17/08/2024 11:47 GMT+7

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 5: Thủy thủ ghe bầu trên dòng Trường Giang một thuở

Trường Giang, con sông dài hơn 60km chạy dọc theo bờ biển ở Quảng Nam. Ở hai đầu bắc và nam, sông đều thông với biển, không có thượng nguồn và chẳng có hạ lưu.

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 5: Thủy thủ ghe bầu trên dòng Trường Giang một thuở - Ảnh 1.

Mô hình ghe bầu được trưng bày tại bảo tàng Đà Nẵng - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Vượt sóng đại dương

Một thuở, dòng Trường Giang là con đường huyết mạch cho ghe bầu giao thương từ vùng An Hòa ra phố cổ Hội An và cũng là bến tập kết của nhiều ghe bầu cỡ lớn để dân buôn vượt sóng đại dương ra Bắc vào Nam.

Và nơi đây cũng sản sinh ra những thủy thủ lái ghe bầu lênh đênh trên biển.

Ghe bầu trở lái về đông

Con gái theo chồng bỏ mẹ ai nuôi

Câu ca dao ấy một thời ngân nga ở vùng cư dân ven biển xứ Quảng. Ghe bầu là loại ghe đi biển bằng buồm, chủ yếu vận chuyển hàng hóa.

Đây là loại ghe mà mũi và lái đều nhọn, bụng bầu, độ ngấn nước sâu, lại có buồm hình tứ giác hay cánh dơi nên thuyền có khả năng ra khơi xa đi dài ngày. Ghe bầu là biểu tượng sinh động một thời phồn thịnh của đô thị thương cảng cổ xưa.

Làng Phường Củi (thôn Trà Đóa 1, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) nép mình bên dòng Trường Giang xanh ngắt. Nơi đây thuở xưa sản sinh nhiều thủy thủ lái ghe bầu tung hoành ngang dọc đại dương.

Chúng tôi tìm về ngôi nhà gần bến Phường Củi của ông Đỗ Thơ (59 tuổi) và được biết ông cố, ông nội và đến cha của ông đều là những thủy thủ lái ghe bầu điêu luyện một thuở.

Thời Pháp thuộc, cụ Đỗ Tấn (cha ông Thơ, sinh năm 1914, đã mất cách đây bốn năm) là một chủ ghe bầu kiêm luôn thuyền trưởng. "Cha tôi kể hồi đó chiếc ghe ổng dài cỡ hai chục mét bằng gỗ, có nhiều cánh buồm. Mỗi chuyến ra khơi vào Nam đi buôn cũng phải mất nửa tháng đến một tháng, có hơn chục thủy thủ chèo ghe", ông Thơ dẫn chuyện.

Thời đó, cha ông cùng thuyền viên lái ghe bầu từ bến ở vịnh Chợ Được (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) men theo sông Trường Giang ra cửa biển Cửa Đại (Hội An) rồi vượt biển vào Nam, nhất là Sài Gòn.

Lúc đấy chủ yếu đi buôn các loại như bình, hũ gốm sứ, dây thừng dừa, vải vóc. "Cha tôi kể thời đó chưa có phương tiện thông tin như giờ, dân đi biển chỉ nhìn sao trời, đoán sao theo kinh nghiệm dân gian để biết tiết trời trên biển mà thôi", ông Thơ nói.

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Tấn Trí (68 tuổi, dân làng Phường Củi), cha là ông Nguyễn Tấn Bị (sinh năm 1926, đã mất) là một thủy thủ lái ghe bầu. Khác với ông Tấn, ông Bị chỉ là thuyền viên làm công trên ghe bầu, được chủ trả công sau mỗi chuyến buôn.

"Thời cha tôi làm thủy thủ ghe bầu chừng những năm 1945, hồi đó ông chỉ đi loại ghe nhỏ dài khoảng chừng 10m, trên ghe có gắn buồm.

Loại ghe bầu này chỉ có bốn, năm thuyền viên, một người phụ trách nấu ăn, số còn lại là thủy thủ chèo ghe vượt biển. Lúc đó chèo ghe chỉ dựa vào sức người, không có phương tiện, máy móc như giờ.

Và phải là thanh niên trai tráng có sức khỏe tốt mới chèo nổi, bươn chải qua những con sóng dữ", ông Trí nhớ lời kể của cha mình thời đó ghe bầu tập kết bến Phường Củi, rồi men theo dòng sông Trường Giang ra cửa biển Cửa Đại vào Chu Lai (Núi Thành) để mua hũ, chum bằng gốm, sứ, dây thừng bằng xơ dừa rồi về bán lại cho dân biển ở quê kiếm lời.

"Hũ, chum này bán để dân biển muối cá làm mắm, còn dây thừng cho ngư dân làm dụng cụ đánh cá. Hồi đó mỗi chuyến đi mất cũng khoảng vài ngày, ổng làm công cho chủ buôn thời đó cũng đủ nuôi ba đứa con", ông Trí kể.

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 5: Thủy thủ ghe bầu trên dòng Trường Giang một thuở - Ảnh 2.

Sông Trường Giang - Ảnh: LÊ TRUNG

Vịnh Chợ Được, bến Phường Củi, giếng Lách

Ông Đỗ Đức Thuận, trưởng thôn Trà Đóa 1, cho biết những năm 1960 - 1965 là thời kỳ thịnh của nghề lái ghe bầu, trên bến dưới thuyền. Dòng Trường Giang là nơi tập trung nhiều thủy thủ lái ghe bầu đi khắp nơi giao thương.

Ông Thuận cho hay theo lời kể của những bậc cao niên trong làng, lúc đó ghe bầu trước khi ra biển lớn thường rẽ vào bến Phường Củi (gần với vịnh Chợ Được) đậu ghe, rồi lấy nước ngọt ở giếng Lách trữ trên ghe cho chuyến vượt biển dài ngày.

"Lúc đó ghe ra vào tấp nập ở bến Phường Củi, giống như thương cảng sầm uất. Có những chiếc ghe bầu cỡ lớn đi buôn tháng này qua tháng nọ mới trở về", ông Thuận kể.

Còn ông Thơ kể sau vài chục năm lái ghe bầu, đến chừng năm 1975, lúc này cha ông đã ở cái tuổi lục tuần thì ông nghỉ hẳn nghề. Rồi những năm sau đó, ông sắm một chiếc ghe nhỏ, tải trọng khoảng 3-4 tấn để đi buôn.

Lúc đó ông Thơ đang tuổi thanh thiếu niên theo cha rong ruổi chèo ghe từ bến Phường Củi, đi men theo sông Trường Giang vào huyện Núi Thành mua vật liệu xây dựng, rồi chở đi các huyện, có khi ra Hội An, Đà Nẵng bán.

"Hai cha con lênh đênh sông nước kiếm kế sinh nhai nhiều năm thì đến 1985 tôi đi bộ đội, ông già cũng bán luôn ghe", ông Thơ nhớ lại.

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 5: Thủy thủ ghe bầu trên dòng Trường Giang một thuở - Ảnh 3.

Làng Phường Củi nép mình bên dòng Trường Giang, nơi đây có những thủy thủ đi ghe bầu một thuở Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Riêng ông Thuận còn kể thêm rằng từ bến Phường Củi, thuở xưa người dân chèo ghe vượt sông Trường Giang rồi ngược sông Thu Bồn, lên thượng nguồn đến những nơi như Dùi Chiêng, Khánh Bình, Hòn Kẽm Đá Dừng (huyện Nông Sơn) để mua các loại hàng hóa như lá thị (để nhuộm lưới đánh cá), mây, tre, dầu rái... về xứ biển bán.

Nghề lái ghe bầu năm xưa ăn nên làm ra, mỗi chủ ghe sau những lần buôn đều kiếm nhiều tiền. Ông Thơ kể lúc cha ông đi buôn, gia đình giàu lắm. Nhưng đồng tiền kiếm được thì không ít mồ hôi, nước mắt và có người phải bỏ mạng bởi sự dữ dằn của thiên tai biển khơi.

Đã có không ít người phải bỏ mạng trên biển cùng chiếc ghe bầu bởi sóng quăng, bão quật, dông lốc thời chưa có phương tiện dự báo thời tiết trên biển. Và cũng đã có người thân của ông Thơ bỏ mạng giữa biển khơi bởi tai nạn chìm ghe bầu.

Bến Phường Củi một thuở sầm uất, giờ đây vắng hoe, thi thoảng chỉ còn vài chiếc ghe nhỏ của dân đánh cá. Địa danh Phường Củi hay vịnh Chợ Được, giếng Lách chỉ còn trong ký ức dân làng sôi động một thuở của dòng Trường Giang.

Sông Trường Giang nối hạ lưu hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn ở phía bắc với hạ lưu hệ thống sông Tam Kỳ - An Tân ở phía nam.

Con sông này nối hai hệ thống sông chính nên thông thương tất cả các dòng nước của xứ này với nhau. Do vị trí cầu nối quan trọng như vậy, hàng chục thế kỷ qua, Trường Giang giữ vai trò huyết mạch giao thông của xứ Quảng.

Trong quá khứ, khi giao thông đường bộ chưa phát triển, trên sông này ghe bầu chạy từ An Hòa ra Bàn Thạch, Hội An. Thuyền buôn chở mắm, cá, củi dương liễu, chum mái, muối, các vật liệu nghề biển, gạch ngói Thanh Hà trao đổi khắp các làng quê, phố thị, trung du, đồng bằng, cánh bắc, cánh nam của tỉnh.

Tháng 4-2024, tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án tổng kinh phí hơn 2.700 tỉ đồng, kế hoạch đến năm 2027 sẽ nạo vét xong hơn 60km sông Trường Giang, hai bên bờ sông những đoạn nguy cơ sạt lở được xây kè, kết hợp neo đậu tàu cá tránh trú bão, làm kênh thoát lũ gần 2,4km từ hồ sông Đầm ra sông Trường Giang.

Sau nạo vét, tuyến sông đạt chuẩn cấp IV đường thủy nội địa, tàu trọng tải đến 100 tấn có thể lưu thông. Cùng với nạo vét lòng sông thì sẽ xây dựng sáu cây cầu mới.

**************

Sông Thu Bồn từ thượng nguồn chảy về Gò Nổi, Điện Bàn thì chia hai nhánh bao bọc xã Điện Quang, xã Điện Trung và một phần xã Điện Thọ. Chính giữa sông là bãi bồi Long Hội, người dân ví như ốc đảo được phù sa sông mẹ bồi đắp cây cối tốt tươi.

>> Kỳ tới: Đảo xanh giữa dòng sông xanh

Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 5: Thủy thủ ghe bầu trên dòng Trường Giang một thuở - Ảnh 5.Chuyện bên những dòng sông xứ Quảng - Kỳ 4: Theo chân ngư phủ săn cá hanh trắng sông Thu Bồn

Cá hanh trắng sông Thu Bồn toàn thân trắng phau, vẩy màu sáng bạc ánh lên giữa làn nước trong xanh được nói là loài cá hanh đẹp nhất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên