17/09/2017 18:35 GMT+7

Chuyện cuối tuần: Trả tác quyền nhạc trên tivi là đương nhiên

TRẦN ĐẠI
TRẦN ĐẠI

TTO - Trong tác phẩm Sự sống sau cái chết, tác giả Deepack Chopra đã nêu một thử nghiệm kỳ lạ để chứng minh tình trạng con mèo vừa chết vừa sống.

Chuyện cuối tuần:  Trả tác quyền nhạc trên tivi là đương nhiên - Ảnh 1.

Trong thử nghiệm ấy, con mèo nằm trong một chiếc hộp và chỉ cần nó cử động, chất độc trong hộp sẽ lập tức giết chết nó. 

Câu hỏi là: Tại thời điểm bất kỳ trong thử nghiệm, con mèo còn sống hay đã chết? 

Chiếc tivi trong khách sạn cũng vậy - không một ai chứng minh được vào một thời điểm bất kỳ trong 24 giờ, khi khách đang lưu trú trong phòng và những người khác không thể đột nhập kiểm tra, tivi có mở nhạc hay không?

Thế nên việc Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng tái khẳng định chuyện sẽ không trả tiền tác quyền đối với tivi cho đến khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam làm rõ cơ sở pháp lý thu tiền cũng không phải là không có cái lý nhất định. 

Ở chiều ngược lại, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng có lý khi khẳng định những chiếc tivi trong khách sạn có mở nhạc - các tác phẩm mà đơn vị này giữ bản quyền theo hợp đồng ủy thác của các tác giả trong nước lẫn nước ngoài qua các hiệp ước đã ký với đối tác.

Nếu sự việc xảy ra ở khu vực châu Âu hoặc các nước tiên tiến như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc... mọi thứ sẽ được giải quyết nhanh gọn: các chủ khách sạn phải trả tiền tác quyền âm nhạc phát trên tivi hoặc radio trong phòng khách sạn. 

Phán quyết ngày 15-3-2012 tại Tòa án Công lý châu Âu (CJEU) theo yêu cầu của Tòa thượng thẩm Ireland khẳng định đó là quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng. 

Ngoài ra, việc có tivi và tivi phát nhạc còn là tiêu chuẩn phân loại các khách sạn và luôn được tính trong giá tiền thuê phòng (chắc chắn một phòng khách sạn không có tivi, tủ lạnh hoặc điều hòa nhiệt độ sẽ không thể có giá tương đương phòng được trang bị các thiết bị trên) nên việc trả tiền cho tác giả là đương nhiên.

Câu hỏi cần bàn là trả bao nhiêu tiền thì vừa? Trong lĩnh vực nghệ thuật, chẳng có con số nào là vừa cả, mà chỉ là con số thuận mua vừa bán, con số hợp lý cho cả bên bán lẫn bên mua. 

Mức giá 25.000 đồng/năm trên mỗi chiếc tivi (chỉ hơn 2.000 đồng/tháng) là giá mong muốn của chủ sở hữu tác phẩm. 

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hoàn toàn có quyền đưa ra một mức giá cao hơn hoặc thấp hơn gấp nhiều lần theo ý chí của họ - như Apple hoàn toàn có quyền tự định giá chiếc iPhone X của mình ở mức 1.000 USD hay 5.000 USD. 

Với tư cách người mua, ta có thể không mua nếu cho rằng đó là mức giá quá cao hoặc ta có thể đàm phán để có một giá hợp lý hơn cho mình. 

Nếu đàm phán thất bại, người mua chỉ còn lại quyền từ chối mua sản phẩm chứ không phải quyền tiếp tục sử dụng sản phẩm và từ chối trả tiền.

Đã hơn một thập niên kể từ khi Luật sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam. 

Chúng ta cũng đã ký kết hàng loạt công ước quốc tế về bảo vệ quyền tác giả. 

Thế nhưng đến tận hôm nay, ta vẫn nằm trong top các quốc gia có tỉ lệ vi phạm bản quyền cao nhất thế giới và có lẽ sẽ còn ở lại rất lâu trong cái top đáng xấu hổ ấy nếu không thay đổi tư duy và cư xử văn minh, sòng phẳng hơn.

Tại Việt Nam, theo tiêu chuẩn xếp hạng sao khách sạn của Tổng cục Du lịch thì khách sạn ở mức 1 sao đã phải trang bị tivi cho tối thiểu 80% số buồng, bên cạnh nhiều tiện nghi khác.

Dù tránh né cách nào hay lý luận ra sao, không thể phủ nhận chuyện âm nhạc trên tivi trong khách sạn là một phần dịch vụ tiện ích và các chủ khách sạn đang hưởng lợi trên đó.

TRẦN ĐẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên