Ông Kareng Pềnh và hai bà vợ - Ảnh: TH. LỘC
Trường hợp lấy nhiều chị em ruột làm vợ như ông Pềnh khá phổ biến trong cộng đồng người Tà Ôi ở huyện A Lưới.
Trường hợp lấy mấy chị em ruột làm vợ như mình nhiều lắm, nhất là thế hệ bố mẹ ông bà mình.
Ông KARENG PỀNH
3 chị em ruột
Quây quần cùng con cháu và hai bà vợ trong căn nhà nhỏ, ông Pềnh kể đời ông có ba vợ là ba chị em ruột.
Người vợ đầu là bà Ker Thị Ngôi (đã mất) sinh cho ông 7 đứa con. Vợ thứ hai là bà Ker A Don, có với ông 6 đứa con và người em út là bà Ker A Teat sinh cho ông 4 đứa con.
Ông Pềnh kể hồi ông 20 tuổi, ở A Reng gần nơi ông sinh sống, gia đình bố vợ ông có ba người con gái, chị cả là Ngôi đã đến tuổi cập kê. "Mình hỏi lấy Ngôi làm vợ thì người bố mừng lắm".
Ông Pềnh về báo gia đình chuẩn bị các lễ vật mà nhà gái yêu cầu theo tập tục của người Tà Ôi gồm thanh la, heo, gà, hạt não...
Cưới bà Ngôi được vài năm, cô em kế là Ker A Don cũng đến tuổi lấy chồng. Bố vợ ngỏ ý cho Pềnh luôn và ông gật đầu.
"Cô em út A Teat cũng vậy. Bố vợ cho thì cũng cho luôn nên mình đưa về làm vợ thôi. Rứa là mình có ba vợ", ông Pềnh kể.
Theo lời ông Pềnh, ba chị em cùng ở, cùng sống chung hiển nhiên có những hục hặc, tị nạnh hay cãi vã nhất định. Nhưng vì đều là chị em ruột nên cả ba đều yêu thương, đùm bọc nhau; con cái các bà nhờ thế cũng đoàn kết, gắn bó, thương yêu và bảo vệ lẫn nhau.
Ông Pềnh cho biết bố mình là ông Kareng Chát cũng cưới hai chị em ruột làm vợ là mẹ ông - bà Ploong A Tet và dì ông là Ploong Kai. Chưa hết, bố vợ của Pềnh cũng lấy ba chị em ruột làm vợ.
"Mà trường hợp lấy chị em ruột làm vợ như mình nhiều lắm, nhất là thế hệ bố mẹ ông bà trước đây", ông nói.
Ông Pềnh giải thích những mối tình duyên lạ lùng này là do ngày xưa, các dòng họ của Tà Ôi thường sống cùng với nhau tạo thành một veel (buôn làng). Do địa hình rừng núi hiểm trở nên các veel thường sống tách biệt, ít người lạ lui tới.
"Người trong một dòng họ thì không thể lấy nhau được đâu. Làm thế Yang sẽ trách phạt cho dịch bệnh, mất mùa. Vì vậy phải lấy người khác họ, thường là khác làng. Nhưng các làng thường lại cách rất xa, nên đã lấy được cô chị thì trong nhà vợ thường cho lấy thêm cô em, nếu có nhiều cô thì cho thằng rể lấy hết luôn" - ông Pềnh giải thích.
Vợ con của ông Pềnh đón nhận quần áo cũ của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: THÁI LỘC
Đi sim, thoải mái... phần trên
Trước khi cưới ba chị em, việc ông Pềnh làm trước tiên là "đi sim" với cô chị đầu - bà Ker Thị Ngôi.
Khi được hỏi đi sim là như thế nào và làm gì, ông Pềnh bảo: "Đi sim là hẹn hò nhau, tìm hiểu nhau, qua đêm với nhau, có thể làm đủ thứ với nhau ở... phần trên cơ thể chứ không được làm... ở phần dưới!".
Trước khi quyết định thưa với cha mình đi cưới Thị Ngôi làm vợ, ông Pềnh từng đi sim với khá nhiều cô gái trong làng và nhiều làng khác.
Đi đến làng nào, biết gia đình có con gái chưa chồng và thấy thinh thích là ông tán tỉnh, đi sim. Cô gái đồng ý thì hẹn ra bìa rừng, ven sông hoặc trong túp lều cất giữ đồ vật làm rẫy của một gia đình nào đó, họ chuyện trò, tìm hiểu, thậm chí ôm nhau ngủ qua đêm.
Việc cô gái đi qua đêm gia đình chẳng hề có ý kiến vì đó là quyền riêng, là tập tục, miễn là đừng có làm cái... phần dưới là được.
A Viet Trao, một thanh niên người Tà Ôi ở xã Nhâm, 29 tuổi, đã cưới vợ và có một con gái. Vợ Trao, chị Karieng Thị Mẫn, cũng là người Tà Ôi. Họ sống với nhau trong một căn nhà nhỏ nằm khuất sâu trong thôn A Bả.
Trao kể ngày trước anh chú ý đến Mẫn trong mấy lần đi hội và làm nương rẫy. Trao hẹn Mẫn đi sim. Khi Mẫn đến tuổi lấy chồng thì anh nói với bố mẹ sang dạm hỏi nhà Mẫn để cưới cô làm vợ.
Chúng tôi tò mò hỏi về chuyện đi sim thì Mẫn nhoẻn miệng cười và nói một cách bông đùa: "Đi sim chỉ là đi hẹn hò thôi. Không như các anh nghĩ đâu!".
Mẫn giải thích: "Nếu quan hệ tình dục thì sẽ bị veel phạt bò, dê, heo... để cúng Yang!".
Tôi thắc mắc: "Nếu quan hệ mà cả hai không khai ra thì ai mà biết để bắt phạt?". Mẫn trả lời: "Đã quan hệ thì phải khai chứ. Nếu không khai thì Yang bắt phạt bệnh tật cả làng thì sao, cho nên có lỡ quan hệ, làng hỏi thì phải khai ra, làng cúng để Yang khỏi trách phạt".
Ngôi nhà sàn truyền thống của người Tà Ôi - Ảnh: THÁI LỘC
Tà Ôi là dân tộc ít người sinh sống chủ yếu ở vùng rừng núi và các thung lũng ven sông A Sháp, một chi lưu sông Mekong, xuất phát từ huyện A Lưới, chảy về phía tây sang nước bạn Lào. Trước đây, số đông người Tà Ôi sống sâu trong đất Lào.
Theo ông Kareng Pềnh, toàn bộ người dân bản A Bả ở xã Nhâm hiện nay từng nhiều đời sinh sống giữa những cánh rừng sâu bên dòng sông Một (hạ lưu sông A Sháp) thuộc huyện Kà Lùm của Lào, cách vị trí thôn A Bả của xã Nhâm (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) hiện nay hai ngày đi bộ.
Hồi đó, đây là vùng rừng thiêng nước độc, cách rất xa phố thị, không chợ, bệnh viện và trường học.
Vào năm 1973, để thoát khỏi cảnh đói kém dịch bệnh, một số bản Tà Ôi cùng nhau vượt biên giới, băng rừng, ngược dòng sông tìm đến thung lũng bằng phẳng ven dòng A Sháp (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) lập veel, phá rừng lấy đất làm nương rẫy.
Cho đến hiện nay, nhiều dòng họ người Tà Ôi từ các bản làng phía bên kia dãy Trường Sơn thuộc Lào vẫn băng rừng, vượt suối sang A Lưới của Việt Nam để trao đổi hàng hóa hay thăm viếng thân tộc, họ hàng...
Kỳ tới: Xin là phải cho
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận