Chuyên gia Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) - Ảnh: REUTERS
"Các phác đồ vắc xin tăng cường của chúng tôi có tác dụng chống lại Omicron", ông Fauci nói trong một cuộc họp tại Nhà Trắng vào ngày 15-12. "Tại thời điểm này, không cần thiết phải tiêm liều vắc xin tăng cường chống lại từng biến thể".
Ông Fauci trích dẫn dữ liệu từ Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) cho biết hiệu quả của hai liều vắc xin COVID-19 của Moderna "thấp đáng kể" trước biến thể Omicron. Khả năng bảo vệ của vắc xin tăng cao hơn khoảng 2 tuần sau khi tiêm liều thứ 3.
Tuần trước, Pfizer-BioNTech cho biết liều vắc xin thứ 3 của họ có khả năng chống biến thể Omicron. Nếu chỉ tiêm 2 liều thì lượng kháng thể thấp hơn đáng kể trước biến thể mới.
Johnson & Johnson vẫn chưa công bố dữ liệu về hiệu quả của vắc xin của họ trước biến thể mới.
Theo Hãng tin Reuters, cả 3 loại vắc xin COVID-19 được Mỹ cấp phép nói trên là Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson dường như đều giảm hiệu quả đáng kể trước biến thể mới trong các thử nghiệm và khả năng bảo vệ của vắc xin có thể được khôi phục bằng việc tiêm liều thứ 3.
Cùng ngày, bà Rochelle Walensky, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết đã ghi nhận biến thể Omicron ở 36 bang, chiếm 3% ca COVID-19 trên cả nước. Biến thể thống trị ở Mỹ vẫn là Delta.
"Tỉ lệ ca nhiễm Omicron ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới - bà Walensky cho biết - Dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron có khả năng lây truyền nhanh hơn Delta, với thời gian tăng gấp đôi vào khoảng 2 ngày".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận