27/11/2016 10:14 GMT+7

Chuyện của bà Sáu Hộ

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Trong số 138 tập thể, cá nhân được tuyên dương “Tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần này có bà Sáu Hộ - một Việt kiều yêu nước.

Bà Sáu Hộ bên những bằng khen và thư cám ơn về tấm lòng thiện nguyện
Bà Sáu Hộ bên những bằng khen và thư cám ơn về tấm lòng thiện nguyện

Chiều muộn. Trời sắp đổ mưa. Trên đường về nhà, bà Sáu Hộ còn ghé vô tiệm tạp hóa quen lựa gạo, dầu ăn, đường, muối, bột nêm, nước tương, nước mắm...

Nhiều người thấy vậy thắc mắc chẳng hiểu tại sao một bà già ăn uống chẳng là bao, lại sống có một mình mà lần nào cũng mua cả chục bao gạo to loại 50kg.

Chắt bóp từng đồng làm từ thiện

“Đó là chuyện ngộ với mấy người lạ, chứ với bà con chòm xóm ở P.5, Q.Bình Thạnh thì cảnh này quá quen. Nhiêu đó gạo nhằm nhò gì. Hồi này bà Sáu yếu rồi, chân hay bị đau, ít đi từ thiện xa. Chứ mọi khi bả mua lần cả tấn gạo là ít” - một cô trong xóm bày tỏ.

Dừng xe trước căn nhà phố, anh giao gạo thắc mắc trong lòng khi bà chủ nhà kêu thả mấy bao gạo nặng trịch, những thùng dầu ăn xuống ngay phòng khách, kế bên bộ salon chứ không để ngoài sân hay đem vô trong bếp.

Như đoán được điều anh đang nghĩ, bà chủ nhà khoát tay: “Cứ để đó đi chú. Để tui nằm trên cái giường này bước qua xúc cho lẹ!”. Phía sau bộ salon, sát bên bao gạo quả là có ghế bố trải sẵn. Đó là chỗ bà Sáu ngả lưng hằng ngày.

Không nhớ chính xác là từ hồi nào người nghèo, người sa cơ lỡ vận đến gõ cửa nhà bà Sáu Hộ nhờ giúp đỡ. Ai đến nhà bà, khi bước ra chí ít cũng có bịch gạo cầm theo.

Hôm nào khỏe, tự tay bà xúc gạo, gói dầu ăn, mắm muối vô túi cẩn thận trao cho mọi người. Bữa mệt dậy không nổi, bà nói: Bịch đó, gạo đó, cứ xúc về ăn!

Ai có bao sẵn ở nhà đem tới càng tốt, lấy bao nhiêu nhắm đủ ăn thì lấy, còn lại chia sẻ cho người khó khăn khác. Người nào khổ quá, bà cho hẳn chục ký đem về.

Ít ai biết được rằng nơi đất khách quê người, để có đồng tiền đem về quê hương làm từ thiện, bà Sáu phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt bên những “bãi phế liệu” chất đầy đồ dùng hư, cũ của những gia đình khá giả thải ra để lựa, chùi lau từng món rồi đem ra chợ trời bán lại.

Bà còn giữ trẻ, phụ bán hàng... chắt bóp từng đồng dành dụm đem về quê nhà làm từ thiện.

Tiết kiệm đồng nào hay đồng đó

Mỗi lần về Việt Nam, chưa kịp vơi cơn mỏi mệt sau chuyến bay dài, bà đã tổ chức đi chỗ này chỗ khác tặng quà cho người nghèo. Vận động bạn bè, người Việt đang định cư tại Mỹ ủng hộ vật chất, rủ thêm những người cùng tâm nguyện ở quê nhà để lập thành đoàn đi thăm, tặng quà.

Nay Tây Ninh, mai Bình Phước, rồi Gò Công, Long An, Kiên Giang... Trên những chuyến xe chở hàng, quà là tấm băngrôn có dòng chữ: “Đoàn từ thiện tự nguyện Cây Quéo”. Tên này do bà Sáu đặt. “Chợ Cây Quéo là chỗ tui ở. Đặt vậy cho bà con dễ nhớ, dễ tìm” - bà Sáu nói.

Những khi không đi từ thiện xa, bà lại nghĩ cách làm từ thiện gần. Bà cùng với mấy người bạn hùn tiền lại nấu nồi cơm to, kho nồi thịt bự, khệ nệ đem vô bệnh viện phân phát cho bệnh nhân, thân nhân nghèo tỉnh xa phải lên chữa bệnh ở Sài Gòn, nhín tiền mua thuốc mà cơm không dám ăn no.

Trong căn nhà vắng, dọc hai vách tường treo đầy bằng khen, giấy khen vì thành tích hoạt động từ thiện suốt hơn 20 năm của bà Sáu Hộ. Xen lẫn là rất nhiều lá thư cảm ơn gửi từ những nơi bà đã đến, đã tặng quà, giúp đỡ người nghèo.

Bà cẩn thận lồng khung từng lá thư cảm ơn, trang trọng treo lên vách.

“Cái này là của tổ chức, đoàn thể cảm ơn. Còn bà con nghèo thì không biết nói lời hoa mỹ, cũng chẳng viết thư cảm ơn bao giờ. Họ chỉ dấm dúi gửi mình trái xoài, bọc cam, ký bắp” - bà Sáu nói.

Lần bà bị bệnh phải nằm bệnh viện, người đến thăm đứng chật phòng, toàn người không phải họ hàng thân thích gì, những người từng được bà Sáu đỡ đần khi gặp khó.

Mấy năm nay, bà Sáu thấy trong người yếu đi nhiều. Khoe tấm thẻ bảo hiểm y tế mới mua ở phường, bà Sáu giải thích: “Nhiều người nói tui bệnh sao không vô bệnh viện tư nằm hay ít ra cũng đi khám dịch vụ cho khỏe, khám bảo hiểm chi cho mất thời gian. Nhưng tôi nghĩ tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.

Tiền bạc dành để giúp người nghèo khó hơn mình. Nhứt là giúp mấy em học trò nghèo ở quê đặng mai này tụi nó có kiến thức, có tài năng mà xây nước, giữ nước, không phải khổ cực, nhọc nhằn như chúng tôi ngày trước” - bà Sáu nhìn xa xăm và mơ ước.

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang (phải) và Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư trao tặng bằng khen cho bà Nguyễn Thị Hộ sáng 26-11 - 
Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang (phải) và Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư trao tặng bằng khen cho bà Nguyễn Thị Hộ sáng 26-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khép lại chiến công

Năm 2013, trong một lần bà Sáu Hộ theo đoàn từ thiện của chùa Từ Quang, có một cựu chiến binh đi tới trước mặt bà nói: “Xin lỗi, có phải chị là Sáu Hộ - Nguyễn Thị Hộ - chị Tư Sương? Tôi Tư Yên đây...”.

Bà Sáu Hộ giật mình. Đã lâu lắm rồi, không còn ai kêu mình là Tư Sương. Cái tên Trần Ngọc Sương ngỡ đã chôn chặt cùng quá khứ.

Sau ngày 30-4-1975, bà Sáu Hộ nhận được một tờ giấy được cấp bởi Bộ tư lệnh lữ đoàn 316 thuộc Quân đội giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tờ giấy có nội dung: “Chứng nhận đồng chí Trần Ngọc Sương - tên thật Nguyễn Thị Hộ, sinh năm 1942... đã có thành tích trực tiếp tham gia hoạt động và vận động con em, quần chúng làm cách mạng trong thời gian từ năm 1966; là cơ sở giao liên, đơn vị biệt động Đội 90 C/F100. Đến tháng 4-1974 là cơ sở của Đoàn biệt động Z32 LĐ 316...”.

Những năm tháng hoạt động cách mạng, vì nhiệm vụ phải lấy được tin tức về những đợt hành quân của đối phương, để lấy được thuốc kháng sinh cho bộ đội, bà đã đi lại làm quen, làm vợ hờ của sĩ quan, bác sĩ quân y người Mỹ.

Hòa bình rồi, nếu bà cầm giấy đi nhận công, liệu anh em đồng đội, bà con chòm xóm có chấp nhận không?... Bà quyết định rời quê hương, khép lại quá khứ, khép lại những chiến công, nhận lấy búa rìu dư luận.

Sau ngày gặp lại ông Tư Yên (tức thiếu úy Trần Văn Yên), đơn vị đã tìm thấy hồ sơ gốc của nữ chiến sĩ biệt động Trần Ngọc Sương. Bà được cấp thẻ hội viên Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến của lữ đoàn 316, nhận lại quân phục, huy hiệu cựu chiến binh.

Mới đây, bà được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên