05/06/2023 05:40 GMT+7

Chúng tôi cần gói hỗ trợ để giữ lao động

Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực và tạo việc làm cho hơn 2,5 triệu lao động, đang đối diện khó khăn rất lớn. Nhiều ngành cũng đang đòi hỏi cần phải có những chính sách hỗ trợ để giữ lao động, sớm phục hồi.

Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực và là ngành tạo công ăn việc làm cho hơn 2,5 triệu lao động nhưng đang đối diện với khó khăn rất lớn - Ảnh: Q.Đ.

Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực và là ngành tạo công ăn việc làm cho hơn 2,5 triệu lao động nhưng đang đối diện với khó khăn rất lớn - Ảnh: Q.Đ.

Nhiều gói hỗ trợ như thời điểm diễn ra đại dịch COVID-19 cần tính toán thực hiện lại. Đó là ý kiến của ông TRẦN NHƯ TÙNG (phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chủ tịch HĐQT Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công).

Có thể nghiên cứu đến gói tương tự gói của Ngân hàng Chính sách xã hội thời COVID-19, tức là cho vay trong một khoảng thời gian nhất định với lãi suất 0% để trả lương.

Lo doanh nghiệp "bán mình"

Vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp ngành dệt may đó là thiếu đơn hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu. Đây là khó khăn chung của thị trường quốc tế khi sức tiêu thụ giảm. Cái khó đơn hàng kéo theo hệ lụy là các doanh nghiệp cũng chật vật trong việc giữ lao động, có những doanh nghiệp đã phải "bán mình", rao bán tài sản và nhà máy.

Tham gia các nhóm của ngành dệt may, tôi thấy các doanh nghiệp đã rao bán tài sản rồi. Doanh nghiệp lớn có thể cầm cự được, doanh nghiệp với quy mô 500 - 1.000 lao động thì rất khó cầm cự nếu không có đơn hàng. 

Thực sự không có đơn hàng thì tiền đâu mà trả lương cho 500 lao động. Do đó, doanh nghiệp buộc phải phá sản, bán nhà máy và không giữ được lao động. Có thể doanh nghiệp FDI hoặc doanh nghiệp nội sẽ mua lại các nhà máy, tài sản này, song các doanh nghiệp nước ngoài tiềm lực mạnh hơn bởi doanh nghiệp nội thì giờ ai cũng gặp khó khăn cả.

Cần gói hỗ trợ thực chất, sát sườn

Trước những khó khăn, vấn đề bây giờ doanh nghiệp cần là có những chính sách hỗ trợ một cách sát sườn, thực chất để giúp doanh nghiệp trụ lại, tránh hệ lụy khi họ phải tuyên bố phá sản.

Thứ nhất, cần có các giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp giảm chi phí. Cụ thể, cần giúp doanh nghiệp chi trả lương cho người lao động, giữ lao động đối với ngành dệt may với gói cho vay lãi suất ưu đãi hơn với mức lãi hiện nay.

Nếu chúng ta có tiềm lực, có thể nghiên cứu đến gói tương tự gói của Ngân hàng Chính sách xã hội thời COVID-19, tức là cho vay trong một khoảng thời gian nhất định với lãi suất 0% để trả lương. 

Theo tôi, đây là chính sách rất thiết thực, nếu ra được chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp rất lớn, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí tài chính, vẫn duy trì lương cho lao động, giữ nhân công, giảm áp lực lên an sinh xã hội. Thực tế thời COVID-19 chúng ta đã thấy rõ hiệu quả rồi, doanh nghiệp nhẹ gánh đi rất nhiều.

Bên cạnh đó, cần có chính sách tác động lớn về giảm thuế, bên cạnh VAT, cần mạnh mẽ hơn trong giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc giảm tiền thuê đất. 

Doanh nghiệp dệt may thường thuê đất với diện tích lớn, tiền thuê nhiều. Nếu giảm được trong bối cảnh hiện nay sẽ giúp doanh nghiệp dệt may nói riêng, giới doanh nghiệp nói chung giảm rất nhiều áp lực tài chính, khi thị trường hồi phục thì lại quay về như cũ.

Nếu để doanh nghiệp phá sản, hệ lụy xã hội rất lớn, ngân hàng thêm nợ xấu, rủi ro cho nền kinh tế, lao động thất nghiệp, gánh nặng lên an sinh xã hội... Do đó, cái mấu chốt vẫn là chính sách phải đi vào thực tế để cứu những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Cần giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội

Gắn bó và làm việc tại doanh nghiệp hơn 20 năm nay, chúng tôi chưa bao giờ thấy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn như lúc này. Một số công trình đã đấu thầu cũng buộc phải hủy vì không có tài chính, chủ đầu tư khó khăn.

Một số công trình đã thi công, bàn giao nhưng chủ đầu tư không còn tiền trả, khiến doanh nghiệp cũng hết sức điêu đứng bởi chúng tôi đã đi vay ngân hàng để thi công.

Để giải quyết lương, trả nợ và lãi vay ngân hàng, hầu như tài sản là máy móc, thiết bị và cả giấy tờ về nhà đất... đều đã phải cầm cố, thế chấp cho ngân hàng, thậm chí là cầm cố và thế chấp cho các tổ chức, cá nhân bên ngoài.

Hiện nay việc triển khai một số chính sách hỗ trợ còn quá chậm khiến doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa". Cần quyết liệt hơn nữa trong hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Ngoài việc giảm thuế, phí, kéo giảm lãi vay, cần xem xét, triển khai giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp như đề xuất, kiến nghị của tám hiệp hội, ngành hàng gửi Thủ tướng Chính phủ vừa qua. Đây cũng là cách "khoan sức doanh nghiệp".

Nghị quyết 116/NQ-CP năm 2021 cũng từng cho người sử dụng lao động được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng.

Vì vậy, nay cũng cần nhanh chóng triển khai gói đề xuất hỗ trợ 31.600 tỉ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động từ ba quỹ là quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp như Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đề xuất.

Cần cho tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong sáu tháng đối với người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Cũng nên hỗ trợ một lần bằng tiền cho người lao động từ kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp với mức 1,7 triệu đồng/người đối với đối tượng là người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tính đến ngày 31-5...

Nguyễn Đước (Công ty X, trực thuộc Tổng công ty Đ.S Việt Nam)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin "nóng" xử lý mua gom sổ, rút bảo hiểm xã hội một lầnBộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin 'nóng' xử lý mua gom sổ, rút bảo hiểm xã hội một lần

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay theo báo cáo của cơ quan bảo hiểm, giai đoạn 2016 - 2022 đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên