10/11/2018 15:37 GMT+7

Chuyện lạ của người Tà Ôi - kỳ 4: Tiến sĩ đầu tiên của người Tà Ôi

THÁI LỘC - NHẬT LINH
THÁI LỘC - NHẬT LINH

TTO - Chị Nguyễn Thị Sửu (Kê Sửu) là điểm son lịch sử của người Tà Ôi vì là tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của họ cho đến thời điểm hiện nay.

Chuyện lạ của người Tà Ôi - kỳ 4: Tiến sĩ đầu tiên của người Tà Ôi - Ảnh 1.

Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu (bìa trái) với các phụ nữ Tà Ôi - Ảnh: NVCC

"Cấu tạo từ tiếng Tà Ôi (trong sự so sánh với tiếng Việt)" là đề tài luận án tiến sĩ của chị Nguyễn Thị Sửu (Kê Sửu), người mang hai dòng máu, nửa Kinh nửa Tà Ôi, hiện là bí thư Huyện ủy A Lưới. Chị đã bảo vệ thành công luận án này năm 2009 và nhận bằng năm 2010.

Chúng tôi tự hào về Sửu vì cô ấy là tiến sĩ đầu tiên của người Tà Ôi. Sửu là người có trình độ, năng lực và phương pháp lãnh đạo quyết liệt nên chúng tôi rất kỳ vọng.

Ông PIRIU ĐOAN (Hồ Văn Đoan) - nguyên bí thư Huyện ủy A Lưới

Tiến sĩ đầu tiên

Chị kể về ngọn nguồn học hành rất gian nan của mình cũng từ cái đói, cái nghèo cố hữu của người đồng bào. 

Cha chị ở huyện Phong Điền, hoạt động cách mạng tại địa bàn A Lưới giữa thập niên 1950, đến năm 1971 thì phải lòng bà Kê Doaiq người Tà Ôi ở xã A Ngo và sinh ra chị (1973), đặt tên Tà Ôi là Kê Sửu, tên "giấy tờ" là Nguyễn Thị Sửu.

Trải qua tuổi thơ túng thiếu trong cộng đồng Tà Ôi, đến năm 9 tuổi chị mới đi học lớp 1. Học hết phổ thông, chị vào ngành ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Huế. Năm cuối ở giảng đường, chị được kết nạp vào Đảng và ra trường với luận văn đề tài về ngôn ngữ Tà Ôi.

Trở lại huyện, chị được bố trí dạy ngữ văn Trường dân tộc nội trú A Lưới. Trong sự động viên của nhiều người, chị tiếp tục theo chuyên ngành ngôn ngữ của Trường ĐH Khoa học Huế để lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ.

Chị Sửu là điểm son lịch sử của người Tà Ôi vì là tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của họ cho đến thời điểm hiện nay.

Luận án ngôn ngữ của chị trở thành cơ sở cho tài liệu dạy tiếng Pa Cô (có người cho rằng Pa Cô và Pa Hi là những "nhánh" của dân tộc Tà Ôi) cho người miền xuôi; góp phần chuẩn mực hóa công tác biên tập, dịch và đọc cho chương trình phát thanh tiếng đồng bào, giúp người Tà Ôi mạnh dạn hơn trong việc dùng "tiếng của mình" làm việc, giao dịch...

Chuyện lạ của người Tà Ôi - kỳ 4: Tiến sĩ đầu tiên của người Tà Ôi - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Sửu nhận bằng tiến sĩ - Ảnh: NVCC

Học để thay đổi

Khi làm giáo viên ở A Lưới và theo học cao học, chị đi sâu sưu tầm và nghiên cứu văn hóa tộc người Tà Ôi. Công trình nghiên cứu đầu tay của chị Sửu tìm hiểu về "Đặc trưng văn hóa trên các họa tiết thổ cẩm zèng của người Tà Ôi".

Từ đề tài này, vào năm 2003 chị phối hợp với thầy dạy của mình in cuốn sách đầu tay về văn hóa Tà Ôi. Cũng kể từ đó, gần như năm nào Nguyễn Thị Sửu cũng ra sách về người Tà Ôi. Chị được mệnh danh là "nhà Tà Ôi học", là một trong những người có nhiều công trình về văn hóa Tà Ôi bậc nhất hiện nay.

Là người "con lai", sinh ra và lớn lên trong vùng Tà Ôi, chị thuần thục tiếng bản địa, nhưng việc thực địa văn hóa của chị gặp không ít chông gai. Kể cả việc học lên cao của chị cũng gặp không ít lời đàm tiếu, ngay trong chính người Tà Ôi.

Chị chia sẻ lý do học lên cao của mình như sau: "Khi đào sâu trong vốn văn hóa Tà Ôi, những câu hỏi cứ lơ lửng trong đầu chị. 

Trước tiên là người Tà Ôi đang đứng ở đâu trong cộng đồng các dân tộc anh em? Vì sao những giá trị văn hóa của họ đậm sâu và tồn tại lâu bền như vậy? Và vì sao họ lại đói và nghèo một cách cố hữu đến như thế? Có cách gì để thay đổi hay không?".

Chị Sửu cho rằng muốn người ta thay đổi thì mình phải thay đổi trước và chỉ có mỗi con đường học vấn. Muốn cộng đồng mình tươi sáng hơn thì phải lao vào tìm xem thực tế và nguyên nhân cực khổ như thế nào để cùng họ tìm cách thay đổi!

Trở lại núi rừng

Chúng tôi gặp chị trong căn nhà riêng tại phường Thủy Xuân, TP Huế trong một đêm mưa. Chị nói: "Phải tranh thủ gặp nhà báo trong bữa ăn vì không có tí thời gian nào, mai phải đi Hà Nội học ba tuần liền và cả núi công việc khác nữa".

Chị chia sẻ rất nhiều về chuyện núi rừng, về đời sống đồng bào thiểu số của huyện A Lưới, nơi chị là người lãnh đạo cao nhất.

"Tôi nhớ những lần thực địa sưu tầm văn hóa Tà Ôi, vào những làng nằm sâu trong núi. Phần lớn các gia đình ở trong căn nhà tuềnh toàng, xơ xác, thậm chí nhếch nhác nữa, nhưng đời sống tinh thần của họ sao phong phú đến thế. 

Mình cứ ám ảnh cảnh một số hộ chỉ ăn có một bữa trong ngày, bữa còn lại không có chi để ăn. Cái đói, cái nghèo sao cứ bám lấy họ hoài như vậy!" - chị nói.

Đó cũng là lý do, động lực để chị nhận lên A Lưới làm bí thư huyện ủy. Nhưng mọi chuyện không đơn giản tí nào, ngay bản thân chị cũng thấy phân vân, từ năng lực quản lý, trình độ của mình, trong hoàn cảnh huyện nhà có quá nhiều vấn đề "nóng" đang diễn ra và rất khó xử lý dứt điểm.

Chị nhớ như in trạng thái ngổn ngang ấy, nhất là nhiều luồng ý kiến hoài nghi, kể cả lời ra tiếng vào trong chính cộng đồng Tà Ôi rằng "con lai thì chẳng làm được cái gì đâu". Người ta còn cho rằng sở dĩ người Pa Cô không được công nhận dân tộc chính vì luận án tiến sĩ của chị.

Tiếp đến, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, rất nhiều lời bóng gió nhắm thẳng chị mà dọa: "Muốn cho cây đổ thì phải tập trung nhau mà đốn đi thôi!"...

Tuy vậy, chị vẫn được sự ủng hộ của nhiều già làng trưởng bản và các vị lãnh đạo có uy tín. Ở đâu đó trong các buôn làng, các già làng cho rằng cần phải tự hào vì đã có "người của mình học đến tiến sĩ" và người tiến sĩ ấy đã quay trở lại để giúp bà con ổn định cuộc sống.

"Tin ở việc làm và ý chí của mình"

ky 4 - tien si 1

Nguyễn Thị Sửu với sử thi A Chất của người Tà Ôi do chị sưu tầm, biên soạn - Ảnh: THÁI LỘC

Hiện nay, huyện A Lưới đang trên đà thay đổi từ chính trị - xã hội cho đến đời sống của người dân dù chậm. Chị nói việc cần làm trước mắt là phải giữ vững an ninh trật tự, đặc biệt là an ninh dân tộc, bởi huyện biên giới vùng cao này không ít chuyện được ví như phần chìm tảng băng.

Ưu tiên lớn nhất của chị vẫn là làm sao đưa đời sống bà con vùng cao thoát đói nghèo một cách bền vững, chậm mà chắc, làm thực chất, tiến triển về mặt định lượng chứ không phải hô hào khoa trương thành tích.

Chị dừng câu chuyện trong một thái độ dứt khoát, mạnh mẽ và quyết liệt: "Dù sao thì thời gian tôi lãnh đạo mới hơn một năm, quá ngắn để nói được điều gì. Nhưng tôi vẫn vững tin ở việc làm và ý chí của mình!".


***********

Kỳ tới: Zèng

THÁI LỘC - NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên