06/07/2013 10:02 GMT+7

Ở trong lòng Ai Cập giữa cơn biến động

VỎ TRUNG DUNG (tường thuật từ Cairo)
VỎ TRUNG DUNG (tường thuật từ Cairo)

TT - Thế là giờ đây mọi chuyện có vẻ đã ngã ngũ với “tổng thống một năm” Mohamed Morsi. Ông đang bị cầm giữ tại trụ sở Bộ Quốc phòng Ai Cập. Vậy mà đám đông người dân xuống đường biểu tình đã hân hoan vỗ tay reo hò trước thông tin đó.

OZZJt0G3.jpgPhóng to
Biểu tình ủng hộ ông Morsi ở Cairo tối 4-7 - Ảnh: Reuters

Có rất đông trong số họ hơn một năm trước từng đánh dấu vào cái tên Morsi để lựa chọn người được gọi là tổng thống dân cử đầu tiên trong lịch sử Ai Cập. Liệu lần này nên gọi là cuộc cách mạng thứ hai hay là cuộc đảo chính của giới quân sự? Có lẽ là cả hai.

Giữa hỗn độn Cairo

Cả biển người phủ lấy quảng trường Tahrir rộng lớn ngay giữa trung tâm thủ đô Cairo. Hàng binh sĩ vũ trang tận răng chật vật ngăn giữ làn sóng người của bên chống cựu tổng thống Morsi chỉ chực tràn sang nhóm rất nhỏ những người ủng hộ ông Morsi cũng có mặt trên quảng trường. Nhóm nhỏ này tuy vậy lại khá dễ nhận diện: chỉ toàn nam giới, râu ria đậm, mặc bộ trang phục dài truyền thống và cũng khản cổ hò hét chống lại biển người bên kia.

“Ai Cập muôn năm. Nền dân chủ muôn năm. Quyền lực thuộc về tay nhân dân. Quân đội đứng về phía chúng ta” - Seb dịch sang tiếng Pháp cho tôi những lời mà biển người hò hét trên quảng trường. Seb là biệt danh của cậu sinh viên người Libăng nhận lời liều mạng làm phiên dịch cho tôi trong những ngày dầu sôi lửa bỏng này ở Cairo. Cậu nhất quyết không chịu hé lộ tên thật.

Khó có thể mô tả rõ ràng tình hình lúc này vì làn sóng người xuống đường rất ư hỗn độn với các câu khẩu hiệu, biểu ngữ tràn qua tràn lại. Họ cũng chẳng thể nắm bắt được thông tin gì ở trên thượng tầng chính trị. Họ chỉ biết hẹn nhau ngày xuống đường và cứ thế mà đi, mà đòi sự thay đổi thể chế.

Tiếng la hét, rồi những giọt nước mắt càng làm không khí thêm kích động tột độ. Rồi từ cái loa khuếch âm của một người biểu tình mang theo đài phát thanh phát lên giọng đọc đanh thép của tướng Fattah el-Sisi, tư lệnh quân đội: “Hội đồng quân đội quốc gia đình chỉ hiến pháp để cứu đất nước khỏi hỗn loạn. Chúng tôi sẽ tập hợp mọi đảng phái chính trị và sẽ tổ chức bầu cử mới”. Nghe những lời đó, đám đông lại la hét inh trời. Người ta ôm nhau nhảy múa và hát. Tình hình đã ngã ngũ nên mọi thứ cũng êm thắm hơn so với hai ngày trước khi mà những vụ đụng độ bạo lực sẵn sàng nổ bùng trước bất kỳ tin đồn nào liên quan đến số phận ông Morsi.

Tôi cùng ba đồng nghiệp phương Tây tìm cách len lỏi giữa đám đông đang hừng hực khí thế như thế. Trên tay áo chúng tôi đeo bảng hiệu “báo chí quốc tế” ở chỗ dễ thấy nhất. Thật ra đây là bảng hiệu không chính thức do một thợ may tư nhân ở Cairo làm cho. Cũng như phần lớn các nhà báo quốc tế có mặt ở Cairo những ngày này, chúng tôi chẳng được cơ quan nhà nước ở đây cấp phép. Người ta chẳng còn tâm sức nào để nghĩ đến chuyện này. Sinh mạng của các quan chức có khi còn chẳng an toàn.

Để đảm bảo an toàn cá nhân, đám nhà báo quốc tế chúng tôi chỉ cố gắng hết sức sao cho những người biểu tình không xem chúng tôi là “gián điệp” hay là “an ninh mật mặc thường phục” đang tìm cách ghi hình họ rồi xử lý nguội sau đó... Ở không khí hỗn quân hỗn quan này, sinh mạng con người mới thấy nhỏ bé làm sao.

Những tiếng nói trẻ

Abrahim, 25 tuổi, đóng đô ở quảng trường Tahrir đã bốn ngày rồi. Làm nhân viên của một ngân hàng và nhạc sĩ nghiệp dư, anh có thu nhập ổn và ăn mặc bảnh bao như bất kỳ thanh niên cùng tuổi nào ở Berlin hay New York. Anh là một hình ảnh biểu trưng của giới trẻ thị thành Ai Cập từng tham gia cuộc cách mạng cách đây hơn hai năm để lật đổ Hosni Mubarak.

“Các bạn từng bầu Morsi rồi nay lại lật đổ. Tại sao lại không dùng lá phiếu để làm chuyện đó?” - tôi hỏi Abrahim. Anh ta trả lời có vẻ lúng túng: “Chúng tôi không thể chờ được. Đất nước đã chịu khổ đau. Cần phải có những đổi thay tức thời!”. Thay cho cách biện luận, Abrahim đưa ra cái điện thoại mới cáu đang truyền trực tiếp hình ảnh tướng Fattah el-Sisi. Như thể để trấn an mình cũng như cho những công dân quốc tế như tôi.

Không xa đó, một phụ nữ trẻ ra dấu muốn trả lời báo chí quốc tế. Cô tự xưng tên Nour, 32 tuổi, làm ở thư viện. Cô đến từ Alexandria, một thành phố cổ cách Cairo 200km. Cô khẳng định chắc nịch: “Quý vị thấy đấy, toàn bộ giới trẻ Ai Cập có mặt ở đây chứ đâu phải người Cairo không”.

Cô ăn mặc pha lẫn giữa kiểu thời trang Tây và Đông. Cô giải thích: “Xã hội Ai Cập đang nằm ở tầng sâu của khủng hoảng văn hóa đang ảnh hưởng đến các xã hội Ả Rập. Nó là sự giao thoa của thừa hưởng văn minh ngàn năm và tôn giáo với những yêu cầu của thế giới hiện đại đang vây quanh chúng tôi. Chúng tôi vẫn chưa biết phải làm thế nào để thích ứng nhưng chúng tôi biết rõ là chúng tôi muốn dân chủ, nền dân chủ đích thực sau hàng chục năm”.

Abrahim, Nour có thể chưa đại diện cho suy nghĩ chung của 83 triệu người Ai Cập nhưng họ ít nhất đã hai lần xuống đường để làm cách mạng, để đòi hỏi những điều họ nghĩ là đúng đắn.

Nhưng thực tâm mà nói, dường như họ vẫn chưa hiểu hết tận cùng rằng mình sẽ có được gì trong tương lai...

Đụng độ tiếp diễn

Theo Al Jazeera, liên minh các nhóm Hồi giáo do Anh em Hồi giáo đứng đầu đã phát động biểu tình quy mô lớn ngày 5-7. Các nhóm Hồi giáo cực đoan cũng tuyên bố sẽ trả đũa. Báo Deutsche Welle cho biết một binh sĩ thiệt mạng và hai người bị thương trong các vụ tấn công của người Hồi giáo sáng cùng ngày. Tại tỉnh Sharqiya ở châu thổ sông Nile, 80 người thiệt mạng do đụng độ nổ ra vài giờ sau khi tổng thống lâm thời nhậm chức. Trong hai ngày trước đó, tổng cộng 16 người bị giết và 500 người bị thương trên toàn quốc.

Thế giới tiếp tục có phản ứng khác nhau về vụ phế truất ông Morsi ở Ai Cập. Nhiều nước châu Âu gọi động thái của quân đội Ai Cập là “nguy hiểm”, “gây rối loạn” và một số nước cảnh báo công dân du lịch đến đây. Liên minh châu Phi khẳng định việc ông Morsi bị lật đổ là vi hiến. Mỹ không chỉ trích nhưng kêu gọi chính quyền lâm thời Ai Cập tránh bắt bớ vô cớ. Ngược lại, các nước khu vực Trung Đông như Syria, Saudi Arabia, Iraq... ủng hộ “sự cải cách” của Cairo.

T.P.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Chánh án Tòa án Hiến pháp Ai Cập nhậm chức tổng thống lâm thờiTướng Sisi: "người hùng" mới của Ai CậpQuân đội đảo chính, tổng thống Ai Cập bị giam giữ tại nhàĐụng độ tại Cairo, 16 người chết, 200 người bị thươngAi Cập: tổng thống bác tối hậu thư của quân độiĐảo chính, tổng thống Ai Cập bị phế truất

VỎ TRUNG DUNG (tường thuật từ Cairo)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên