Trước giờ bay vài tiếng, hãng gửi một email thông báo chuyến bay hoãn đến 19g05 cùng ngày. Sau đó là liên tiếp các thông báo hoãn giờ bay đến 22g55, rồi 23g50. Trên thực tế, hành khách lên máy bay lúc 0g30 ngày 10-2 và sau đó ít lâu nữa máy bay mới thật sự cất cánh.
Hai hành khách cùng chuyến không có may mắn như tôi là sử dụng email để mà biết được việc hoãn giờ bay. Họ hành lý lỉnh kỉnh đi từ một huyện xa của tỉnh Thái Bình sang, dĩ nhiên có mặt tại sân bay lúc 12g ngày 9-2 (trước giờ bay hai tiếng theo khuyến cáo của hãng hàng không trong dịp này). Họ không có lựa chọn gì ngoài việc chờ đợi suốt hơn 12 tiếng ròng rã tại sân bay, với những dịch vụ có số lượng và chất lượng mà phần đông chúng ta đều đã hình dung được. Vào những giờ cuối, không nước uống, không chăn (khi thời tiết tại sân bay Cát Bi đang trở lạnh vì gió mùa đông bắc tràn về), họ cũng không thể tìm được sự trợ giúp y tế nào cho đứa con nhỏ bị mệt của họ. Rất nhiều người già và trẻ nhỏ vạ vật trên các băng ghế chờ đợi.
Bỏ qua những lặt vặt, thiếu chuyên nghiệp khác của nhân viên làm thủ tục check-in, những hành xử sau đó của nhân viên Jestar Airlines mới thật sự đáng bàn. Toàn bộ hành khách lên cửa sau của chuyến bay BL 513 phải bịt mũi bước qua một hàng ghế còn tung toé bãi ói của một hành khách mệt mỏi trên chuyến bay trước. Ba hành khách thiếu may mắn phải tiếp tục đứng chờ tiếp viên lau dọn mới có thể ngồi vào ghế, mà trước đó còn chịu đựng câu hỏi cực kỳ vô lý của một tiếp viên “hành khách nào vừa ói thế nhỉ?”.
Sau khi được những hành khách khác xác nhận giùm là bãi ói đã xuất hiện ở đó trước khi lên máy bay, ba hành khách kia mới được ngồi vào những chiếc ghế (vừa được lau vội của mình).
Vẫn chưa hết. Khi máy bay hạ cánh, hầu hết hành khách mệt lả đứng chen chúc trong xe buýt trung chuyển vào ga đến tiếp tục phải chờ đợi. Những hành khách cuối là một cặp vợ chồng trẻ, với hành lý xách tay và một con nhỏ còn ẵm trên tay phải tự dìu xuống cầu thang người mẹ già đã kiệt sức, chân không còn bước nổi.
Nhiều năm nay, ngành hàng không VN đã đứng trước một bài toán quá quen thuộc, quá cũ về lượng hành khách gia tăng đi lại đột biến trong dịp tết nhưng thiếu giải pháp để giảm bớt những phiền toái cho hành khách. Hầu hết hành khách không cần nhận lại số tiền bồi hoàn cực kỳ tượng trưng theo luật hiện hành (Nếu hủy chuyến hoặc hành khách không được vận chuyển khi đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay mà lỗi do người vận chuyển thì phải bồi thường cho hành khách: Đối với các chuyến bay nội địa: các chuyến bay có độ dài dưới 500km là 100.000 đồng, từ 500km đến dưới 1.000km là 200.000 đồng, từ 1.000km trở lên là 300.000 đồng. Với hành khách bị trễ chuyến từ 1-2 giờ thì được phục vụ ăn uống miễn phí tại ga. Nếu trễ trên ba giờ thì phải cung cấp thêm một số dịch vụ cho hành khách như xe đưa đón về nhà hay cơ quan và trở lại sân bay miễn phí. Nếu trễ từ sáu giờ trở lên phải bố trí khách sạn miễn phí cho hành khách).
Nhưng trong khi chờ đợi một sự thành thật của các hãng hàng không về năng lực vận tải thật sự của họ, về khả năng đáp ứng vận chuyển và cung ứng dịch vụ đích thực cho hành khách của họ (với giá vé bay tết năm nào cũng tăng), những hành khách như chúng tôi cần một sự đối xử đàng hoàng hơn từ phía các hãng hàng không để sẵn sàng chia sẻ, hợp tác và cảm thông hơn với chính các hãng thay vì kết thúc mỗi chuyến bay là một ấn tượng xấu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận