13/10/2015 10:14 GMT+7

Chuyện của một cán bộ trại giam

HOÀNG ĐIỆP ghi
HOÀNG ĐIỆP ghi

TT - Là cán bộ làm công tác giáo dục tại trại giam Thủ Đức (Bình Thuận), không ít lần tôi chứng kiến những cuộc gặp gỡ đẫm nước mắt của các phạm nhân và những đứa con của họ.

Thiếu tá Đặng Minh Hà trò chuyện với phạm nhân trong phòng thăm gặp - Ảnh: Hoàng Điệp
Thiếu tá Đặng Minh Hà trò chuyện với phạm nhân trong phòng thăm gặp - Ảnh: Hoàng Điệp

>> Kỳ 1: Chúng con cần mẹ nhường nào…

>> Kỳ 2: Chuyện ghi ở phòng thăm gặp 

>> Kỳ 3: Con tôi nơi đâu?

>> Kỳ 4: Những đứa bé trong trại giam

>> Kỳ 5: Chuyện một nữ “phạm nhân mồ côi”

>> Kỳ 6: 10 tuổi, một mình và hai quyển sách luật

Anh ơi, con gái không còn nữa!

Đó là lời thông báo kèm theo tiếng nức nở của một người vợ đi thăm chồng đang thi hành án tại trại giam Thủ Đức mà tôi được chứng kiến. Đó là cuộc gặp gỡ đau đớn, lấy đi của phạm nhân ấy nhiều tinh thần và nước mắt.

Chuyến thăm người thân của vợ phạm nhân P.Q.A., quê ở Bình Thuận, trễ hơn mọi khi. Bình thường mỗi phạm nhân nếu chấp hành kỷ luật tốt thì mỗi tháng được gặp người thân hai lần.

Thông thường, cứ một tháng hai lần vợ và con của phạm nhân này lại lên thăm anh, lần nào cũng vậy, họ thật vui vẻ. Đứa trẻ vui vẻ trò chuyện bên cha, vợ chồng động viên nhau cùng cố gắng để vượt qua những tháng ngày khó khăn.

Tôi còn nhớ lần gặp nào của anh chị cũng ríu rít tiếng trẻ. Anh cưng con gái ấy lắm, bé xinh xắn, dễ thương và nghe nói học rất giỏi. Khi anh còn ở nhà, bé rất gần cha bởi ngày nhỏ anh luôn hát ru cho con ngủ.

Nhưng bữa đó, phải đến cả tháng mới thấy chị vợ lên thăm chồng, mà lại đi một mình.

Cũng vẫn ở chiếc ghế đó, vẫn chiếc bàn đá đó, cũng chiếc túi xách đựng đồ tiếp tế của chị dành cho anh, nhưng bây giờ nó muốn tuột ra khỏi đôi tay chị. Trong khi phạm nhân đó còn chưa kịp hỏi vợ xem con gái nhỏ đâu, anh dường như chết sững trước gương mặt hốc hác và tiều tụy của vợ.

Rồi sau đó là những tiếng nấc nghẹn của người mẹ đã vuột khỏi tay mình đứa con gái bé bỏng khi con bị tai nạn giao thông.

Không thể báo cho chồng tin đứa con gái mới qua đời gần vào ngày thăm nuôi bố, chị và những người thân gắng gượng lo hậu sự cho con gái. Khi đứa trẻ được mồ yên mả đẹp, chị mới khăn gói lên thăm chồng.

Buổi gặp gỡ ấy đã được kéo dài hơn quy định của trại, bởi người cha vừa khóc vừa nói tại lỗi lầm của mình nên anh ấy phải ở tù, nếu không đứa trẻ sẽ được chăm sóc nhiều hơn, chắc chắn nó muốn đi đâu cha sẽ đưa đi, cha sẽ bảo vệ và che chở chứ nó không thể bị tai nạn như vậy.

Trong phòng thăm gặp, trại giam Thủ Đức (Bình Thuận) - Ảnh: Hoàng Điệp
Trong phòng thăm gặp, trại giam Thủ Đức (Bình Thuận) - Ảnh: Hoàng Điệp

Không nhận mẹ

Không chỉ là câu chuyện của người cha đau đớn trong tù khi bị mất đứa con gái. Nhiều nữ phạm nhân không được con cái nhận còn buồn vô hạn.

Đó là phạm nhân N.N.M.H., phải vào tù về tội đánh bạc. H. bị bắt khi con gái mới 18 tháng tuổi, đến khi H. đi thi hành án thì con đã 38 tháng tuổi.

Lần đầu tiên chồng H. vào thăm sau khi H. về trại Thủ Đức thụ án, anh ấy dẫn theo con gái hơn 3 tuổi. Bao hồi hộp, trông ngóng của người mẹ đối với con gái bé bỏng, nhưng khi chị H. nhào ra ôm con thì đứa bé khóc thét và giãy giụa trườn khỏi tay mẹ.

Rõ ràng nó thoảng thốt và hoảng sợ khi nhìn thấy mẹ trong bộ quần áo phạm nhân. Đứa trẻ chỉ nín khóc khi ngồi yên trong lòng cha, suốt buổi gặp ấy nó không một lần nào cho mẹ chạm tay vào người mình dù mẹ năn nỉ đến phát khóc.

Và phải rất, rất nhiều thời gian sau đó, trong những lần đến thăm sau, nó mới vui vẻ lại.

Thật ra so với nhiều phạm nhân nữ khác đang thụ án tại trại giam Thủ Đức thì phạm nhân H. còn may mắn và hạnh phúc, bởi có đến 70% số phụ nữ cải tạo ở đây đều bị chồng bỏ rơi, không ngó ngàng gì đến.

Nghĩa là người phụ nữ đã vướng vào vòng lao lý rồi thì không chỉ mất tự do, mất đi tình cảm đối với con cái, mà còn mất luôn cả hạnh phúc mà bấy nay vun trồng.

Trong một gia đình, khi vắng người đàn ông thì người phụ nữ vất vả hơn, nhưng dù cay đắng thế nào họ vẫn ráng lo cho con cái và thăm nuôi chồng đều đặn.

Cán bộ giáo dục ở trại giam Thủ Đức đã chứng kiến nhiều phạm nhân nam có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng khi họ ở tù người vợ vừa nuôi con, vừa kiếm tiền để mua quà gửi cho chồng đều đặn và chờ ngày chồng ra tù.

Và nhờ đó, những đứa con không bao giờ quên được cha mình, dù đó là người cha từng sai lầm, tội lỗi.

Nhưng những đứa trẻ có mẹ ở tù thường thiệt thòi hơn rất nhiều so với những đứa trẻ có cha đang thụ án. Trường hợp của phạm nhân M.H. cũng không phải phổ biến ở trong trại giam.

Nhưng điều mà chúng tôi thường chứng kiến ở phòng thăm gặp đối với những phạm nhân nữ đó là cha mẹ ruột và anh em ruột của họ đến thăm, chứ ít khi thấy gia đình chồng hay chồng lên thăm gặp. Và nếu những đứa trẻ có mẹ ở tù thì thường được đưa về cho ông bà ngoại trông nom.

Khi phải trả giá về những việc làm sai trái của mình, nhiều phạm nhân cay đắng nhận ra những việc họ làm sai, dẫn đến việc họ vào tù đều là mong muốn có được một cuộc sống sung túc hơn.

Có thể họ đã lừa đảo, làm ăn gian dối, trộm cắp... với mong muốn sai lầm là để cho cuộc sống tốt đẹp hơn, mong cho con cái đầy đủ hơn.

Tuy nhiên, khi phải trả giá bằng một bản án trong tù thì họ đã nhận ra rằng mình đã mất tất cả. Mà mất mát lớn nhất, đau đớn nhất đối với những phụ nữ đó là sự thiếu vắng mẹ của các con.

Ông bà ta có câu “phúc đức tại mẫu”. Khi người mẹ không có nhà, đứa trẻ không được chăm sóc chu đáo, phần thì mặc cảm, phần thì tủi thân và rất ít đứa được học hành tử tế, trưởng thành như những đứa trẻ bình thường.

Những phạm nhân vào trại mà tôi biết, họ đều ăn năn hối cải và ráng cải tạo tốt để mong có ngày sớm được ra tù đoàn tụ với gia đình con cái mình.

Hộp thịt kho của mẹ

Không chỉ là sự mất mát, tổn thương về tình cảm của những đứa trẻ khi cha mẹ đi tù, mà tại trại giam, các cán bộ giáo dục còn chứng kiến những cuộc thăm gặp nhiều tình cảnh xúc động khác nữa.

Đó là hình ảnh một người mẹ già đã hơn 70 tuổi lầm lũi đi thăm con trai đang ở trại giam.

Nhà bà ở tận miền Trung, để đến được trại giam Thủ Đức bà đã phải đi nhiều phương tiện mới đến được. Vì nhà xa, bà không thể mang thức ăn sẵn từ nhà nên khi đến gần trại bà mới mua thịt, rồi nhờ nhà dân kho cho con một nồi thịt kho mặn.

“Nhưng khi vào đến khu thăm gặp, bà mới biết con trai mình bị vi phạm kỷ luật nên không được phép ra gặp mẹ, cũng không được nhận quà.

Khi ấy, chúng tôi dù rất đau lòng khi nghe bà kể về quãng đường xa xôi cũng như tình cảm của bà dành cho con nhưng không thể thay đổi được nội quy của trại giam” - một cán bộ trại giam Thủ Đức kể.

Người mẹ già ấy tần ngần ngồi trên ghế đá để nghỉ mệt, bởi quãng đường quá dài đối với tuổi tác của mình. Rồi bà gửi lại một ít cá khô, đậu phộng cho con. Còn hộp thịt, bà nói: “Nhờ cán bộ gửi cho phạm nhân nào không được gia đình đến thăm nuôi để họ khỏi tủi”.

____________________________

Kỳ tớiNhững cuộc chia tay xé lòng

HOÀNG ĐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên