09/08/2019 10:56 GMT+7

Chúng tôi vẫn kể nỗi đau bom nguyên tử

MATSUMOTO SOUICHIRO - D.KIM THOA (chuyển ngữ)
MATSUMOTO SOUICHIRO - D.KIM THOA (chuyển ngữ)

TTO - Tôi tên là Matsumoto Souichiro. Tôi đang sống tại thành phố Kitakyushu, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản. Nhân dịp kỷ niệm 74 năm sự kiện hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị ném bom nguyên tử, tôi muốn chia sẻ một vài ý nghĩ của mình.

Chúng tôi vẫn kể nỗi đau bom nguyên tử - Ảnh 1.

Người dân cầu nguyện cho những nạn nhân đã chết trước đài tưởng niệm tại Công viên tưởng niệm hòa bình tại Hiroshima, phía tây Nhật Bản ngày 6-8 - Ảnh: REUTERS

Khi sự kiện này xảy ra, tôi vẫn chưa ra đời. Nhưng như nhiều người Nhật khác, tôi được học về nó trong các giờ học lịch sử và xã hội, cũng như được nghe rất nhiều câu chuyện về nó. Tôi cũng đã tới thăm Bảo tàng bom nguyên tử Hiroshima khi còn là học sinh trung học cơ sở. 

Tôi đã rất kinh hoàng khi chứng kiến những tổn thất mà bom nguyên tử đã gây ra với thành phố và người dân ở Hiroshima. Và tôi tin là trong thực tế còn khủng khiếp hơn nhiều. 

Chứng tích và ký ức về sự kiện này quá đau buồn, nhưng nó cần phải luôn luôn được lưu giữ lại trong tâm trí người dân Nhật Bản để nhắc nhở chúng ta về sự tàn khốc của chiến tranh và tầm quan trọng của hòa bình.

Tôi sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc và được sống một cuộc đời không bị đe dọa bởi những hiểm họa chiến tranh. Tôi cũng học được điều đó từ các giờ học lịch sử. Nhưng tôi vẫn thấy chuyện đó đang xảy ra ở những nước khác. 

Ngay cả khi chỉ nhìn thấy chiến tranh qua các phương tiện truyền thông đại chúng từ rất xa, tôi vẫn cảm thấy một phần nỗi sợ chiến tranh. Và trái tim tôi đau đớn khi nhìn vào ánh mắt của những đứa trẻ vẫn đang phải sống trong chiến tranh.

Chúng xứng đáng được sống một cuộc đời tốt đẹp hơn trong an toàn, nhưng đã không thể. Tôi vẫn luôn tự hỏi vì sao người lớn lại cứ phải gây ra chiến tranh. Để có nhiều tiền hơn ư? Để kiếm được nhiều lợi nhuận hơn ư? Nhưng tiền và lợi nhuận ấy để làm gì? Để cho con cái họ ư? Vậy thì với con cái của những người khác thì sao? Và họ sẽ dạy con họ như thế nào về lòng nhân ái và đạo đức? 

Bản thân tôi sẽ không bao giờ ủng hộ một thứ chiến tranh như vậy. Mọi người đều có quyền "được sống" và tôi nghĩ không ai có quyền tước đoạt cuộc sống của người khác theo cách đó.

Tuy nhiên, tôi nghĩ ý nghĩa của chính phủ là bảo vệ các lợi ích quốc gia. Bởi thế, chừng nào còn tồn tại chính phủ và biên giới, chừng đó sẽ còn "chiến tranh" giữa các nước. Trên thực tế, ngày nay Nhật Bản cũng đang tham gia vào một dạng thức chiến tranh khác - đó là cuộc chiến kinh tế và phát triển. Chúng tôi đang cạnh tranh với các nước khác như Trung Quốc và Hàn Quốc về kinh tế, công nghệ và nhiều lĩnh vực khác.

Nhưng với tôi, đây là kiểu cạnh tranh tích cực vì tạo động lực để chúng tôi cố gắng hơn, học tập và làm việc nhiều hơn. Kiểu cạnh tranh này có thể giúp thế giới phát triển hơn trong khi con người vẫn có thể là bạn của nhau, và sẽ không ai bị đe dọa sự sống cả.

Trở lại với sự kiện ở Hiroshima và Nagasaki, thật buồn khi phải nhắc lại nhưng tôi thực sự tin rằng những người Nhật chúng tôi cần phải kể lại chuyện sử dụng bom nguyên tử trong chiến tranh khủng khiếp như thế nào vì chúng tôi là quốc gia duy nhất đã bị bom nguyên tử hủy hoại trên thế giới. Vậy nên tôi sẽ lưu giữ nó trong ký ức và sẽ kể về thảm kịch chiến tranh này cho những thế hệ sau.

Nhật kỷ niệm 74 năm thảm kịch bom nguyên tử

Những ngày này, như thông lệ, tại Nhật Bản diễn ra nhiều sự kiện tưởng niệm thảm họa hạt nhân xảy ra từ 74 năm trước lần lượt tại hai thành phố Hiroshima (6-8) và Nagasaki (9-8).

Trong ngày 6-8, Thủ tướng Nhật Bản đã chủ trì hoạt động kỷ niệm tại Công viên tưởng niệm hòa bình ở Hiroshima. Người dân đã dành phút mặc niệm, thắp nến và đặt hoa để tưởng nhớ tới các nạn nhân từng thiệt mạng trong ngày 6-8-1945, khi Hiroshima trở thành "nạn nhân" đầu tiên trên thế giới của bom nguyên tử.

Cũng nhân dịp này, thị trưởng thành phố Hiroshima, ông Kazumi Matsui, đã hối thúc chính quyền của Thủ tướng Abe Shinzo ký phê chuẩn Hiệp ước Liên Hiệp Quốc về việc cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (TPNW). Hiệp ước này đã được thông qua vào tháng 7-2017 với sự ủng hộ của 122 quốc gia, nhưng Mỹ, Nhật và một số quốc gia có sở hữu vũ khí hạt nhân khác từ chối phê chuẩn. Theo Hãng tin Kyodo, Thủ tướng Abe Shinzo đã từ chối chấp nhận yêu cầu này, nói hiệp ước đó không phản ánh đúng thực tế an ninh.

Thị trưởng Hiroshima cũng kêu gọi các lãnh đạo thế giới hãy tới thành phố này để trực tiếp chứng kiến khu tưởng niệm.

Cũng trong ngày 6-8, hơn 30.000 người hâm mộ bóng chày đã tham dự một trận đấu đặc biệt nhằm tưởng niệm sự kiện 74 năm ngày Hiroshima bị ném bom nguyên tử và cùng tôn vinh khát vọng hòa bình. Sự kiện được tổ chức tại sân vận động Mazda Zoom-Zoom ở phường Minami của thành phố Hiroshima.

ĐỖ DƯƠNG

​Nagasaki tưởng niệm 70 năm thảm họa bom nguyên tử ​Nagasaki tưởng niệm 70 năm thảm họa bom nguyên tử

TTO - Ngày 9-8, chính quyền thành phố Nagasaki tổ chức lễ tưởng niệm cho hàng chục nghìn nạn nhân thiệt mạng tại thành phố này trong vụ ném bom thảm khốc 70 năm trước.

MATSUMOTO SOUICHIRO - D.KIM THOA (chuyển ngữ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên