Bé Hiếu gặp cha tại phiên tòa. Bạn hãy nhìn đôi mắt đứa bé này - Ảnh: Tuyết Mai |
Nghe đọc nội dung bài báo |
>> Kỳ 1: Chúng con cần mẹ nhường nào…
>> Kỳ 2: Chuyện ghi ở phòng thăm gặp
>> Kỳ 3: Con tôi nơi đâu?
>> Kỳ 4: Những đứa bé trong trại giam
>> Kỳ 5: Chuyện một nữ “phạm nhân mồ côi”
Và bạn có tin không, đôi khi đứa bé còn phải làm một việc khác lớn lao hơn cái tuổi lên 10: tìm người bào chữa cho cha mẹ!
Ngô Thị Cẩm Hiếu (ngụ huyện Định Quán, Đồng Nai) là một đứa trẻ như vậy.
Một mình trên chuyến xe đêm
3g sáng. Sài Gòn phố phường còn vắng lặng. Đứa trẻ co ro trong chiếc áo khoác mỏng, đôi mắt đỏ hoe, cay xè vì ngái ngủ và mệt mỏi. Nó vừa mới trải qua một cuộc hành trình đơn độc trên chuyến xe đò từ Định Quán lên TP.HCM.
Có lẽ chính vì nỗi nhớ cha mẹ đến cồn cào mà dẫu chỉ có một mình, phải nghỉ mất hai buổi học ở lớp hay phải lọ mọ đường sá xa xôi đi ngay trong đêm, nó vẫn không bỏ cuộc.
Sớm mai đây, khi đi thêm gần 150 cây số nữa (đến Bù Đăng, Bình Phước), nó hi vọng sẽ được gặp lại ba mẹ trong phiên tòa xét xử sơ thẩm sau bao nhiêu tháng ngày xa cách.
Cẩm Hiếu được triệu tập đến tòa với tư cách nhân chứng trong vụ án cố ý gây thương tích liên quan đến cha mẹ mình. Bởi bữa xảy ra việc đánh lộn giữa cha mẹ nó và người hàng xóm, nó nói chính nó là người bị đánh.
Gần đây, do nhà neo người lại có con nhỏ nên ông H. (cha Hiếu) được các cơ quan tố tụng cho tại ngoại.
Nhưng do “nay việc này mai việc khác, chạy qua chạy lại lo kiện tụng” không có thời gian chăm sóc con, nên ông gửi Hiếu đến nhà cô ruột ở huyện Định Quán để tiện việc học hành. Cha con lại mỗi người mỗi ngả.
Kể từ khi đến ở với cô Sáu tới nay, Hiếu chưa được lên thăm mẹ. Trước đây, lúc còn ở nhờ nhà hàng xóm tại Bình Phước, mỗi tháng Hiếu lại nhờ người quen đưa vào thăm ba mẹ một lần.
“Những lúc gặp mẹ, hai mẹ con không nói với nhau được gì nhiều, mẹ khóc và hỏi con học có giỏi không, có khỏe không. Con trả lời con vẫn học rất tốt, con không dám khóc vì sợ mẹ buồn”- đôi mắt cụp hẳn xuống, Hiếu nuốt nước mắt nói, giọng lạc đi.
“Nhiều lúc buồn lắm cô ạ, nhất là thời gian đầu khi ba mẹ mới bị bắt, con không học được. Cứ ngồi vào bàn mở sách vở ra lại nhớ đến ba mẹ. Mất mấy tháng đầu như thế nhưng về sau thì quen dần, vẫn nhớ ba mẹ nhưng không còn khóc nữa. Con nghĩ, con phải làm quen với việc đó”.
Mấy phút giải lao ngắn ngủi không đủ cho hai mẹ con Hiếu hỏi han hết chuyện xa cách mấy năm nay. Người mẹ im lặng đau đáu nhìn con như muốn thu hết vào tầm mắt mình hình ảnh đứa con bé nhỏ, bơ vơ, tội nghiệp và chỉ kịp dặn dò “Hiếu thương mẹ thì phải học cho tốt nha”.
Phiên tòa kết thúc, còn em vẫn đứng ngẩn ngơ nhìn theo bóng mẹ mất hút trong chiếc xe bít bùng.
“Mẹ con dạo này tinh thần đỡ hơn trước, nhưng chân lại bị đau. Con thương mẹ lắm nhưng chẳng giúp gì được mẹ - Hiếu ngậm ngùi - Nếu như có một điều ước, con sẽ ước ba mẹ sớm trở về với con”.
Đứa bé có nước da ngăm đen vì nắng gió của trẻ con vùng nông thôn, cái dáng nhỏ choăn choắt trong chiếc áo khoác màu xanh rộng thùng thình, nhưng đôi mắt thì vẫn sáng long lanh, trong veo và lanh lợi. Kết thúc phiên tòa, đứa trẻ lại thui thủi đón hai chuyến xe đò trở về Định Quán.
“Dù gì đi nữa, con cũng phải gắng học” - Ảnh: Tuyết Mai |
Hai cuốn sách luật trong ngôi nhà đổ nát
Dường như do chính hoàn cảnh éo le của mình mà Hiếu trở nên già dặn hơn cái tuổi vốn có. Không chỉ lo chuyện học hành của mình, em còn lo cả số phận pháp lý của ba mẹ trong tù.
Theo sự chỉ dẫn của người quen, Hiếu một thân một mình đón xe đò lên TP.HCM tìm luật sư bào chữa cho cha mẹ. Em lần theo những mối quan hệ của mẹ, đi tìm những người đã từng giúp gia đình em trước đây để nhờ họ giúp đỡ. Khi ấy, Hiếu vừa mới lên 10 tuổi.
Thương cảm cho một đứa trẻ gầy gò, đen đúa, nhỏ xíu trong bộ quần áo nhàu nhĩ không quản vượt đường sá xa xôi đi tìm kêu cho cha mẹ, một vài người tốt bụng đã giới thiệu em đến văn phòng luật sư.
Luật sư Nguyễn Văn Đạt - người bào chữa miễn phí cho cha mẹ Hiếu - kể lại rằng trước đây ông gặp mẹ con em khi mẹ em đến nhờ tư vấn về một vụ việc tranh chấp dân sự.
Lúc ấy Hiếu vẫn là một đứa trẻ ít nói, chỉ đi theo, nép sát vào lòng mẹ sợ sệt. Thế nhưng chỉ gần một năm sau, em đã khác hẳn, dạn dĩ, kiên cường.
“Tiếp nhận vụ việc tôi mới thật sự có ấn tượng sâu sắc về con bé. Đó là một đứa trẻ mạnh mẽ - ông kể - Sau phiên tòa tôi cùng bé Hiếu trở về căn nhà cũ của gia đình bé.
Trong căn nhà đổ nát, hư hỏng gần hết ấy, con bé lôi ra hai cuốn sách luật. Tôi hỏi bé đọc những cuốn sách này làm gì thì bé nói đem về nghiên cứu để bảo vệ cho ba mẹ.
Thật ngỡ ngàng khi một đứa trẻ hơn 10 tuổi, bé tí xíu lại buộc phải suy nghĩ như vậy. Tuổi của em, con nhà người ta cha mẹ đôi khi còn đút cơm, còn bắt uống sữa, còn bé Hiếu thì... thật xót xa!”.
Nguồn cơn hai cuốn sách luật, Hiếu kể sau khi cha bị bắt tạm giam, Hiếu nhờ mẹ mua hai cuốn sách ấy. Và ngày nào cũng vậy, cứ mỗi lần hoàn thành xong bài vở học hành, Hiếu lại đem sách ra đọc miệt mài. Có những đoạn không hiểu em phải đọc đi đọc lại nhiều lần cho đến khi hiểu.
Hiếu bảo rằng em đọc sách để tìm hiểu những vấn đề liên quan đến gia đình mình. Ít lâu sau mẹ Hiếu cũng bị công an bắt nốt.
Đứa trẻ 10 tuổi bỗng chốc chứng kiến việc cả cha lẫn mẹ bị bắt giam, căn nhà vốn ấm áp, hạnh phúc giờ chỉ còn một mình nó bơ vơ. Lau nước mắt, lau nốt cả sự sợ hãi, đứa trẻ gói ghém sách vở tìm đến nhà người quen gần trường học để ở trọ, rồi sau đó lên Định Quán sống cùng người cô.
Nó nghĩ dù đau thế nào, buồn thế nào, nhớ cha mẹ thế nào thì cũng cần phải học. Bây giờ Cẩm Hiếu mới 12 tuổi, tương lai gian nan vẫn còn phía trước.
Chiều 28-9, hội đồng xét xử TAND huyện Bù Đăng (Bình Phước) đã tuyên phạt ông N.V.H. (59 tuổi, cha bé Cẩm Hiếu) 4 năm tù và bà N.T.T. (55 tuổi, mẹ Cẩm Hiếu) 3 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Theo cáo trạng, khoảng 6g ngày 16-2-2013, ông N.B.T. (41 tuổi, ngụ huyện Bù Đăng) vào thăm vườn điều của mình thì phát hiện bà N.T.T. đang nhặt điều trên đất của mình nên xông vào đánh. Bà T. la lên gọi chồng. Lúc này ông H. chồng bà T. chạy đến và hai bên đánh nhau. Đánh nhau xong vợ chồng ông H. đi về nhà, còn ông T. đi bệnh viện điều trị, tỉ lệ thương tật là 43% sức khỏe tạm thời. Ông T. tố cáo công an. Ông H. bị tạm giam từ ngày 4-7-2013 đến ngày 13-2-2015 thì được tại ngoại, hiện ông về nhà cũ để ở, tiện cho việc địa phương quản lý. Còn bà T. bị tạm giam từ ngày 29-8-2013 cho đến nay. Sau khi cha mẹ đều bị bắt giam, Cẩm Hiếu phải đi ở nhờ nhà một người quen. Được tại ngoại, do không có thời gian chăm sóc con, ông H. gửi Cẩm Hiếu đến nhà cô ruột ở huyện Định Quán, Đồng Nai để tiện việc học hành. Cha, mẹ, con lại mỗi người mỗi ngả. |
_______________
Kỳ tới: Chuyện kể của một cán bộ trại giam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận