12/02/2024 21:16 GMT+7

Chuyện người Việt kể và cộng đồng Việt Sử Liên Minh

Đã từng xuất hiện trên Tuổi Trẻ cùng nhóm Việt Sử Kiêu Hùng với những tập phim diễn họa lịch sử triệu view, năm 2023 Phạm Vĩnh Lộc lại thu hút được nhiều sự chú ý với sự ra mắt của trang Vietales.vn.

Cộng đồng Việt Sử Liên Minh ra đời ngày 31-8-2023 với nhiều thành viên có nền tảng khác nhau, từ biên kịch, doanh nhân đến đạo diễn, ca sĩ... - Ảnh: CC

Cộng đồng Việt Sử Liên Minh ra đời ngày 31-8-2023 với nhiều thành viên có nền tảng khác nhau, từ biên kịch, doanh nhân đến đạo diễn, ca sĩ... - Ảnh: CC

Bài viết này là tâm sự của Lộc cùng bạn đọc Tuổi Trẻ về khát vọng rực cháy và hành trình chông gai mà mơ mộng của mình với lịch sử nước Việt.

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm được điều gì lớn lao nhưng cùng với nhau - vừa làm vừa học, chúng ta có thể làm nên được điều phi thường cho nước Việt.
PHẠM VĨNH LỘC

Những ngày độc hành

Trước đây tôi cũng từng là một học sinh không hề thích môn lịch sử. Vào một ngày kia, bạn cùng bàn học lớp 11 thách thức tôi đọc trọn bộ Tam quốc diễn nghĩa.

Tự ái mà chấp nhận thử thách và từ đó tôi quan tâm đến lịch sử nhiều hơn, sục sạo mọi đầu sách nghiên cứu về Tam quốc, tìm hiểu chân tướng các nhân vật đằng sau câu chuyện. Chất liệu sử Trung Quốc qua bàn tay tiểu thuyết gia lôi cuốn cả người Việt.

Tôi tự hỏi: Liệu sử Việt Nam có cuốn hút không? Tôi đọc nhiều hơn và mau chóng bị hút hồn vào trang sử hào hùng của dân tộc.

Ba tôi yêu sách vở, còn mẹ tôi mê xê dịch, việc thừa hưởng cả hai đam mê này tác động nhiều đến lựa chọn của tôi.

Giai đoạn học đại học vì phải đọc rất nhiều tài liệu nên tôi đành gác lại chuyện đọc sách và thay vào đó là những chuyến phượt ngắn. Hóa ra miền Tây là thế này, còn Hà Nội là thế kia... những khám phá mới khiến tôi yêu Việt Nam hơn nhiều lắm.

2015, tôi quyết định dành một năm để hiểu thêm đất nước mình. Một chuyến xuyên Việt. Đến Lý Sơn, mê mẩn ngắm nắng chiều lấp lánh trên mặt biển từ đỉnh Thới Lới, tôi thầm rên trong lòng: "Nước mình đẹp quá!".

Rồi lần lượt tôi đặt chân tới điểm tận cùng đất rừng phương Nam và tận cùng núi non phương Bắc. Lần đầu đi du lịch với tâm thế tìm về cội nguồn, tôi đã biết thế nào là non sông gấm vóc, dân tộc oai hùng.

Mượn chiếc xe máy, tôi chạy tới Hoa Lư ngắm nhìn nơi tuổi thơ vua Đinh cờ lau tập trận, ghé sông Như Nguyệt hình dung trận đánh của Lý Thường Kiệt với quân Tống, vào thắp nhang tưởng nhớ các vua nhà Lý ở đền Đô và lặng ngắm Côn Sơn, nơi Nguyễn Trãi sống những năm tháng cuối đời.

Côn Sơn cách đền Kiếp Bạc của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn không xa. Khi bước qua cổng tam quan để vào bên trong đền, không khí u tịch như kéo tôi ngược dòng thời gian hàng trăm năm trước. Chưa bao giờ tôi thấy mình kết nối với quá khứ mạnh mẽ như vậy.

Trở về, xúc cảm vẫn còn nguyên vẹn, tôi viết câu chuyện lịch sử với ngôn ngữ bình dân và tếu táo trên Facebook của mình. Bài viết đầu tiên về Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đạt 11.000 like và 4.800 lượt chia sẻ chỉ sau một đêm.

Điều này gây cho tôi sự hoang mang không nhỏ. Tôi hơi lo lắng nhưng vẫn giữ tâm thế viết cho bạn bè, thực hiện tiếp bài về Nguyễn Trãi và những nhân vật khác.

Những bài viết đó lại càng thu hút được sự chú ý và lan truyền mạnh mẽ hơn nữa. Tôi bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ: liệu mình có thể dấn thân hơn để lan tỏa niềm say mê lịch sử đến với nhiều người hơn không?

Và chuyện tôi thành một người viết về lịch sử đã bắt đầu như thế!

Phạm Vĩnh Lộc

Phạm Vĩnh Lộc

Âm thanh mở lối cho chuyện kể

Một độc giả thích những bài viết của tôi đã tổng hợp lại, thay mặt gửi đến một nhà xuất bản và nhận được hồi âm: "cho thêm tiền cũng không dám".

Cá nhân tôi cũng nghĩ văn phong của mình không hợp với sách. Và cơ duyên đến từ hướng khác. Một độc giả khác gửi bài đến "phù thủy lồng tiếng" Đạt Phi.

Ông chia sẻ: "Tôi đọc thấy thích, vui, lịch sử xuyên qua con người và những câu chuyện rất đời, dễ thu hút, ghi nhớ. Tôi thử đọc và đưa lên mạng...".

Ban đầu, ông chỉ đơn giản đặt một chiếc ghế ngồi trước máy quay và đọc.

"Một kênh "vô danh tiểu tốt" mới hoạt động nên khi thấy 1.000 người vào nghe, tôi đã bất ngờ; rồi vài hôm lại lên 3.000 - 4.000.

Mọi người bình luận liên tục, đa phần là "cười té ghế", "trời ơi sử kiểu này thì mình đâu có bị chán sử"... Có lẽ đây là hướng đi tốt, tôi tận dụng thời gian nhàn rỗi đọc hết những bài của Phạm Vĩnh Lộc viết".

Sau đó, ông Đạt Phi bắt đầu làm các video dựa trên truyện tôi viết như một bộ phim. Công ty chuyên về âm thanh, các nhân vật được lồng tiếng, có đối thoại, có âm thanh chiến trận, có âm nhạc được mua bản quyền. Năm 2016, kênh Hùng Ca Sử Việt ra đời và nhanh chóng tăng trưởng.

Ông cho biết thêm: "Tôi thích phong cách Phạm Vĩnh Lộc ở hai điểm: kiến thức lịch sử phong phú, đa dạng; cách viết dí dỏm và tươi trẻ. Kênh của tôi nhiều người theo dõi nhờ phần lớn các câu chuyện do Lộc chấp bút. Hiện tại, tôi mời Lộc tham gia với chúng tôi theo từng dự án".

Tôi nhận ra bản thân cũng đã tạo ra những ảnh hưởng đáng kể đến với cộng đồng. Thành công ban đầu của Hùng Ca Sử Việt đã tạo nên cảm hứng cho Trần Tuấn - người sáng lập kênh Đuốc Mồi - thực hiện tập phim ngắn Võ Tánh.

Phim nhận được sự khích lệ rất lớn từ người xem và dự án Việt Sử Kiêu Hùng thành lập vào năm 2017, làm phim lịch sử diễn họa. Chúng tôi đã có nhiều bạn đồng hành.

Cả hai dự án này rất đúng với định hướng của tôi: lịch sử không đơn thuần là những cột mốc ngày tháng chết lặng trong sách vở, mà là hình ảnh một quốc gia bao lần quật khởi để tồn tại được tái hiện sống động.

Bộ phim diễn họa Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu thành tạo kỷ lục 100.000 lượt xem trong ngày đầu tiên, dần dần cán mốc 1 triệu.

Và Bình Ngô đại chiến còn vượt qua kỷ lục ấy nữa. Việc được ghi nhận động viên chúng tôi rất nhiều.

Chúng tôi tìm kiếm, nghiên cứu tài liệu từ mọi nguồn và chúng tôi cùng nhau phiêu lưu khắp nơi. Muốn biết về nhà Trần, bọn tôi đến Thái Bình, Nam Định. Muốn cảm nhận mười năm nếm mật nằm gai của vua Lê Lợi, phải nhờ kiểm lâm dẫn vào núi rừng Lam Sơn.

Và làm sao có thể hiểu được cái lạnh buốt giá tại Quỷ Môn Quan nếu chưa từng đến ải Chi Lăng? Những cú té ngã rướm máu khi tìm đến đỉnh núi diễn ra hội thề Lũng Nhai chỉ làm tăng thêm quyết tâm chinh phục.

Tôi trở lại Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi cùng Việt Sử Kiêu Hùng. Dấu chân chúng tôi để lại và những câu chuyện bi hùng trăm năm chúng tôi mang về.

Song song, tôi vẫn phải làm việc để cân bằng tài chính giữa cuộc sống và đam mê. Ngoài thu nhập chính từ chuyên môn được đào tạo ở ngành du lịch và khách sạn, cộng tác với các dự án giáo dục, tôi có cả thu nhập từ chính những câu chuyện lịch sử: nhuận bút viết báo, tác quyền từ Đạt Phi Media, Đuốc Mồi, Minh Vy Home, dự án Lạc Khởi...

Gặp nhiều khó khăn, tôi vẫn tin tưởng chất liệu sử Việt là mỏ vàng và con đường ngắn nhất để tiếp cận giới trẻ là thông qua giải trí.

Tôi tham gia mọi dự án có thể, sẵn sàng thử nghiệm để tìm ra phương pháp hiệu quả thuyết phục bạn trẻ yêu sử Việt. Nếu không thử thì làm sao biết được mình sẽ thành công tới đâu?

Phạm Vĩnh Lộc hướng dẫn học sinh sinh viên trong chương trình Amazing School thăm Đại nội Huế - Ảnh: CC

Phạm Vĩnh Lộc hướng dẫn học sinh sinh viên trong chương trình Amazing School thăm Đại nội Huế - Ảnh: CC

Liên minh những người yêu sử

Ý tưởng về Việt Sử Liên Minh đã nảy ra trong tôi từ năm 2018. Thời điểm đó các dự án lịch sử và văn hóa Việt Nam trăm hoa đua nở nhưng lại rời rạc, không liên kết, nhiều cá nhân và dự án còn "đấu đá" lẫn nhau.

Tôi thử lập nhóm thảo luận Việt Sử Liên Minh gồm thành viên từ một số dự án thân quen. Nhỏ nhưng đáng tự hào lắm, chúng tôi ủng hộ và giúp đỡ nhau về mặt tinh thần và hy vọng về một dự án chung sau này.

Đã bao giờ tôi nản chưa? Rất nhiều lần. Đôi khi đột nhiên trở thành đối tượng gây tranh cãi, bị công kích nảy lửa trên mạng khiến tôi muốn bỏ cuộc và rẽ sang hành trình mới.

Nhưng rồi tôi vẫn nhớ những ngày co ro gặm mẩu bánh mì khô trong chùa cùng nhóm Việt Sử Kiêu Hùng, nhớ bụi bặm bám đầy người khi đến thành Xương Giang, nhớ dấu giày lấm lem bùn đất núi rừng Lam Sơn. Tình yêu lịch sử trong tôi chưa bao giờ tắt.

Năm 2021, đại dịch COVID-19 bắt tôi gác lại mọi dự án, trở về Nha Trang với gia đình. Đầu năm 2022, anh Thắng Nguyễn - một doanh nhân quen biết trên Facebook - ghé Nha Trang và thuyết phục tôi quay lại TP.HCM để cùng thực hiện một dự án lịch sử nữa.

Ngọn lửa được bùng lên trở lại. Sau thăng trầm của nhiều dự án, tôi đã chấp nhận rằng sẽ có người yêu và người ghét, người ủng hộ - người phản đối, điều quan trọng là niềm tin nội tâm chính mình. Một lần nữa tôi lên đường.

Sau nhiều lần dẫn khách nước ngoài tham quan Việt Nam, cũng như đưa các bạn trẻ Việt Nam ra nước ngoài học tập cùng Amazing School, tôi nhận ra rằng họ tiếp thu nhanh hơn, ham muốn tìm hiểu hơn nếu được nghe kể chuyện.

Tôi luôn tìm kiếm nhiều hình thức khác nhau để truyền tải cảm xúc của các câu chuyện: truyện, phim, trò chơi. Thế giới chúng ta là một kho tàng những câu chuyện thú vị.

Cuối cùng, giữa năm 2023, dự án Vietales - Chuyện người Việt kể của chúng tôi đã ra đời với mong muốn tạo những sản phẩm giải trí theo tiêu chí:

- Mang câu chuyện Việt Nam ra thế giới, để thế giới biết một Việt Nam không chỉ có chiến tranh mà quyến rũ, đa sắc màu từ lịch sử đến văn hóa;

- Mang câu chuyện thế giới về Việt Nam: để thúc đẩy người trẻ tìm hiểu, khám phá thế giới ngoài kia rộng lớn và hấp dẫn, chuẩn bị hành trình công dân toàn cầu.

Những sản phẩm của Vietales đều thực hiện trên định hướng đó: Sử tếu, Lớp học xuyên không, Bách quái họa, Mộng trung đô: Tây Sơn anh hùng truyện; ứng dụng AISuViet hỗ trợ người dùng tìm hiểu chất liệu lịch sử cho học tập, sáng tác...

Và Việt Sử Liên Minh vẫn là một nỗi day dứt. Cần có một nền tảng tạo ra cộng đồng chung tay thực hiện những sản phẩm Việt Nam, xuất khẩu văn hóa và đấu với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Nghe thật viển vông nhưng có công trình nào không bắt đầu từ viên gạch đầu tiên? Và nếu không bắt đầu lúc này thì bao giờ? Nếu không phải tôi thì ai sẽ làm?...

Hai tháng sau khi Vietales ra mắt, tôi đến thảo nguyên Mông Cổ. Đứng giữa đồng cỏ mênh mông, tôi như nhìn thấy cảnh tượng từng đoàn chiến binh khác nhau từ các vùng thảo nguyên cùng tụ lại dưới một ngọn cờ. Trên đồng cỏ này, khi xưa, một đế chế đã hình thành nhờ sự nhất thống.

Trên hành trình của mình, tôi đã may mắn được tiếp xúc với nhiều dự án và tổ chức khác nhau như Sử Talk, Ngũ Hành Games, Grimm DC, Đại Việt Kỳ Nhân, Chiêu Minh Các, 8K Studio, Gamize... Tất cả họ đều yêu sử Việt tha thiết và những cơ duyên này không thể nào trôi qua uổng phí.

Cộng đồng Việt Sử Liên Minh ra đời ngày 31-8-2023 với nhiều thành viên có nền tảng khác nhau, từ biên kịch, doanh nhân, đến đạo diễn, ca sĩ... Điểm chung tuyệt vời là tất cả đều hướng về Việt Nam.

Phạm Vĩnh Lộc

Phạm Vĩnh Lộc

- Hùng Ca Sử Việt: Fanpage (46.000), YouTube (140.000)

- Việt Sử Kiêu Hùng (Đuốc Mồi): Fanpage (165.000), YouTube (467.000)

- Vietales: Fanpage (44.000)

"Với cá nhân mình thì tham gia Việt Sử Liên Minh có rất nhiều lợi ích: giúp dự án cá nhân mình được mọi người biết tới và nhận được ý tưởng của mọi người về phương hướng phát triển dự án. Thứ hai là tìm cộng sự cùng tâm huyết. Nếu không trong liên minh thì sẽ không làm được hoặc làm rất chậm...".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Phương Đông, tác giả Lôi động tinh phi

"Tôi tham gia Việt Sử Liên Minh mong hiện thực hóa ước mơ làm video game / board game có văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam chạm được đến sân chơi thế giới. Nhiều người trẻ hiện nay đam mê lịch sử của Trung Quốc, Nhật Bản cũng vì quá ghiền game văn hóa, lịch sử của họ".

Bạn Vũ Khôi Nguyên, sáng lập Meeple in Saigon

"Dự án Vietales của Phạm Vĩnh Lộc và bè bạn, mình nghĩ rất đáng đọc và đáng xem, dù nhiều người coi các nỗ lực của Lộc là ngây thơ, chưa đọc kỹ sử Việt hay kém tiếng Hán...

Điều đáng trân trọng ở các bạn là tình yêu lịch sử, quê hương và mong muốn làm điều gì đó khác biệt, sẵn sàng chấp nhận những sai lầm để học hỏi và vươn lên. Đó mới là tuổi trẻ và là thứ mà đôi khi người ta vừa muốn có được lại vừa ghen tị...".

Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh

Thuộc thế hệ 9X, tốt nghiệp chuyên ngành biên phiên dịch tại Đại học Hoa Sen và chứng chỉ hướng dẫn viên quốc tế tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Phạm Vĩnh Lộc được biết đến là người sáng tạo nội dung của các dự án giải trí Hùng Ca Sử Việt, Việt Sử Kiêu Hùng, Vietales...;

Đồng thời là diễn giả nhiều chương trình của Nhã Nam, Fahasa, Viettel, Sử Talk...; từng cộng tác với các nhà xuất bản Saigon Books, Omega+, Đông A;

Phạm Vĩnh Lộc là người hướng dẫn học thuật cho chương trình trại hè do các dự án giáo dục như FEC, Amazing School, Viện lãnh đạo ABG...

Lộc cũng là người sáng lập Việt Sử Liên Minh, một kết nối những dự án sử của người trẻ với rất nhiều khát vọng.

Việt sử kiêu hùng: tiếp tục hay không?Việt sử kiêu hùng: tiếp tục hay không?

TTO - "Nói là cuối cùng nhưng sẽ không cuối cùng. Sau phim này họ sẽ được biết đến nhiều hơn, sẽ được tiếp tục".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên