Khu vực trung tâm của quy hoạch hai bờ sông Hương - Ảnh: LÊ HUY HOÀNG HẢI
Hội thảo cũng ghi nhận những ý kiến đề xuất cuối cùng từ các cơ quan chức năng của Huế nhằm hoàn chỉnh đồ án quy hoạch.
Trục cảnh quan chính của đô thị Huế
Thay mặt các đơn vị tư vấn của Hàn Quốc báo cáo kết quả, GS Moon Chang-Yeob - quản lý dự án - cho biết đồ án đã có điều chỉnh sau nhiều cuộc hội thảo để tiếp nhận ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan chính quyền địa phương và tham vấn cộng đồng ở Huế.
Về cơ bản, đồ án thực hiện đúng theo phương hướng bảo tồn những giá trị về thiên nhiên và lịch sử của sông Hương - trục cảnh quan chính của đô thị Huế. Đồng thời tạo năng lực để TP Huế nâng tầm, phát triển thành đô thị tầm cỡ thế giới và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đó, hai bờ sông Hương với chiều rộng 100m mỗi bờ, dài 15km, từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh sẽ được quy hoạch thành ba khu vực: khu thượng lưu (từ đồi Vọng Cảnh về đến cồn Dã Viên), khu trung tâm (từ cồn Dã Viên về đến cồn Hến) là khu vực trung tâm TP Huế và hạ lưu (từ cồn Hến về Bao Vinh).
Trong đó quan trọng nhất là khu vực hai bờ sông ở trung tâm TP Huế và trọng điểm của khu vực này là dải bờ nam sông Hương từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền, kết nối không gian đường Lê Lợi - nơi đã xác định là trung tâm văn hóa - du lịch của Huế.
Theo đồ án quy hoạch, đây sẽ là không gian dành cho nhu cầu nghỉ ngơi của người dân và vui chơi của du khách.
Con đường đi bộ ven sông với một đoạn là chiếc cầu đi bộ trên mặt sông nhằm mở rộng tầm nhìn và cho người dân tiếp cận sông Hương được nhiều hơn. Đó cũng là dự án thí điểm nhằm cụ thể hóa bản đồ án này, hiện đã thi công xong, chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Cầu đi bộ - dự án thí điểm của quy hoạch chi tiết, vừa xây dựng hoàn tất - Ảnh: NHẬT LINH
Cần chi tiết và hoàn thiện hơn nữa
Ông Lê Toàn Thắng, phó giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế, cho rằng đồ án đã đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương mà phía chính quyền trình và TP giao đơn vị tư vấn.
Nhiều ý kiến tại hội thảo quan tâm đến việc quy hoạch hai hòn đảo trên sông Hương là cồn Dã Viên và cồn Hến, hai yếu tố "tả thanh long, hữu bạch hổ" của kinh thành Huế xưa và là hai "hòn ngọc" đang hấp dẫn các nhà đầu tư du lịch.
Tuy nhiên, ông Phan Trọng Vinh - chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Thừa Thiên Huế - cho rằng việc quy hoạch hai hòn đảo này thành cảnh quan đẹp nhằm mục đích phục vụ cộng đồng sẽ khó cho việc kêu gọi đầu tư.
"Đồ án quy hoạch giải tỏa hết người dân trên cồn Hến, mà chỉ nhằm tạo không gian cho công cộng thì lấy đâu ra kinh phí để di dời dân?" - ông Vinh đặt câu hỏi.
Quy hoạch cồn Dã Viên
Quy hoạch cồn Hến
Theo ông Nguyễn Văn Phương - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các ý kiến đề nghị thu hút đầu tư với cồn Dã Viên và cồn Hến cần tham khảo, nhưng phải tôn trọng công năng mà quy hoạch đã đưa ra.
Ông Phương đề nghị các đơn vị của Hàn Quốc lập quy hoạch cần tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện đồ án, trước khi trình phê duyệt.
Ông Nguyễn Văn Thành - chủ tịch UBND TP Huế - cho biết sau khi quy hoạch được phê duyệt sẽ tập trung nguồn lực và kêu gọi các nhà đầu tư, làm cho hai bờ sông Hương vừa là trục cảnh quan chính và đậm bản sắc của đô thị Huế vừa sinh động và thú vị hơn, làm động lực để phát triển kinh tế.
Dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ với tổng kinh phí hỗ trợ không hoàn lại 6 triệu USD.
Chính phủ Hàn Quốc đã chọn Viện nghiên cứu Han-A và Công ty Kỹ thuật Dohwa của Hàn Quốc làm nhà tư vấn thiết kế quy hoạch, Công ty Nhà đất Hàn Quốc (LH) làm giám sát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận