11/10/2015 15:24 GMT+7

Chuyện một nữ “phạm nhân mồ côi”

HOÀNG ĐIỆP (hoangdiep@tuoitre.com.vn)
HOÀNG ĐIỆP (hoangdiep@tuoitre.com.vn)

TT - “Mẹ là phạm nhân mồ côi!”. Đó là câu mà chị N.T.K.T. đã nói với con trai trước đây nhiều năm khi con theo bà ngoại vào thăm chị.

Phóng viên Tuổi Trẻ (bìa phải) cùng các phạm nhân và thân nhân trong phòng thăm gặp, trại giam Thủ Đức - Ảnh: Văn Diện

“Tôi nói thế với con, nhưng nhớ nó lắm. Những ngày tháng không được gặp con lòng như xát muối, nhưng giờ thì quen rồi”. Chị kể lại chuyện đời mình và đồng ý cho chúng tôi chụp ảnh đăng báo.

Người tử tù chờ tiếng chim hót

Chị K.T. quê ở Kiên Giang, bị tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên mức án tử hình cho tội buôn bán trái phép chất ma túy. Khi chị bị bắt, đứa con trai duy nhất lúc ấy mới 9 tuổi.

Biết mình bị tuyên án tử hình cùng các đồng phạm khác, chị T. bảo lúc ấy tưởng như đất trời sụp xuống. Đường dây buôn bán ma túy mà chị tham gia có đến bốn người bị tuyên án tử hình.

“Án ma túy nên chịu sự trừng phạt rất nghiêm khắc của pháp luật. Bản án phúc thẩm tuyên xong, tôi biết cuộc đời mình đến đây là hết rồi. Bữa đó tôi không khóc được nữa. Nhưng khi vào trại giam chờ thi hành án thì được những tử tù khác động viên, cứ làm đơn xin ân xá đi, rồi thì... biết đâu”- chị T. nhớ lại khi đã thụ án được tròn 10 năm tại phân trại 3, trại giam Thủ Đức.

Và sau đó là đằng đẵng những ngày chờ đợi mỏi mòn tại trại giam Chí Hòa. Đó là việc chứng kiến những tử tù khác bị đưa đi thi hành án. Đó là những tâm sự, ân hận của những người trong lúc sai lầm đã vi phạm pháp luật mà phải trả giá. Đó là nỗi nhớ con, là câu chuyện quê hương, gia đình được các tử tù chia sẻ.

“Lúc đầu tôi cũng căng thẳng lắm, bởi lo lắng cho đứa con mới 9 tuổi mà phải xa mẹ, cha bỏ đi, ông bà ngoại thì già yếu, của nả chẳng có gì. Lo cha mẹ đau bệnh thì con cái sẽ ra sao, thiếu mẹ thì đứa trẻ lớn lên sẽ thế nào...”. Nỗi lo lắng về gia đình cùng với sự căng thẳng khi chờ đợi những ngày thi hành án khiến chị đã có lần làm đơn đề nghị được thi hành án sớm.

Chị T. cũng nói chị sợ nhất là mình chết không được sạch sẽ. Bởi có ai báo trước cho thời gian phải tử hình đâu mà chuẩn bị. Bởi vậy, ngày mai nào đối với chị T. cũng có thể là ngày cuối cùng. Thời gian chị T. chờ thi hành án tại trại giam Chí Hòa có đến ba người bị đưa đi thi hành án vào khoảng 4g sáng.

“Tôi đoán thế, vì vào khoảng 5g sáng thì ở cạnh phòng giam của tôi có một con chim ngày nào cũng hót. Tiếng chim hót ấy cho tôi xác định được thời gian. Vậy nên tôi dậy sớm, tắm, gội đầu rồi quạt cho tóc khô, để nếu có phải thi hành án thì mình chết cũng được sạch sẽ”.

Nhưng chờ mãi, đến ba nữ tử tù ở cùng buồng đi thi hành án rồi mà vẫn chưa thấy đến lượt mình.

“Mỗi sáng có tử tù đi qua là tiếng chào nhau í ới, người đi chúc người ở lại mạnh khỏe, người ở lại chúc người đi được an lành. Và thường thì ai cũng khóc, nhưng chỉ có một chị không khóc, chị ấy cũng không xin giảm án. Chị ấy phạm tội giết chồng. Cho đến tận ngày thi hành bản án, nữ phạm nhân này vẫn nói với các chị em khác rằng: tôi không ân hận vì việc đó...”.

Và cuộc chờ đợi của chị T. kéo dài gần hai năm, vẫn là ngày nào cũng dậy sớm để gội đầu, tắm, giặt quần áo rồi hong cho tóc khô. Cứ chờ đến khi nghe thấy tiếng con chim hót, có nghĩa là biết mình sẽ thêm một ngày được sống. Tiếng hót của con chim ấy trở thành "lá bùa hộ mệnh” cho mọi niềm hi vọng của chị T..

“Rồi một ngày, giám thị trại giam đọc tên tôi và nói tôi được ân xá xuống chung thân. Đó thật sự là ngày sinh lần thứ hai của tôi. Chủ tịch nước đã đèn trời soi xét, bởi khi vi phạm pháp luật tôi chỉ nghĩ cách kiếm tiền nuôi con và gia đình, chứ không tưởng tượng đến hậu quả có thể phải nặng nề đến thế. Tôi hứa với mình, được sống thì phải sống tốt, chờ đến ngày được gặp con”- chị T. kể và luôn đưa tay lên gạt nước mắt.

Người nữ "phạm nhân mồ côi" này luôn rơi nước mắt khi nói về con trai mình - Ảnh: Văn Diện

Trở thành phạm nhân “mồ côi”

Rồi chị T. được đi thi hành án ở trại giam Thủ Đức! Nhưng hai năm nay, chị T. trở thành phạm nhân “mồ côi” trong phân trại 3. Mồ côi theo nghĩa mà anh chị em trong trại giam đặt cho những người không được gia đình thăm gặp, không được nhận quà thăm nuôi.

Nhắc đến gia đình và con, chị T. lại thêm lần nữa bật khóc: “Tôi ở tù 10 năm, cha mẹ nuôi được đến 8 năm, như vậy cũng là giỏi lắm rồi. Nhiều phạm nhân ở đây mà tôi biết, gia đình chỉ thăm một lần, hoặc có những người chẳng ai đến thăm, như họ đã bị gia đình ruồng bỏ. Trong trại quy định ai không được người thân đến thăm thì gọi là mồ côi, nhưng thật ra con tôi đã như “mồ côi” từ 10 năm trước rồi”.

Hai năm nay cha mẹ chị T. không vào thăm chị bởi cha mẹ đã già, đi lại khó khăn, nhưng đứa con trai của chị thì chị không gặp nó từ nhiều năm trước.

“Giờ cháu đã 19 tuổi, đã xin đi làm bảo vệ cho một công ty, cháu kiếm tiền cũng chẳng được bao nhiêu. Tôi khuyên cháu thôi đừng vào thăm mẹ nữa. Mỗi lần điện thoại được cho con, tôi đã thấy hạnh phúc rồi, con cũng nói vào thăm mẹ mà không có tiền để cho, không có quà để gửi thì cảm thấy rất đau lòng. Giờ cháu đi làm, không chỉ nuôi mình mà còn nuôi ông bà ngoại nữa. Chỉ cần con biết nghĩ vậy là tôi mừng rồi”.

10 năm đằng đẵng chị T. bị bắt, rồi ở tù, cũng là 10 năm đứa bé trai con chị lớn lên dưới sự trông nom của ông bà ngoại. Mẹ bị đi tù, nó cũng bị bạn bè chế giễu, cô lập và không ít tủi thân dẫn đến phải bỏ học.

Hồi bé, có lần đứa bé vào thăm chị và hỏi: tại sao mẹ lại đi tù, sao mẹ không đi làm thuê, không bán tạp hóa, bán hủ tiếu gõ để nuôi nó mà lại đi buôn ma túy để đến ngày phải ở tù, chị chỉ biết khóc.

Chị T. kể rằng tất cả mọi đau đớn, mọi sự chế giễu hay ê chề khác đối với chị đều không thể nào đau đớn hơn những câu hỏi ngây ngô của con.

“Tôi cũng tự hỏi sao tôi không đẩy xe bán hàng rong để kiếm tiền nuôi con và gia đình mà lại dính vào việc làm trái pháp luật, khiến không chỉ bản thân phải trả giá mà đến cả đứa con cũng phải chịu hậu quả về những việc mình làm”, nữ phạm nhân này đã tự đặt câu hỏi ấy cho mình và tự dằn vặt mình bao năm trong tù.

Khi con lớn hơn chút, nó hiểu, thì ông bà ngoại lại quá già, đổ bệnh liên tục khiến đứa trẻ thiếu hơi ấm của cả mẹ cha sớm phải trở thành người trụ cột trong nhà.

“Ở tù, làm việc khó thế nào, vất vả bao nhiêu tôi cũng chịu được, nhưng lo nhất là khi người nhà đau ốm, xảy ra chuyện gì mình không thể làm gì, không thể chia sẻ an ủi. Vậy nên chỉ mong con cố gắng sống tốt, sống lương thiện, làm việc lương thiện là thấy an lòng rồi. Lỗi lầm đã xảy ra, giờ tôi chỉ biết sửa chữa bằng cách cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được ra tù, để được thêm một lần nữa bên con!”.- chị T. tâm sự.

Khi chia tay, tôi hỏi T. chị có muốn nhắn gì với con trai không, chúng tôi sẽ giúp. Chị bảo nếu có thể, hãy nói nó cố gắng sống tốt, và cũng nói rằng chị vẫn khỏe và đừng lo lắng gì.

__________

Kỳ tới: 10 tuổi, một mình và hai quyển sách luật

HOÀNG ĐIỆP (hoangdiep@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên