28/05/2013 09:01 GMT+7

Chuyện con vỏi, con voi

NGUYÊN LÂM
NGUYÊN LÂM

TT - “Mặc dù như người mù sờ chân voi nhưng vẫn phải đưa tay biểu quyết đồng ý”. Một đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa trước đã phát biểu như vậy về tình trạng “không biết mà phải biểu quyết”, cho nên “bấm nút mà trong lòng vẫn không yên”.

Sao lại kỳ vậy, sao lại không biết khi mà kỳ họp nào mỗi đại biểu cũng “ôm” hàng ngàn trang tài liệu về các nội dung liên quan?

Hóa ra trong hàng ngàn trang tài liệu đó vẫn còn những thông tin mà như tại kỳ họp này, khi thảo luận ở tổ nhiều ĐBQH chung nhận xét về báo cáo của Chính phủ là “hời hợt, không trung thực, không phản ánh tình hình”, mâu thuẫn với nhau.

Hoặc thông tin đại biểu cần thì không có, thông tin có thì đại biểu lại không cần. Hàng ngàn trang tài liệu nhưng lại có nhiều thông tin vẫn ở dạng “thô”, chưa được tinh chế dưới dạng tóm tắt, súc tích, đi thẳng vào vấn đề, trong khi đại biểu lại có quá ít thời gian để đọc, nghiên cứu. Cũng một phần nữa là dường như đại biểu bị ngợp trong biển thông tin.

Để có được một “sản phẩm” tốt - tức là các quyết sách, ĐBQH cần đến “nguyên liệu” thông tin giúp ĐBQH tự tin, chủ động, mạnh dạn hơn trong các hoạt động tại nghị trường để “nói cho đúng, cho trúng”. Nhưng đó phải là thông tin chọn lọc, “ít mà tinh, còn hơn nhiều mà vẫn thiếu”, nêu những vấn đề mấu chốt của các dự án luật, về các chính sách ẩn đằng sau các quy định, các con số, được - mất của mỗi phương án... Đại biểu cũng cần thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, nhiều chiều để “bắt bệnh đúng mới có thuốc chuẩn”.

Mặt khác, như một chuyên viên của Văn phòng Quốc hội ví von, “thông tin như món ăn, đại biểu cần món gì thì “gọi” để được cung cấp”. Hay nói cách khác, đại biểu cần chủ động đặt hàng, yêu cầu cung cấp thông tin mình cần. Đã có những đại biểu yêu cầu Văn phòng Quốc hội tìm kiếm, cung cấp thông tin nhanh theo các nội dung của kỳ họp. Hoặc như cựu ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân đã gửi công văn yêu cầu 32 cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin về tình hình thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sau một năm hoạt động. Tiếc rằng sự chủ động đó chưa nhiều từ phía đại biểu, thậm chí có đại biểu gửi phiếu thông tin chỉ để yêu cầu tìm một cuốn tiểu thuyết, chắc là đọc trong một tháng xa nhà.

Thông tin cho ĐBQH cần có hai chiều: nhu cầu, sự chủ động của đại biểu và năng lực đáp ứng nhu cầu thông tin. Lúc đó mới tránh được chuyện “người mù sờ chân voi”. Vậy mới có vè rằng: Con vỏi, con voi/Cái vòi đi trước/Hai chân trước đi trước/Hai chân sau đi sau/Còn cái đuôi đi sau rốt/Tôi xin kể nốt/Cái chuyện con voi.

NGUYÊN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên