21/02/2022 12:15 GMT+7

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ cuối: Những con đường tên 'Tây' còn mãi với Sài Gòn

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Bao người Việt đi dưới bóng xanh các đường xưa này như Pasteur, Alexandre De Rhodes, Calmette, Yersin..., vẫn ắp đầy thân thương với những cái tên "Tây" mà lại gần gũi, đáng kính đến vô cùng…

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt  - Kỳ cuối: Những con đường tên Tây còn mãi với Sài Gòn - Ảnh 1.

Đường Pasteur đầu thế kỷ 20 khởi từ dốc cầu Mống bắc qua rạch Bến Nghé - Ảnh tư liệu: AAVH

Có bao giờ đi dưới tán xanh những con đường xưa đầy hoài niệm của Sài Gòn như Pasteur, Alexandre De Rhodes, Calmette, Yersin..., ai đó tự hỏi nhiều tên đường đã treo lên lại bị hạ xuống sau bao cơn dâu bể lịch sử, nhưng có những con đường mang tên "Tây" vẫn còn mãi với thời gian?

Những con đường mang tên người có thể bị đổi thay cùng bước ngoặt lịch sử, nhưng có những cái tên vẫn tồn tại mãi dù thời cuộc biến động thế nào.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

Dưới tán xanh Pasteur

"Hồi tôi còn đi học những năm 1960 ở Trường nữ sinh Gia Long (còn gọi là trường áo tím), các con đường nhiều bóng cây xanh như Pasteur, Alexandre De Rhodes bào mòn guốc dép của bao cô nữ sinh và của cả những chàng nam sinh học ở các trường gần đó lẽo đẽo theo trồng cây si" - bà Trần Thị Phượng, một người Bắc di cư vào Sài Gòn, kể chuyện xưa. 

Bà tâm sự những con đường này hồi ấy còn được gọi ví von lãng mạn là đường học trò vì nhiều trường học gần bên, cứ sáng sáng chiều chiều lại đầy tà áo nữ sinh, nam sinh. Từ đây, các cô cậu đang tuổi lãng đãng có thể rẽ xuống công viên Tao Đàn, rẽ lên hồ Con Rùa, nhà thờ Đức Bà hay Sở thú để mộng mơ tình đầu...

Ngược dòng thời gian về cuối thế kỷ 19, Pasteur là con đường cổ xưa và dài nhất vùng Sài Gòn. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, từng là thành viên thường trực Hội đồng đặt tên đường TP.HCM, ngay thời kỳ đầu Pháp thuộc, từ bến Chương Dương đến đường Lê Lợi ngày nay là con kênh Pháp cho đào để lấy đất đắp nền và thoát nước. Có hai con đường đều mang tên số 24 ở hai bên con kênh này. 

Thời gian sau, người Pháp trong công cuộc "khai hóa" thuộc địa đã đặt nhiều tên nhân vật nước mình cho đường phố Sài Gòn mà đặc biệt là tên các nhà truyền giáo, tướng lãnh hải quân và các chiến địa lớn ở châu Âu...

Đến năm 1865, con đường số 24 bên phải kênh này được đặt lên Olivier (sĩ quan hải quân Pháp), còn đường bên trái là Pellerin (một vị giám mục đến truyền giáo ở Sài Gòn). Sang năm 1870, kênh đào này được lấp và hai con đường đôi bờ trở thành một đường Pellerin kéo dài từ rạch Bến Nghé đến đại lộ Bonard (đường Lê Lợi nay). Rồi một thời gian sau, đường Pellerin tiếp tục được xây dựng nối dài như đường Pasteur bây giờ băng qua hàng chục ngã tư lớn nhỏ Nguyễn Công Trứ, Hàm Nghi, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Du... 

Cũng như nhiều con đường khác ở Sài Gòn, Pellerin được lát đá vỉa hè sạch đẹp, đặc biệt là trồng rất nhiều cây xanh tạo bóng mát để giảm bớt sự nóng bức của khí hậu nhiệt đới.

Suốt hơn nửa thế kỷ từ lúc khai lập, con đường xuyên qua thành phố này vẫn mang tên vị giám mục Pháp. Mãi đến năm 1955, chính quyền ông Ngô Đình Diệm, trong phong trào hạ bỏ tên "Tây" để Việt hóa tên đường bằng tên các danh nhân và anh hùng lịch sử dân tộc, con đường này mới được đổi tên thành Pasteur. 

Đây là một trong số rất ít con đường vẫn được mang tên "Tây" khi đó bởi có Viện Pasteur nằm ngay bên đường và vẫn trường tồn với thời gian dù người Pháp đến rồi đi cũng như bao cuộc chiến tranh, ly loạn, đổi thay chính thể trên mảnh đất này.

Trong lịch sử thành lập từ năm 1891, Viện Pasteur được phát triển tại Sài Gòn là chi nhánh đầu tiên của viện chính tại Paris, Pháp. Tên viện cũng chính là tên nhà khoa học nổi tiếng người Pháp (Louis Pasteur) đã được cả thế giới vinh danh công lao đóng góp cho ngành y học. Chính vì vậy, trong khi hàng trăm tên đường Pháp bị đồng loạt "hạ bệ" năm 1955 thì tên Pasteur lại được gắn lên trang trọng trên con đường xưa của Sài Gòn.

Ngày 14-8-1975, theo bước ngoặt lịch sử, con đường này lần thứ ba đổi thay danh phận mới là Nguyễn Thị Minh Khai. Nhưng đến năm 1991, tấm biển Pasteur lại được hoàn trả về đường xưa, và tên Nguyễn Thị Minh Khai được chuyển sang con đường hiện nay.

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt  - Kỳ cuối: Những con đường tên Tây còn mãi với Sài Gòn - Ảnh 3.

Đường Pasteur nay vẫn rợp bóng xanh mát - Ảnh: TỰ TRUNG

Những tên đường gắn bó mãi với dân Việt

"Những con đường mang tên người có thể bị đổi thay cùng bước ngoặt lịch sử, nhưng có những cái tên vẫn tồn tại mãi dù thời cuộc biến động thế nào" - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tâm sự về việc trả lại tên đường Pasteur vào đầu thập niên 1990 bởi ông không chỉ là nhân vật nổi tiếng ở Pháp hay Việt Nam mà đã trở thành tượng đài y học cả thế giới.

Ngay khoảng giữa đường Pasteur có một con đường ngắn chỉ gần 300m nhưng cũng thuộc các con đường xưa nhất của thành phố Sài Gòn và từng được mang những cái tên gắn liền với lịch sử vệ quốc bi tráng lẫn bước ngoặt phát triển đất nước. Đó chính là đường Alexandre De Rhodes ngày nay, mà từ năm 1871 nó đã được đặt tên gắn liền với sự vọng nhớ không nguôi của người dân nước Việt gần nửa thế kỷ qua: đường Paracels, tức Hoàng Sa - quần đảo thiêng liêng đang phải tạm chia lìa đất mẹ.

Sau một thời gian, người Pháp lại đổi tên đường sang Colombert. Tên đức giám mục được treo trên biển đường này suốt hơn nửa thế kỷ, cho đến năm 1955 mới được đổi thành Alexandre De Rhodes - nhà truyền giáo có công phát triển nền Quốc ngữ Việt Nam. Chính vì vậy, dù năm 1985 con đường này từng một lần nữa được đổi tên Thái Văn Lung, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại được hoàn trả tên vị giáo sĩ Alexandre De Rhodes.

Cùng với Pasteur, đường Alexandre De Rhodes dù chỉ là một đoạn đường ngắn rải vài bước chân đã về chốn cũ mà vẫn gắn liền với tình yêu và nỗi nhớ của bao thế hệ người Việt ở Sài Gòn - TP.HCM. Bà Phượng kể ký ức một thời mình là nữ sinh Gia Long, rồi sinh viên Văn Khoa đại học đã biết bao lần dạo chơi dưới tán xanh con đường này. 

"Alexandre De Rhodes là con đường ngắn ngủi, chúng tôi bỏ xe đạp, đi dạo ít bước chân cũng đã hết nhưng bao lứa nữ sinh, nam sinh Sài Gòn đã thả hồn lãng mạn với nó. Không chỉ nằm ngay công viên trung tâm thành phố rộng lớn, mà từ con đường này còn rất gần để tới nhà thờ Đức Bà, Tao Đàn, hồ Con Rùa - những chốn mộng mơ của tuổi ngày xanh", bà Phượng trải lòng.

Ngày nay, sau bao lần chỉnh trang đô thị, Alexandre De Rhodes tiếp tục là con đường rợp bóng xanh của thành phố. Người dân đến đây chơi có thể tản bộ vào công viên rộng lớn dưới tán cổ thụ trước cổng hội trường Thống Nhất hoặc xuôi xuống nhâm nhi cà phê ở hồ Con Rùa, ăn uống ở Trần Cao Vân hay mua sắm ở Hai Bà Trưng. Và chếch lên một chút là hè đường Đồng Khởi cổ xưa (từng mang tên Blancsubé, Catinat, Tự Do) đầy thanh lịch, quyến rũ để bước vào giữa trung tâm thành phố sầm uất.

Cũng rất gần gũi với Pasteur còn có hai con đường mang tên nhân vật ngành y được kính trọng là Calmette và Yersin, hai con đường đã ắp đầy trong ký ức bao đời người Sài Gòn... Calmette ngắn hơn đường Pasteur nhưng cũng khởi đầu từ bến Chương Dương xuôi về Trần Hưng Đạo sau khi băng qua các phố văn phòng và bán buôn sầm uất Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm. 

Đây cũng là tuyến đường từ thời kỳ đầu Pháp thuộc đã mở mang để phát triển Sài Gòn. Nó từng mang tên đường số 32, năm 1877 đổi thành Bouirdais, và đến năm 1955 thì chính quyền ông Ngô Đình Diệm cho đổi thành Calmette. Tên vị bác sĩ Albert Calmette là học trò của Louis Pasteur, người tiếp truyền thầy mình đi xây dựng Viện Pasteur ở Sài Gòn.

Cách đó không xa, đường Yersin cũng khởi từ bến Chương Dương về khu phố Tây Phạm Ngũ Lão ngày nay với chiều dài gần 700m. Đây là con đường xưa của Sài Gòn mà thời kỳ đầu Pháp thuộc đã mang tên Boresse, và đến năm 1995 chính thức có tên đường vị bác sĩ Yersin khả kính - người có công lớn với nhân loại khi tìm ra vắc xin chữa bệnh dịch hạch (còn gọi là tử thần đen) từng làm chết hàng trăm triệu nhân mạng trong suốt hàng thế kỷ lịch sử thế giới. 

Ở Nha Trang, vị bác sĩ này được thờ cúng cả trong nhà dân lẫn ở chùa vì sự gắn bó và công lao với ngành y Việt Nam. Và nơi ông yên nghỉ vĩnh hằng cũng ở xứ sở này.

Nếu như tên đường Pasteur, Alexandre De Rhodes có một thời gian ngắn sau năm 1975 bị thay đổi rồi mới được trả lại tên thì đường Yersin và Calmette vẫn được trang trọng giữ nguyên bảng tên từ giữa thế kỷ 20 đến nay. Ngày ngày, bao người Việt đi dưới bóng xanh các đường xưa này vẫn ắp đầy thân thương với những cái tên "Tây" mà lại gần gũi, đáng kính đến vô cùng…

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 9: Đi dưới bóng hoàng lan Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 9: Đi dưới bóng hoàng lan

TTO - Quê xưa của Tự Lực văn đoàn có năm con đường chính được đặt tên, duy chỉ có một con đường mang tên văn nhân là đường Thạch Lam. Người khởi xướng đặt tên kể lại với bao nhiêu điều thú vị.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên