07/07/2013 08:19 GMT+7

Chuyện ở Ai Cập nghe quen quen...

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Vụ lật đổ tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi hôm 3-7 không lạ lùng gì với bất cứ ai đã từng quen thuộc với những loạt chính biến ở châu Á: Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) ở Hàn Quốc ngày 26-6-1960, rồi thì Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963, Sukarno ngày 11-3-1967... Chuỗi đảo chính mấy chục lần ở Thái Lan tạm dừng ở vụ ngày 19-9-2006 là một ví dụ nóng sốt.

Ở trong lòng Ai Cập giữa cơn biến độngAi Cập: 4 ngày biểu tình, gần 100 phụ nữ bị tấn công tình dụcQuân đội Ai Cập ra tối hậu thư cho tổng thống

8Ep9Wt6J.jpgPhóng to
Những người chống ông Morsi ném đá về phía đối địch ở gần quảng trường Tahrir tối 5-7 - Ảnh: Reuters

Đồng tiền Mỹ ở Ai Cập

Mấy mươi năm qua, nước Mỹ đã cung cấp cho Ai Cập hơn 60 tỉ USD viện trợ và hậu thuẫn chính trị nhằm bảo đảm các lợi ích chính của mình trong khu vực: an ninh của Israel cùng các quan hệ với các nước sản xuất dầu ở vùng Vịnh.

Đặc biệt với quân sự, gần như Mỹ bao sân: tiền viện trợ từ Washington chiếm đến gần 80% kinh phí mua sắm khí tài của Ai Cập. Tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong buổi nói chuyện tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hồi tháng 4 năm nay đã ca ngợi quân đội Ai Cập vì giúp ngăn chặn nội chiến nổ ra trong cuộc nổi dậy năm 2011: “Tôi nghĩ rằng quân đội là khoản đầu tư tốt nhất mà Mỹ đã thực hiện trong khu vực này suốt nhiều năm qua. Quân đội Ai Cập, thẳng thắn mà nói, là một người chơi có trách nhiệm rất cao trong tấn kịch này”.

Dân chủ là quan trọng, song khi bất ổn định, thì tìm lại sự “cân bằng chiến lược” mà các nhân vật bị lật đổ đã không đảm đương nổi. Trong tất cả các vụ đảo chính đó, quân đội luôn đóng vai trò “cứu quốc”, nắm chính quyền trong ít lâu tùy tình hình rồi bầu bán... để tiếp tục “con đường dân chủ”!

Tổng thống Morsi đã thân bại danh liệt vì lệ thuộc quá nhiều vào tổ chức Anh em Hồi giáo, đụng chạm đến “nửa kia” của xã hội Ai Cập, đồng thời hàm chứa nhiều bất trắc địa - chính trị. Lật đổ ông Morsi nhằm tránh nguy cơ Hồi giáo cực đoan này để Ai Cập tiếp tục đóng vai trò “nút chặn an toàn” của “hòa bình Trung Đông” từ phía tây nam Israel, vào lúc mà “hòa bình Trung Đông” đang bị đe dọa bởi một Syria ngày càng ngả về phía Nga, là một nhu cầu sinh tử!

“Ổn định chính trị” ở cửa ngõ tây nam của Israel, từng được duy trì từ sau hòa ước Camp David tháng 3-1979 với tổng thống Hosni Mubarak cho đến khi ông này bất ngờ bị lật đổ vào tháng 2-2011. Nay càng cần ổn định hơn vào lúc mà Syria đang là mục tiêu tranh giành giữa Nga và Mỹ. Đừng trách Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bấy lâu nay cứ “xà quần” ở Trung Đông, “bỏ lơ” Đông Á - Đông Nam Á: chẳng qua ông đang lo “chữa cháy” bằng một hiệp định hòa bình Israel - Palestine nữa để đối phó với tình hình Syria sắp bùng nổ “quốc tế”!

Trong thông điệp phát đi hôm 3-7 khi vừa kết thúc chặng cuối vòng công du châu Phi thăm ba nước Senegal, Nam Phi và Tanzania, Tổng thống Mỹ Obama đã nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi giới quân nhân Ai Cập chuyển động một cách nhanh chóng và có trách nhiệm nhằm trả lại trọn vẹn quyền hành cho một chính phủ dân sự được bầu lên một cách dân chủ càng sớm càng tốt qua một tiến trình toàn diện và công khai”. Có thể hiểu: “cho một chính quyền dân cử” tức là bất cứ một chính quyền nào, và “qua một tiến trình toàn diện và công khai” tức là qua một cuộc bầu cử khác trong tương lai?

Các câu hỏi trong cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Mỹ với nữ phát ngôn viên Jen Psaki lúc 13g20 ngày 3-7 giờ Washington, sau khi ông Morsi đã bị lật đổ và bắt giữ ở Cairo, cho phép hiểu rõ hơn thực chất quan hệ Mỹ - Ai Cập qua cách dùng từ và đặt vấn đề của các nhà báo Mỹ: “Có vẻ như quý vị (Chính phủ Mỹ) đã không hài lòng (với bài diễn văn của tổng thống Morsi)... Tôi tin là quý vị không vui với ông tổng thống, song quý vị cũng không phải là không vui lắm với cánh quân nhân... Về phần tôi, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ không để cho mấy tên điên hay ngu ngốc đó làm tan nát Ai Cập”.

53 năm trước, ở Hàn Quốc, tổng thống Lý Thừa Vãn cũng vừa mới đắc cử nhiệm kỳ thứ tư với 90% số phiếu trong cuộc bầu cử ngày 15-3-1960, vào lúc ông đã 84 tuổi. Bị phe đối lập 10% phản đối, chỉ 1 tháng 11 ngày sau ông đã phải từ chức, bàn giao quyền hành cho ngoại trưởng Heo Jeong, để rồi đến ngày 16-5 năm sau, quân đội nắm chính quyền cho tới... năm 1988, khi mà Hàn Quốc đã thịnh trị.

Chỉ ông Morsi đã không hiểu “bài học Hàn Quốc và châu Á” để cho đồng minh thôi âu lo. Quân đội phải vãn hồi trật tự thôi. Câu này nghe suốt ở miền Nam Việt Nam trong thập niên 1960!

Bắn giết lẫn nhau

Ngày 6-7, các tổ chức Hồi giáo bao gồm Anh em Hồi giáo của tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi đã thề sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi ông Morsi được phục chức. Theo Reuters, nhà lãnh đạo Anh em Hồi giáo Mohamed Badie tuyên bố “sẵn sàng hi sinh mạng sống” để đưa ông Morsi trở lại ghế tổng thống.

AFP cho biết các vụ đụng độ giữa hai phe biểu tình chống và ủng hộ ông Morsi bùng lên khắp Ai Cập khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Tại thành phố cảng Alexandria bên bờ Địa Trung Hải, hai phe đã hỗn chiến trên đường phố làm ít nhất 12 người chết. Hàng trăm người khác bị thương. Tại quảng trường Tahrir ở Cairo, hai bên thậm chí đã xả súng vào nhau. Sự hỗn loạn chỉ lắng dịu ở Cairo sau khi quân đội điều xe quân sự tới trấn áp.

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án các vụ đụng độ ở Ai Cập và kêu gọi lãnh đạo các bên cùng quân đội tìm cách chấm dứt bạo lực. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng phát đi thông điệp tương tự. Nhà lãnh đạo đối lập Mohamed ElBaradei cảnh báo Ai Cập đang phải đối mặt với nguy cơ nội chiến.

SƠN HÀ

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên