26/07/2014 21:09 GMT+7

Chuyện chưa kể của Hồng Nhung

TUẤN KHANH
TUẤN KHANH

TT - Một buổi sáng tình cờ nghe lại tiếng hát của Hồng Nhung trong quán nhỏ. Lời hát của Trịnh Công Sơn “em đi đâu mà vội, nắng vàng ơi...” kéo theo nhiều ký ức lạ lùng. 

Ca sĩ Hồng Nhung - Ảnh: Đoàn Minh Tuấn

Băng qua thời gian, tiếng hát của Hồng Nhung là bánh xe lăn dài, kéo người nghe quay về những ký ức diệu vợi. Tiếng hát của một cô gái đến từ Hà Nội, ở tuổi đôi mươi và dựng nên một kỳ tích sân khấu, mà trải qua rất nhiều năm, những người yêu âm nhạc bất chợt nhận ra rằng không phải thế hệ nghệ sĩ nào cũng có được. Những gì của từng thập niên mà Hồng Nhung dựng nên trong hành trình nghệ thuật của mình cho thấy cô vẫn đang miệt mài và mỗi lúc lại chắc chắn hơn, sâu sắc hơn trong điềm tĩnh.

Trong thế giới nhạc Trịnh

Nhiều năm trước, khi được hỏi về Hồng Nhung, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn im lặng ít lâu, rồi nói thận trọng: “Dynamic. Đó là một giọng ca dynamic (tạm dịch: năng động)”. Với Trịnh Công Sơn, chữ nghĩa không là điều khó với ông, nhưng để diễn tả một cô gái trẻ và giọng hát đầy năng lượng, biểu đạt một phong cách khác mới mẻ trên nền âm nhạc tưởng chừng như bất di của ông thì quả không dễ. Nếu hiểu đúng ý của ông, có lẽ đó là sự miêu tả về một dòng năng lượng trong tiếng hát, chuyển động và trẻ trung. Và riêng với ông, đó là cánh cửa hé mở đầy những bất ngờ.

Hồng Nhung xuất hiện như vậy đó, giữa Sài Gòn, thách thức những lối thưởng thức đã định hình và chấp nhận những phản bác để tạo ra một không gian mới trong nhạc Trịnh. Và nhiều năm sau. Khi ngồi lắng nghe lại, chẳng hạn như cùng một Đóa hoa vô thường của Khánh Ly (năm 1973) cho đến Hồng Nhung (năm 2004) là cả một sự khác biệt thú vị. Những người quen lối thong thả với Khánh Ly ắt sẽ khó chịu với bản ghi âm nhiều nhịp điệu của Hồng Nhung, nhưng rõ ràng đó là một cánh cửa khác, đi vào một thế giới khác. Và trải qua hơn một thập niên, Hồng Nhung đã đứng vững và có một lớp khán giả nhìn nhận, yêu mến mình từ những sự cách tân trình bày đó.

Thời gian cũng đủ để trả lời. Có hai giọng hát trong cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã mở ra hai thế giới, mở ra hai cánh cửa âm nhạc rung động xuyên qua thế kỷ, đáng để ghi vào trong đời ông: đó là Khánh Ly và Hồng Nhung. Kho tàng âm nhạc của nhạc sĩ họ Trịnh đã có rất nhiều người đến, thử đắm mình trong đó, nhưng cuối cùng thì ấn tượng dài lâu có lẽ vẫn là hai cái tên Khánh Ly và Hồng Nhung.

Trong trái tim khán giả, sau năm 1975 ít người chấp nhận việc có một giọng hát mới ngoài Khánh Ly, với nhạc Trịnh Công Sơn. Và Hồng Nhung bước vào cuộc thử thách này không chỉ với khán giả, mà với cả người đi trước trong nghề nghiệp. Hồng Nhung kể rằng lần đầu tiên cô trực tiếp nói chuyện với ca sĩ Khánh Ly là vào năm cô 23 tuổi. “Lúc đó tôi đang ở nhà anh Sơn, và chị gọi điện về từ Mỹ để trò chuyện với anh, và anh giới thiệu tôi với chị. Anh gọi chị thân mật là Mai. “Mai có biết Hồng Nhung không?”. Anh Sơn đưa điện thoại cho tôi. Tôi chẳng nói được gì nhiều ngoài mấy lời thăm hỏi chị, vì quá xúc động, lần đầu được nghe giọng nói của người ca sĩ với tôi là huyền thoại âm nhạc của Việt Nam” - Hồng Nhung kể lại một cách chân thành.

Có lẽ khoảng cách tuổi tác và độ vững chãi trong nghề nghiệp đối với ca sĩ Khánh Ly đã khiến Hồng Nhung im lặng nỗ lực vượt bậc để tạo nên một phong cách âm nhạc riêng của mình, trong thế giới Trịnh Công Sơn. Giờ đây ngồi nghe lại Hồng Nhung, ngẫm lại những gì trong quá khứ cô đã trình bày: có những thứ đôi khi còn thiếu một chút để thật sự là một người đàn bà hát tình ca, có những thứ dư một chút để điềm tĩnh với một nghệ sĩ, hát chỉ cần linh hồn mà không cần ngôn ngữ. Nhưng tất cả những thứ đó rõ là đã được chắt lọc, đã được trải nghiệm để có một Hồng Nhung của ngày hôm nay. Một Hồng Nhung đã chín muồi trong cảm nhận và sâu hơn trong diễn đạt - dĩ nhiên, đó là một hành trình có đủ buồn vui, chạnh lòng hay ngại ngùng.

“Tôi không sinh ra với chiếc thìa bạc”

Năm 1996, có lần trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thoáng nghĩ vài giây khi nghe tôi hỏi rằng cho tới giờ phút này, ông thấy ai là người hát những bài hát của mình thành công nhất, làm ông hài lòng nhất. “Vẫn là Khánh Ly, đó là giọng ca khi từ đầu gặp nhau cô đã am hiểu một cách tường tận những gì mình viết” - Trịnh Công Sơn nói.

Bài báo sau đó được viết và đưa thẳng vào nhà in. Ngay sau khi báo ra, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tìm đến, giọng bối rối. “Mình thấy Nhung đọc bài báo mặt có vẻ buồn. Mình cũng sơ suất quá khi không nhắc gì đến Nhung cả” - ông nói.

Chẳng còn cách nào khác, báo đã ra. “Chúng ta nói về câu chuyện của những gì đã có, còn Nhung là câu chuyện của hôm nay và ngày mai. Rồi sẽ đến lúc Nhung là đề tài chính của câu chuyện mới” - tôi an ủi ông. Tuy vậy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng xao xuyến một lúc lâu. Mặt ông như một đứa trẻ ân hận, bất ngờ khi thấy mình đã làm mất lòng một ai trong ngõ nhà.

Nhưng thử nghĩ lại mà xem, cũng đáng buồn khi mọi nỗ lực của mình không được nhắc đến. Trịnh Công Sơn đã rất tâm lý và nhạy cảm để thấy được điều này. Với một cô gái trẻ, đang làm tất cả để chứng minh mình, đang cần những bàn tay nâng đỡ vào những lúc đầy thách thức và khó khăn nhất, hoàn toàn không lạ nếu như cô hụt hẫng như vậy. Đặc biệt, ngay lúc ấy, không ít những lời đồn đoán ác miệng rằng Hồng Nhung có thể không thích Khánh Ly vì cái bóng của người nghệ sĩ ấy quá lớn, nhất là trong hành trình mới của Trịnh Công Sơn, dường như đang chỉ cần một ca sĩ và một nhạc sĩ.

Hồng Nhung chẳng bao giờ tìm cách thanh minh về những điều đó. Như lời tâm sự của mình, Nhung nói: “Tôi không được “sinh ra cùng với cái thìa bạc”, tôi học cách sống tự lập từ nhỏ”. Mỗi lúc như vậy, Hồng Nhung lại lớn lên, lại vững hơn. Bản năng nghệ sĩ trong con người Nhung giúp cô hấp thu mọi chướng ngại trên cuộc đời, khiến cô sâu sắc hơn trong từng con chữ hát ra về sau. “Tôi không trở thành người khác mà chỉ trưởng thành dần cùng kinh nghiệm sống” - Hồng Nhung nói.

Hành trình đến vô cùng

Khi hỏi về những bài hát của mình đang trình diễn gần đây, Hồng Nhung cho biết trong năm bài hát mà cô trình bày chỉ có hai bài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, còn lại là những bài khác. Cuộc sống vẫn trôi và Hồng Nhung như đang mở ra một ngả khác cho đời mình, đa dạng hơn và rộng hơn. “Tôi ở giai đoạn của người phụ nữ sống cho gia đình và các con nhỏ. Với sự nghiệp, tôi tiếp tục học hỏi và hi vọng cho ra được những sản phẩm âm nhạc mà mình tâm huyết. Trong năm nay, tôi cùng Thanh Bùi sẽ ra single mà chúng tôi đang dành nhiều thời gian xây dựng” - Hồng Nhung kể.

Bản năng nghệ sĩ với hành trình vô tận của mình đang thúc đẩy Hồng Nhung làm mới mình, làm những điều khác, có thể là chấp nhận những thách thức mới, cô đơn hơn nhưng bản lĩnh hơn so với lúc cô ở tuổi đôi mươi.

Hồng Nhung trả lời không do dự khi được hỏi rằng giả như cô không gặp Trịnh Công Sơn thì Hồng Nhung ngày đầu sẽ ra sao. Liệu có khi nào cô đã lẫn lộn việc chọn lựa âm nhạc Trịnh Công Sơn giữa một cứu cánh của sự nghiệp và tình yêu không? “Tôi chỉ biết mình rất yêu âm nhạc và quyết sống với nó, nên không còn sức hay thời gian để nghĩ xem đó là cứu cánh hay là tình yêu, và dù sao nơi đó cũng đem lại nhiều niềm vui cũng như nỗi buồn” - Nhung nói.

Chỉ có những trái tim đầy nghệ sĩ mới liều lĩnh lao vào định mệnh mà không cần suy xét vì sự đam mê của mình. Hồng Nhung cũng vậy. Một trái tim âm nhạc đầy “dynamic” - như cách nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - vẫn không thôi tìm mở những cánh cửa mới cho hành trình về vô cùng của mình, bất chấp đó là hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại. Trải qua rất nhiều năm tháng, ngay khi sân khấu buồn tẻ, những kẻ bất tài chiếm trọn chương trình, cũng là lúc để khán giả lắng mình nhìn lại, rồi chợt nhận ra những nghệ sĩ đích thực. Đi ngược chiều với sự ồn ào cố ý, với những tiểu xảo thay khả năng, những người nghệ sĩ đó vẫn thầm lặng làm công việc của mình, ý thức rõ cuộc đời là gì hơn là đeo đuổi ít phút giây của hư ảo.

“Tôi yêu âm nhạc và may mắn có thể sống được bằng việc ca hát, và vì thế được gọi là một ca sĩ chuyên nghiệp. Cuộc sống của tôi gắn liền với sự nghiệp ca hát” - cô ca sĩ nhỏ bé ngơ ngác ngày nào, nay chỉ đơn giản nói vậy, chỉ vậy thôi.

Những lần lưu diễn sang Mỹ, sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, là dịp để Hồng Nhung gặp mặt ca sĩ Khánh Ly. Hai con người - một dòng nhạc. Họ nhìn nhau và cảm nhận được rất nhiều thứ, nhất là khi chỗ dựa lớn trong tinh thần của họ là người nhạc sĩ đã không còn.

Vào lúc đó, Nhung kể rằng trước khi ra hát, “chị còn ân cần cho tôi những lời khuyên về cách chọn bài hát của anh Sơn ra trình diễn sao cho hiệu quả”. Nhung nói cô thú vị khi phát hiện thói quen mỗi ngày của chị Khánh Ly là đọc sách, tương tự như Nhung vậy. Mọi thứ rút ra được trong cuộc đời con chữ và suy ngẫm. “Cuộc sống vốn giản dị. Tôi nghĩ âm nhạc cũng vậy thôi. Điều may mắn của tôi là được gặp gỡ những con người, mà theo từ của anh Sơn là “vô thường”, mà chị Khánh Ly là một trong số họ” - Nhung kể lại.

Con bống nhỏ lạc giữa hồ Tây

Bống - Hồng Nhung không may mắn như một đứa trẻ bình thường hạnh phúc. Bố mẹ ly hôn sớm, khi Bống mới sinh ra không lâu. Con bé bé bằng cái chai, chuồi vào cuộc đời rợn ngợp mênh mông như con cá bống nhỏ bơi lạc giữa hồ Tây, khóc ngằn ngặt vì thiếu sữa mẹ. Cha Bống, dịch giả tiếng Anh Lê Văn Viện, đã nuôi con theo cách dân gian là nuôi bộ (không có sữa mẹ) và được bà nội Bống tận tình... giải cứu con trai đang lâm tình huống nhọc nhằn. 

Bống còn được ông nội - họa sĩ Lê Văn Ngoạn, thuộc lứa tài năng của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - rất yêu chiều cưu mang, với tình yêu con đầu cháu sớm (Bống là cháu gái đầu, con của con trai duy nhất của ông nội). Bạn bè cha Bống ai cũng sẵn lòng thương quý con Bống nhỏ nhoi, thiếu hơi ấm mẹ từ lọt lòng, nên ai cũng coi Bống như con cháu trong nhà...

Bống kể có lần thu thanh ca khúc về mẹ của Trịnh Công Sơn, cả nhạc sĩ và ca sĩ đều không cầm nổi nước mắt khi Bống nghẹn ngào hát: Trong khi con nằm mẹ bỏ con đi, mẹ bỏ con đi... Dù mẹ bỏ con mỗi người mỗi cảnh, mỗi cây mỗi hoa. Và ở Hà Nội, Bống lần đầu hát tiếng Anh bài Papa, cả cha Bống và bạn hữu đều rơi lệ...

Tính cách riêng của Bống hình thành ngay trong khung cảnh Hà Nội thời bấy giờ, pha trộn, giao thoa giữa thời chiến và thời bình những năm 1970-1980. Ở số nhà 11 Điện Biên Phủ, Q.Ba Đình những ngày ấy đã thật êm đềm, trong vòng vây yêu thương của ông bà nội, của cha và cả bạn bè thân hữu của cha, đã tạo tác nơi Bống - Hồng Nhung một tính cách độc lập, biết giấu thật kín nỗi đau riêng, đầy âm tính, dưới bề ngoài thật mạnh mẽ, hài hước, lịch lãm, nghiêng về dương tính. Những lý do số phận riêng tư ấy đã đưa đẩy Bống theo cha vào Sài Gòn lập nghiệp từ tuổi 20, đủ xui khiến Bống - Hồng Nhung gặp gỡ định mệnh với Trịnh Công Sơn, hạnh ngộ huy hoàng với âm nhạc của ông, vừa đủ để đong đầy một cuộc cách mạng hát Trịnh Công Sơn sau Khánh Ly, với cách hát khác và những giọt nước mắt khác. (Thơ Olga Bergholz - Nga: Em khóc khác xưa rồi/Hát cũng khác xưa theo).

Tất nhiên với tính cách của một ca sĩ rất chuyên nghiệp, Bống đã hát rất hay những ca khúc của các nhạc sĩ khác, như Văn Cao, Hoàng Hiệp, Hồng Đăng, Dương Thụ, Phú Quang... Hồng Nhung đủ tinh khôn và tinh tế để hiểu rằng những ca khúc hay của các nhạc sĩ bậc thầy ấy phải được xử lý một cách hay nhất là phải hát thật rõ tình và rõ lời, bằng một chất giọng Hà Nội thật sang trọng, hào hoa và phong nhã. 

...Vào TP.HCM, tôi gọi điện hẹn xuống chơi với vợ chồng Bống - Kevin (theo thú nhận của Bống, “đấy là một “chàng chồng” người Mỹ rất dễ thương của cháu”) cùng hai bé sinh đôi Tôm, Tép gần 3 tuổi, đủ cả nếp cả tẻ. Rộn ràng kể chuyện con gái con trai, Bống cười khanh khách giòn tan, bảo tôi: “Cháu chẳng thể bỏ con đi đâu lâu, ra Hà Nội hát, rét mướt cũng tha con theo cô ạ”. 

Mừng Bống đang ngọt ngào hạnh phúc với chồng con trong “khu vườn yên tĩnh” đầy hoa lá cỏ cây ở Thảo Điền, Q.2, ngay cạnh Trường ĐH Văn hóa nơi tôi dạy học hồi còn định cư ở TP.HCM. Khi đó, tôi từng là người nhà của Bống...

NGUYỄN THỊ MINH THÁI

TUẤN KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên