Phóng to |
Ngư dân Nguyễn Văn Mọi kể chuyện bắt cướp biển - Ảnh: Khoa Nam |
“Làng chài Đá Chồng có lúc bỏ nghề gần phân nửa vì cứ ra biển là bị cướp biển lấy hết tài sản, phương tiện. Phải chạy khắp đầu trên xóm dưới vay mượn mới đủ tiền chuộc tàu về. Vừa tích góp trả nợ gần xong lại bị cướp, tới nước này chỉ còn đường bán tàu đi làm mướn” - ngư dân Nguyễn Văn Mọi (45 tuổi, ngụ ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) nhớ lại.
Tan nát làng chài
Thượng tá Đặng Văn Thống - chính ủy Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang - cho biết từ năm 2002 đến nay trên vùng biển xung quanh đảo Phú Quốc không còn xảy ra vụ cướp biển nào nữa. Đó là nhờ có sự đóng góp tích cực của các ngư dân, mà tiêu biểu là ông Nguyễn Văn Mọi. Những ngư dân này đã phát huy rất tốt vai trò chủ động trong việc cùng với lực lượng biên phòng bảo vệ trật tự an ninh trên biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. |
Ông Mọi kể: “Khoảng năm 2002 trở về trước, cướp biển hoành hành vùng biển Phú Quốc dữ tợn lắm. Mười chiếc tàu ra khơi thì cầm chắc bảy, tám chiếc gặp hải tặc. Nhẹ thì trấn lột hải sản, dầu nhớt, ngư cụ, nặng thì bắt người, giữ tàu đòi tiền chuộc. Tui có ông già nuôi là ông Sáu Xuân (cũng ngụ ấp Đá Chồng) có hai chiếc tàu mỗi chiếc khoảng 25 tấn. Năm 1994 bị cướp một lần, chuộc tàu hết cả chục lượng vàng. Vừa hồi phục thì năm 1997 bị cướp lần hai đành bán tàu, bỏ nghề biển luôn”.
Năm 1996 gia đình ông Mọi có chiếc tàu khoảng 15 tấn chuyên đánh lưới ghẹ bị cướp biển bắt. Lúc đó vừa ăn tết xong, xuất hành chuyến đầu năm cầu may, đánh được một mớ ghẹ, ông Mọi đang mừng thầm trong bụng thì gặp cướp.
“Tàu mình đậu sát bờ, nó (cướp biển) canh mình vừa nhổ neo là lao canô gắn hai máy Honda mấy chục sức ngựa tới lăm lăm súng ống lôi tuốt qua bển (Campuchia). Bận đó coi như mất trắng, phải vay mượn mấy lượng vàng chuộc tàu về - ông Mọi than thở rồi kể tiếp - Mà phải chi mình qua vùng biển của họ thì không nói, ở đây mình đã sợ chỉ đánh lưới gần bờ để có gì còn chạy trốn mà vẫn không khỏi bị cướp. Người nào còn trụ lại đi biển được coi như thuộc loại “lì đòn”.
Gặp cướp biển riết thiếu điều bị ám ảnh, nằm mơ cũng thấy cảnh bị cướp đánh đập, trấn lột. Những năm 1990 ở Đá Chồng có người bỏ chạy đã bị cướp biển nổ súng bắn chết, bỏ lại vợ con bơ vơ. Hồi đó tụi tui hay nói với nhau thôi ráng bán mạng đi biển nuôi vợ con, vừa... nuôi cướp biển luôn. Tụi nó ăn cơm, mình cũng còn có cháo húp chứ bỏ biển thì biết làm gì để sống vì bao nhiêu vốn liếng đều dồn xuống tàu hết rồi”.
Làm “mồi” nhử cướp
Ông Mọi kể: “Gặp cướp thì bà con ngư dân mình tìm cách báo cho đồn biên phòng điều tàu tuần tra của hải đội ra cứu. Tàu của cướp biển thuộc loại cao tốc, còn tàu biên phòng thì chạy chậm nên vừa thấy bóng lực lượng bên mình nó đã chạy mất. Hải đội biên phòng vừa rút đi là cướp lại xuất hiện, y như con nít chơi rượt bắt với nhau vậy. Năm nào tui với mấy ông bạn nghề biển cũng báo biên phòng cả chục vụ cướp, trấn lột mà không bắt được tên nào hết. Nhiều khi tức muốn trào máu họng mà không biết phải làm sao. Suy nghĩ kỹ lắm tui mới bàn với Út Hùng là bạn nghề tự nguyện đem thân ra làm “mồi” nhử cướp để mấy chú biên phòng bắt. Sau khi nghe tụi tui đề đạt ý định liều mạng, khoảng đầu năm 2002 bên biên phòng đồng ý cử bốn chiến sĩ súng ống đầy đủ đi theo tụi tui ra biển.
Bữa đó gặp đúng bốn tên cướp hung hăng đi canô. Tui lái tàu cố tình chạy chậm để dụ tụi nó tới gần. Nó vừa cặp sát be tàu là mấy chú biên phòng cầm súng hô đầu hàng. Tụi cướp không nói câu nào đã nổ súng bắn luôn tụi tui. Hai bên đấu súng giữa biển chừng năm phút, tới khi một tên cướp bị bắn chết ngay tại chỗ thì ba tên còn lại mới bỏ súng đầu hàng”.
Hỏi lúc đấu súng có thấy sợ không, ông khẳng khái: “Nói thiệt đã chấp nhận nhử cướp thì còn gì nữa mà phải sợ. Thí dụ mình có chết mà tiêu diệt được cướp cũng coi như mạng đổi mạng, bù lại bà con ngư dân mình sẽ được yên ổn mần ăn lâu dài. Mà đúng như vậy thiệt, sau vụ bắt sống ba tên cướp biển tui mới kể đó thì tự nhiên mấy nhóm cướp khác cũng giải nghệ. Từ năm 2002 tới nay vùng biển Bãi Thơm, quanh đảo Phú Quốc, rồi mấy hòn ngoài xa như Thổ Chu đều không còn tên cướp biển nào nữa. Ngư dân tụi tui mừng như chết đi sống lại, mang ơn mấy chú bộ đội biên phòng không biết bao nhiêu mà kể”.
Hiện tại gia đình ông Nguyễn Văn Mọi có chiếc tàu khoảng 2,5 tấn là phương tiện đi biển mưu sinh. Ông và con rể hành nghề câu mực gần bờ, mỗi ngày trừ chi phí còn lại thu nhập được khoảng 1 triệu đồng, gọi là đủ nuôi sống gia đình. Ông Mọi cho biết thêm ấp Đá Chồng cũng có tổ tàu thuyền đoàn kết do ngư dân thành lập để giúp nhau lúc hoạn nạn trên biển, nhất là mỗi khi phát hiện có luồng cá, mực, ghẹ thì thông báo cho mấy tàu ở gần cùng đánh bắt.
Điển hình của ngư dân Sau sự kiện đem mình làm mồi nhử giúp bộ đội biên phòng bắt cướp biển, ngày 17-6-2002 ông Nguyễn Văn Mọi được chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc. Ông Nguyễn Văn Mọi được mời giao lưu điển hình trong chương trình nghệ thuật Hướng về chủ quyền biên giới - biển đảo do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức, sẽ diễn ra vào 20g ngày 1-3-2013 tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Đêm giao lưu sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Trung tâm Truyền hình VN tại Cần Thơ và các đài phát thanh - truyền hình khu vực đồng bằng sông Cửu Long. K.NAM |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận