05/07/2016 10:02 GMT+7

Chuyện mắc cỡ của một người Sài Gòn

NGUYỄN NGỌC THẠCH (Q.7, TP.HCM)
NGUYỄN NGỌC THẠCH (Q.7, TP.HCM)

TTO - Con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình, TP.HCM) tôi sống trọ trước đây có một người đàn ông lớn tuổi bán khoai, mì luộc. Tận bây giờ, tôi vẫn thấy mắc cỡ với chính mình và với ông...

Giúp người bị tai nạn xe máy trên cầu Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: CHÂU ANH
Giúp người bị tai nạn xe máy trên cầu Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: CHÂU ANH

 

​Tiếp tục có nhiều bàn luận của bạn đọc từ câu chuyện ứng xử  “cúi chào đám tang”; trong đó có những câu chuyện “người trong cuộc” về nỗi băn khoăn khi làm điều bình thường nhất là giúp đỡ người già, người gặp nạn.

Ngay con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình, TP.HCM) tôi sống trọ trước đây có một người đàn ông lớn tuổi hằng ngày vẫn bán khoai, mì luộc bị bệnh động kinh. Tôi biết ông bị bệnh này vì một lần chứng kiến ông ngã ra đường, co giật, giãy giụa và khóc rất nhiều, miệng méo qua một bên.

Tận bây giờ, tôi vẫn thấy mắc cỡ với chính mình khi nhớ lại giây phút chỉ ngồi ở quán nước kế bên theo dõi mà không làm gì để giúp ông. Tôi quan sát thấy hết người này đến người khác đi ngang qua nhìn mà không ai giúp đỡ gì ông.

Ngồi thẫn thờ như vậy một lúc không quá lâu, tôi giật mình với sự vô tâm của mình nên đến giúp ông vào lề đường trước một quán nước vỉa hè ngay đó. Sự bất lực của tôi càng cao trào hơn khi người bán nước không cho đưa ông nằm trước hàng nước của bà, không biết vì lý do gì, sợ liên lụy hay sợ choán chỗ khách của bà không vào được?

Tôi đưa ông nằm qua vỉa hè kế bên quán nước, lúc này có hai người lại bảo “bị động kinh đó, vắt chanh vô miệng nhiều vào”. Tôi cứ vậy làm theo, mua từ bà bán nước túi chanh vắt liên tục vào miệng ông mà lòng rất sợ nếu ông bị gì, không phải động kinh mà nuốt phải chanh gây phản ứng thì sao? Nếu giúp mà ông xảy ra chuyện gì tôi có bị liên lụy không?...

Cách đây mười ngày, tôi dự một đám tang người thân ở Nha Trang cũng gặp trường hợp một phụ nữ đi bán than bị động kinh ngã ngay trước nhà đám. Mọi người túa ra đưa vào hiên nhà để cấp cứu, người phụ nữ liên tục nói “chanh, chanh, chanh”.

Sau một lúc đổ chanh vào miệng, bà cũng tỉnh. Bà kể chỉ có ba mẹ con, nghèo quá nên hết thuốc hai tuần rồi nhưng không có tiền nên mới bị như vậy. Có người nghe vậy liền đi mua theo sự mô tả viên thuốc trị huyết áp nửa trắng nửa vàng, có người bóp tay bóp chân... mỗi người mỗi cách giúp.

Tuy nhiên, đứng bên ngoài không ít người can ngăn với nhiều lý do: sợ giả vờ để xin tiền vì “thời buổi này khó nói lắm...”, sợ uống chanh bị sặc chết mất công mắc tội ngộ sát, sợ mua thuốc cho người ta uống có chuyện gì thì liên lụy, có người khuyên tốt nhất cho vài chục ngàn đồng kêu taxi chở bà tới bệnh viện cho yên thân...

Trời thì mưa rả rích, quan sát người này, lắng nghe người kia, nhìn phận người mà thấy lắm nỗi hoang mang, “không giúp thì cắn rứt lương tâm, giúp như thế nào để mình được an toàn”. Tự an ủi mình, tôi đưa bà tô cháo và thêm 100.000 đồng về mua thuốc, dặn đi đường cẩn thận...

Trong một lần khác khi đi đường, tôi cũng gặp cảnh cô gái bị tai nạn xe không ai giúp đỡ, cố quay đi để khỏi liên lụy nhưng đi được một đoạn tôi quay xe lại, đưa cô gái vào bệnh viện cấp cứu. Rất may là điện thoại cô gái xài khóa vân tay nên mở được mà gọi người thân cô đến để chăm rồi tôi đi về.

Nhiều lần tôi vừa giúp người vừa lo sợ, dù chưa lần nào tôi phải vướng vào cảnh làm ơn mắc oán. Nhưng rõ là để giúp người khi họ gặp hoạn nạn, một việc làm bình thường, cũng không hề dễ.

Thắng được nỗi lo của mình

Một buổi trưa nắng tháng 4 như đổ lửa, trên đường đi làm về, tôi ghé vào cửa hàng bên đường ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) mua trái cây. Bà cụ bán vé số lưng còng nhìn tôi cười hiền lành như muốn mở lời nói điều gì đó, nhưng rồi lại ngập ngừng không nói.

Tôi cũng không kịp nghĩ gì trước khi định phóng xe để chạy nhanh về nhà trốn cái nắng như thiêu như đốt ngoài đường thì bà cụ nói nhanh: “Cô ơi, cô có đi về phía bờ sông bên trong làm ơn chở giúp bà già này về với. Chân bà mỏi quá rồi…”.

Nghe bà cụ nhờ, tôi ngần ngại nghĩ trước nay mình chưa từng chở người già, lần này chở nếu không may bà cụ ngồi không vững mà té ngã thì phiền phức quá.

Rồi máu cảnh giác của người dân thành thị trước thực tế có quá nhiều người ngay bị lừa giữa đường khiến tôi nghĩ đến kịch bản tồi tệ hơn là mình chở bà cụ nếu không may bị ngã xe thì con cháu bà chạy đến ăn vạ, bắt đền chắc… chết!

Nghĩ vậy nên tôi lắc đầu từ chối: “Bà thông cảm, cháu không quen chở ai bao giờ”. Nghe tôi từ chối, mặt bà cụ buồn hiu. Lúc này, một chị bán trái cây bên đường chạy đến nói thêm vào: “Em chở bà cụ giúp đi, chân bà đau mà ngày nào cũng đi bộ bán vé số tội lắm”. Tôi nhìn lại bà cụ rồi nhìn ra đường nắng và nghĩ nếu để bà đi bộ thì mình quá tệ, nên mời bà lên xe với lời dặn bà phải ngồi cho vững và vịn vào người tôi…

Trên đường đi, hỏi chuyện tôi biết bà đã 77 tuổi, quê ở một tỉnh miền Trung, vì con cái nghèo khó nên phải vào TP.HCM bán vé số tự nuôi sống bản thân và dành dụm gửi về giúp con cháu.

Chở bà an toàn về đến nhà trọ, nhìn bà lưng còng, chân đi liêu xiêu vào nhà, tôi ân hận vì trước đó mình đã không muốn chở giúp bà.

Vét túi biếu bà mấy chục ngàn đồng lẻ và vài trái dưa lê, tôi nghĩ cũng may là mình đã vượt lên nỗi lo của người dân phố thị là “sợ phiền phức”, “sợ bị lừa” để làm được một việc bình thường mà trong tình huống nói trên ai cũng phải làm.

THANH HẢO

NGUYỄN NGỌC THẠCH (Q.7, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên