![Chuyển công an điều tra vụ hiệu trưởng vay nợ rồi âm thầm bán trường - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/base64-173949437137040086167-1739495053532-17394988445561232249433-1739499493744-1739499493922458006616.jpeg)
Trường được âm thầm bán đi nhưng nợ cũ vẫn còn và ngành chức năng phát hiện ra việc lãnh đạo cũ của trường có dấu hiệu tham ô tài sản - Ảnh: THẾ THẾ
Sáng 14-2, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk vừa có báo cáo về việc chuyển hồ sơ vụ hiệu trưởng dùng con dấu vay nợ rồi âm thầm… bán trường sang công an để điều tra dấu hiệu tham ô tài sản xảy ra tại đơn vị này từ năm 2019 đến 2022.
Hiệu trưởng âm thầm bán trường, "hô biến" chủ nợ thành… giáo viên
Trước đó, một người dân tên K. gởi đơn đến UBND tỉnh Đắk Lắk tố cáo hiệu trưởng Trường trung cấp Bình Minh (nay là Trường trung cấp Buôn Ma Thuột, trụ sở tại phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) có hành vi tham ô tài sản.
Theo người tố cáo, từ năm 2001 đến nay ông chỉ dạy học, nhận lương tại một trường cấp 3 thuộc huyện Krông Ana, chưa từng làm thêm việc ở bất cứ nơi nào. Tuy nhiên, suốt 4 năm từ 2019 đến 2022, ông liên tục bị ngành thuế nhắc nợ thuế từ nguồn thu lương ở 2 đơn vị (trường ông dạy và Trường trung cấp Bình Minh - PV).
Sau khi tìm hiểu, ông K. mới biết hiệu trưởng Trường trung cấp Bình Minh đã mạo danh mình làm tất cả thủ tục ký hợp đồng làm giáo viên, ký nhận lương hằng tháng trong 4 năm nêu trên.
"Hậu quả là tôi liên tục bị nhắc nhở như một tấm gương xấu vì trốn thuế, bị cơ quan phê bình. Người thân nghi ngờ tôi có tiền nhưng không đưa về nhà khiến gia đình bất hòa", người tố cáo nói với Tuổi Trẻ Online.
Trước khi xảy ra vụ việc nợ thuế "từ trên trời rơi xuống" này, ông K. cùng 20 người khác có đơn tố cáo bà Từ Thị Hồng Hòa - nguyên hiệu trưởng, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Trường trung cấp Bình Minh - vay mượn tổng cộng hơn 5 tỉ đồng rồi âm thầm bán trường, có dấu hiệu tẩu tán tài sản.
Khi vay nợ người dân, giáo viên, bà Hòa đều dùng con dấu nhà trường nên những chủ nợ mới tin tưởng.
Có dấu hiệu phạm tội hình sự
Liên quan đến việc này, một lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn tố cáo của ông K. đã được UBND tỉnh chuyển về đơn vị để xử lý.
Theo hồ sơ còn lưu trữ tại Trường trung cấp Buôn Ma Thuột, từ tháng 5-2020 đến tháng 12-2022, ông K. có giảng dạy tại 14 lớp đào tạo lái xe hạng B2, được nhà trường chi trả gần 150 triệu đồng.
![Chuyển hồ sơ sang công an hiệu trưởng dùng con dấu vay nợ 5 tỉ rồi âm thầm… bán trường - Ảnh 4.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/base64-1739494371414970934302-1739495056847-1739498879776520123741-1739499495243-17394994953282053492420.jpeg)
Chủ trường, lãnh đạo nhà trường mới phủ nhận trách nhiệm, nói không liên quan đến khoản nợ cũ của Trường trung cấp Bình Minh - Ảnh: THẾ THẾ
Tuy nhiên, qua làm việc, ông K. khẳng định từ năm 2019 đến năm 2022 ông không tham gia giảng dạy nghề đào tạo lái xe, không ký hồ sơ giảng dạy, ký nhận lương kể cả tiền mặt hay chuyển khoản tại Trường trung cấp Bình Minh.
Theo lãnh đạo sở, xác định hành vi của Trường trung cấp Bình Minh có dấu hiệu của tội phạm nên ngày 21-1-2025, sở đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Tuấn - hiệu trưởng Trường trung cấp Buôn Ma Thuột - xác nhận có làm việc với thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo đơn tố cáo của ông K.. Trường đã cung cấp toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan chức năng.
Theo ông Tuấn, hồ sơ lưu trữ đã gửi, trường đã làm việc với sở và hiện chưa có thông tin gì thêm. Ông Tuấn cũng nói chưa được thông báo về hồ sơ vụ việc tại trường được chuyển cho công an.
Chủ trường mới nói "không liên quan nợ cũ"
Liên quan đến khoản nợ hơn 5 tỉ đồng mà bà Hòa - nguyên hiệu trưởng Trường trung cấp Bình Minh - vay của hơn 20 người bằng con dấu nhà trường, ông Tuấn cho biết trường mới không liên quan. Bà Hòa vay mượn, lợi dụng chức vụ rồi dùng con dấu để vay mượn là chuyện cá nhân của bà ấy.
"Chúng tôi mua trường có văn bản, hồ sơ, công chứng và đã được UBND tỉnh công nhận. Tôi tiếp quản trường từ ngày 26-10-2024, trước đó tôi không biết vì không điều hành. Sau khi tôi về đây, tôi đổi tên trường và đã có giấy phép", ông Tuấn nói.
Như Tuổi Trẻ Online đã phản ánh, từ năm 2018 đến 2023, bà Hòa vay hơn 5 tỉ đồng của hơn 20 người dân nhưng không trả rồi âm thầm bán trường. Người dân, giáo viên làm đơn đề nghị UBND tỉnh, sở ngành liên quan ngăn chặn việc sang nhượng, đổi tên trường đến khi trả hết nợ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng việc thay đổi hiệu trưởng, hội đồng thành viên tại Trường Bình Minh đúng quy định. Việc vay nợ, sang nhượng giữa người dân và nhà trường là quan hệ dân sự, không thuộc thẩm quyền của sở nên hướng dẫn giải quyết tranh chấp tại tòa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận