18/04/2015 11:30 GMT+7

​Chuyện của người cha

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Cho đến khi con mình được đưa vào trường giáo dưỡng, ông Cao Văn H., bố em Cao Văn T., vẫn không biết vì sao lại có chuyện như vậy.

Học sinh trường giáo dưỡng trong giờ lao động - Ảnh: Hoàng Điệp

“Cho đến tận bây giờ tôi mới biết cháu bị bạn bè bắt nạt như thế, suốt hơn một năm học ở trường phổ thông cháu không kể gì về việc này cho gia đình cả” - ông H tâm sự...

Tôi chỉ biết trách mình

Vợ chồng tôi từ Thanh Hóa vào Đồng Nai từ năm 1996, đến năm 1997 sinh T.. Vì cả hai cùng từ nơi khác đến nên lúc ấy cuộc sống khó khăn lắm, chúng tôi lại không phải là người giỏi chuyên môn trình độ gì.

Tôi lái xe cho công ty nên làm theo ca, có khi đi từ 7g sáng đến 5g chiều thì về, cũng có khi đi làm ca chiều thì đêm khuya mới về đến nhà.

Chúng tôi sinh con và cho con đi học hoàn toàn tin tưởng vào nhà trường và thầy cô. Lứa chúng tôi đi học, dù khi ấy rất khó khăn nhưng trong trường trong lớp xảy ra chuyện gì các thầy cô giáo đều can thiệp, bất kể học sinh nào dù ngỗ ngược đến mấy cũng biết sợ thầy cô giáo và nếu thầy cô đã răn dạy thì rất biết nghe lời.

Vậy nên tôi tin con tôi cũng được đối xử như vậy. Hơn nữa, cháu về nhà không kể chuyện gì, cháu học không giỏi nhưng không yếu, vậy nên tôi chỉ kiểm tra chuyện bài vở của cháu qua loa chứ không dành nhiều thời gian tâm sự tỉ tê với cháu.

Hai năm trời cháu về học ở quê, vợ chồng tôi luôn mong ngày đưa con trở lại Đồng Nai để con được gần cha mẹ, nhưng tôi đâu biết rằng việc đi học lại trở thành nỗi sợ hãi và ám ảnh cháu đến thế.

Tôi còn nhớ hôm ấy mưa, khi nghe tin vụ việc tày đình do con gây ra, tôi vội vàng chạy đến bệnh viện để thăm hỏi và chăm sóc cháu kia. Nhưng khi tôi tới, cháu đã qua đời rồi. Sau này bố cháu (cũng là người Bắc) kể lại đại ý số cháu xui quá.

Khi xảy ra vụ việc, cháu được các bạn chở đi bệnh viện, nhưng vì đường xấu nên cháu bị ngã mấy lần trên đường. Đến khi có người báo cho bố biết, bố mang xe máy đến chở con đi thì đường lại tắc nửa giờ nên cháu không được cứu.

Cháu lại là con trai duy nhất của anh chị ấy nên tôi hiểu rằng nỗi đau mất con của anh chị ấy lớn đến mức nào, mà họ thì không khóc được.

Suốt những năm qua, trong khi con trai tôi vào trường giáo dưỡng, tôi vẫn ghé nhà anh chị ấy thay con trai mình an ủi động viên. Thời gian cuốn mọi sự trôi đi rất nhanh, quay qua quay lại cũng đã bốn năm.

Con trai tôi đã hết thời gian học tập trong trường giáo dưỡng, được về nhà, nhưng con anh chị ấy vĩnh viễn không bao giờ về nữa.

Tôi đã làm cha, đã nuôi con, đã vất vả lao động như thế nào để nuôi gia đình nên tôi hiểu được nỗi đau của anh chị ấy, mà đáng lẽ nếu chúng tôi sát sao với con cái hơn, nắm rõ hơn những việc thì chắc hậu quả không đau lòng đến thế.

Nếu các thầy cô giáo biết chuyện một đứa trẻ thường xuyên bị bắt nạt, bị đánh đập hội đồng, bị cô lập, bị dọa dẫm mà có cách bảo vệ và động viên thì chắc con tôi không thể có những suy nghĩ và hành động nông nổi, dại dột như thế.

Nếu những bạn bè của cháu biết sự việc mà mách thầy cô hoặc mách chúng tôi thì chắc chắn đã có sự can thiệp và tìm hiểu của người lớn, hậu quả xảy ra cũng không nặng nề đến thế.

Con tôi đi học, cháu đóng góp mọi khoản thu của nhà trường không thiếu khoản nào, cháu cũng tuân thủ mọi nội quy của trường của lớp nhưng khi vấn đề xảy ra đối với cháu kéo dài từ ngày này sang tháng nọ thì không ai biết.

Cháu phải trèo tường phía sau trốn về nhà để tránh bị bạn đánh cũng không ai biết... Cháu suy nghĩ tiêu cực và phản kháng tiêu cực cũng không ai biết.

Tôi nói vậy không phải để trách cứ ai mà tôi trách tôi, hậu quả con tôi và gia đình cháu bé bị hại chịu. Hậu quả ấy đã xảy ra là không thể khắc phục được. Tất cả các cháu đều còn quá bé, không đứa nào ý thức được việc làm của mình sẽ có thể để lại hậu quả lớn lao đến nhường nào.

Tôi sinh con ra, tôi không dạy cho con tôi có hành vi bạo lực và giết người, tôi cũng chưa bao giờ la mắng hoặc đánh đập cháu, vậy nên khi cháu phạm lỗi, tôi ân hận vô cùng.

Con đường nào phía trước?

Từ ngày đón con từ trường giáo dưỡng trở về, cháu rất mặc cảm, ngại tiếp xúc với mọi người vì cháu luôn nghĩ mình có lỗi với bạn bè. Tôi đã động viên cháu rất nhiều nhưng cháu không thoát khỏi suy nghĩ ấy mỗi khi ra đường có người nhìn hoặc chỉ trỏ.

Bây giờ, sau mỗi buổi đi làm về, cháu về nhà ngay và chỉ ở trong nhà, không muốn đi chơi tiếp xúc với ai. Bạn bè học cùng đã học lên trường khác, cháu không muốn gặp lại bởi nhìn thấy bạn lại khơi thêm chuyện cũ.

Với hàng xóm láng giềng đã biết cháu từ ngày bé thì vẫn thương cháu mà sang thăm, nhưng cũng có nhiều người không giao tiếp với gia đình tôi thì không muốn con cái họ tiếp xúc với con tôi. Cháu về nhà và cũng không muốn đến trường nữa. Mà thật sự tôi cũng không biết cho cháu học tiếp ở đâu.

Vậy nên, sau vài ngày nghỉ ngơi, cháu nói với tôi xin việc cho cháu đi làm. Thật ra cháu học chưa xong lớp 9, chưa có bằng tốt nghiệp THCS thì biết làm gì ngoài lao động chân tay? Nhưng lao động chân tay đối với cháu cũng khó khăn bởi nếu gặp người quen thông cảm thì không sao, còn nếu người ta biết chuyện, người ta hỏi lại thêm một lần nữa khó khăn khi phải nhắc chuyện cũ. 

Cháu năm nay mới 17 tuổi, cuộc đời còn rất dài ở phía trước, nhưng cũng khó nói những gì đang đón đợi cháu. Nếu không xảy ra vụ việc đáng tiếc đó, giờ này cháu chuẩn bị tốt nghiệp THPT rồi. Điều tôi muốn ở những đứa con mình là học tập để thoát khỏi cảnh lao động chân tay cực nhọc như bố, nhưng cánh cửa ấy đã đóng lại với cháu.

Con tôi, từ một đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường, đã biến bạn nó thành nạn nhân của nó, rồi chính nó cũng trở thành nạn nhân của những vi phạm ấy. Và chắc chắn những khó khăn, những vất vả đối với cháu sẽ không chỉ dừng lại ở đây...

Liệu có trường nào dám nhận cháu vào học không?

Liệu một cơ quan nào dám nhận cháu vào làm không?

Tôi nghĩ khó lắm.

Nói về tình trạng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi học đường, thượng tá Lê Công Hiệp, phó hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 4 (Long Thành, Đồng Nai), cho rằng bạo lực học đường là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ vi phạm pháp luật.

“Riêng ở trường giáo dưỡng, trong thời gian gần đây có đến ba cháu đang học THCS bị bạn bắt nạt và đánh đập khiến các cháu đã tự vệ. Khi chúng tôi tiếp xúc, nghe các cháu kể chuyện mới thấy rõ ràng các cháu là những đứa trẻ rất hiền lành và tuân thủ kỷ luật chứ không phá phách gì. Chuyện xảy ra gây hậu quả nặng nề đến chính bản thân các cháu cũng không lường được”.

Thượng tá Hiệp cũng kể rằng hồ sơ và lý lịch của các em khi vào trường giáo dưỡng thường chỉ ghi vắn tắt về những hành vi vi phạm pháp luật của các em mà không rõ bối cảnh. Vậy nên sau khi vào trường, đi học và tiếp xúc với các em, các thầy cô giáo trong trường giáo dưỡng mới biết nhiều đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường trong thời gian dài mà không ai biết.

_________

Trong trường giáo dưỡng không chỉ có những em là nạn nhân của bạo lực học đường, như trường hợp của T.. Nhiều “thủ phạm” đã được đưa vào đây.

Kỳ tới: “Cháu thích... đánh lộn”

 

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên