi sự ngưỡng mộ.

“Còn điều gì nữa ư? À, có. Khi cả hai di sản tôi làm phim lần lượt trở thành di sản văn hóa thế giới, vợ con tôi đã không giận tôi nữa. Bởi mỗi lần làm phim là ngần đấy thời gian “bê trễ” với vợ. Nhưng còn chưa to bằng tội cứ nhè đúng kỳ cả nhà có thể đi nghỉ với nhau mà bận. Con gái tôi buồn lắm vì khi cháu nghỉ hè tôi đã chẳng thể đi cùng. Nhờ các cụ, gia đình tôi vẫn đang... liên tục hạnh phúc”, ông nói rồi vươn vai như đang khởi động bên bờ biển. Giờ đây, với hai bộ phim di sản, hai di sản thế giới, ông lại được bơi trong hạnh phúc ngộp thở.

8YNmOeKB.jpgPhóng to

Đạo diễn Trần Cẩm - Ảnh nhân vật cung cấp

Đạo diễn, NSƯT Trần Cẩm xuất thân từ một người quay phim. Ông hiện là phó trưởng phòng phim tài liệu, Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự Đài truyền hình VN. Bài báo này lên trang khi ông đang có chuyến công tác một tháng tại Nga để làm bộ phim tư liệu theo dấu chân Bác trên đất nước này.

Hơn 20 năm trong nghề, ông Cẩm đã làm hơn 100 bộ phim. Những bộ phim được người xem yêu thích đều là những góc tiếp cận, tư liệu độc đáo về lịch sử.

* Nhà báo, đại tướng Võ Nguyên Giáp (2000) nói đến việc ông chính là một trong hai nhà báo viết bình luận sắc sảo và nhiều nhất của báo Quân Đội Nhân Dân suốt thời kỳ chiến tranh.

* Người bạn thầm lặng của Bác kể câu chuyện về người bạn Pháp Raymond Aubrac của Bác. Ông là người đã ngăn người Mỹ ném bom xuống đê sông Hồng, cũng là người lấy bản đồ bom mìn ở vĩ tuyến 17 và sông biển VN từ tay MacNamara giúp VN khắc phục hậu quả chiến tranh.

* Hành trình về nơi vua hóa Phật (2008) giới thiệu về am Ngọa Vân nằm ở sườn tây núi Yên Tử, nơi đức vua Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

* Những vần thơ khóc Bác (2009) kể câu chuyện về một nhà sư Nhật Bản làm những vần thơ xúc động khi Bác Hồ qua đời.

* Hạ Long xanh được giải Hoa sơn trà của Liên hoan phim Đông Nam Á và Tây Á tại Trung Quốc (2010).

* Hoàng thành Thăng Long của hồ sơ di sản văn hóa thế giới được giải Liên hoan phim tài liệu ASEAN (2010).

KIỀU TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên