Mùa mua sắm Tết năm nay đã ghi nhận sự bùng nổ của mua bán online với nhiều tiện lợi cho người mua, thêm áp lực cạnh tranh phải làm "hài lòng khách đến" cho người bán: rõ ràng về giá và sản phẩm, được lựa chọn hàng, giao hàng tận nơi, hài lòng nhận tiền...
Trong bối cảnh ấy, không ít người kinh doanh nhỏ lẻ, bán hàng truyền thống đã hội nhập rất tốt, qua câu chuyện của người bán khô cá lóc.
Người viết có mua khô cá lóc trên sàn thương mại điện tử. Giá rõ ràng, miễn phí vận chuyển, hai ngày sau hàng được giao tận nhà. Bên bán ghi rõ trên bao bì: "Đây là hàng chuẩn bị Tết của khách hàng, shipper vui lòng giao cẩn thận, không móp méo hộp".
Cái hộp là chuyện nhỏ nhưng bên bán biết chăm chút để hài lòng người mua, bởi biết đâu người mua đem món hàng làm quà biếu, hộp nguyên vẹn vẫn trang trọng hơn chứ.
Chưa hết, bên trong hộp hàng còn có tờ A4 nói lời cảm ơn từ người bán kèm hướng dẫn chi tiết về cách bảo quản và chế biến các món liên quan...
Cuối thư là số điện thoại của bên bán để khách cần thì hỏi thêm, phản ánh chất lượng, "đàm phán" đổi - trả đến khi ưng ý với mong muốn: đừng buông tay thả ít "sao" để người bán giữ được chữ tín lâu dài. Đọc mấy dòng ghi trong tờ A4 mới thấy bán ký khô cá lóc vẫn có "hậu mãi" sao cho vui lòng người mua.
Qua câu chuyện của người bán ký cá khô online mới ước gì tất cả người bán hàng ở chợ, bán sản phẩm đặc sản truyền thống cũng làm hài lòng khách mua như thế thì biết đâu họ vẫn tồn tại bên cạnh phương thức bán hàng của thời công nghệ. Đâu hẳn cứ công nghệ là "giết" truyền thống.
Và câu chuyện ký khô cá lóc lại na ná với mua bán hoa Tết mang đặc trưng của kiểu kinh doanh truyền thống với "ba không": không bảng giá, không hướng dẫn sử dụng, không hậu mãi.
Nhưng rồi hoa Tết cũng lên sàn điện tử, cũng chịu sức ép cạnh tranh, người bán cũng phải chăm chút làm sao để hài lòng bên mua, có chỗ để người mua "càm ràm" về chất lượng sản phẩm, một cách tương tác hay gọi là hậu mãi gì đó.
Nào là "mai 200.000 đồng", "cúc mâm xôi 130.000 đồng"... giao tận cửa và nhận được phản hồi tích cực. Điều này cho thấy người tiêu dùng luôn ủng hộ và mong muốn gặp người "làm thật - ăn thật" lớn đến mức nào.
Vì thế, hoa Tết phân phối kiểu truyền thống nếu từ bỏ "ba không" sẽ thoát cảnh ế, giờ cuối không phải đập bỏ như các năm trước.
Thử hỏi, với chậu mai 200.000 đồng bán trên mạng có niêm yết giá, nếu bán theo kiểu "ba không" thì ai dám mạnh miệng trả giá, rồi ngại mua phải hàng chất lượng phập phù...
Hoa Tết là sản phẩm tinh thần mà cuối cùng không đem lại thoải mái từ lúc mua đến lúc sử dụng thì đáng tiếc thật, nhất là dịp năm mới ai cũng mong muốn được hanh thông, vui vẻ.
Sắp đến cao điểm mua bán hoa Tết Giáp Thìn, nhưng ở một số điểm bán cây cảnh vẫn chưa ghi nhận được nhiều sự thay đổi của bán hoa kiểu "ba không".
Thật cũng lo cho người bán. Mong rằng khi hoa Tết lên đầy ắp phố phường, ít nhiều sẽ có thay đổi trong cách bán hàng để bớt đi cảnh "mua hoa phút cuối", "mang đến lại mang về". Cũng có đơn vị đang đề xuất chính quyền mua lại hoa "ế" để trang trí phố phường, thay vì đập bỏ.
Ở góc nhìn nào đó thì đây như là sự bao bọc để kéo dài câu chuyện người bán - người mua chưa gặp nhau. Trong khi lẽ ra buôn - bán phải để thị trường quyết định và chỉ có thị trường mới có thể tạo sự công bằng và hình thành văn hóa buôn bán mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận