Sáng 31-3, tại Đường sách TP.HCM đã diễn ra buổi trò chuyện văn chương với các tác giả trẻ Yang Phan, Phát Dương, Trọng Khang, Đinh Khoa, Võ Đăng Khoa.
Các tác phẩm của họ thể hiện những mối quan tâm của giới trẻ đương đại như sự cô đơn, định nghĩa nhân tính, tương lai con người, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, biến đổi khí hậu…
AI là thứ con người tạo ra nhưng không có đời sống riêng
Các tác phẩm của Yang Phan, Phát Dương, Đinh Khoa đều mang màu sắc scifi, khi khắc họa thế giới tương lai, khi robot và trí tuệ nhân tạo đã đóng vị trí không thể thiếu trong cuộc sống con người.
Nhưng họ không đi sâu vào những tiến bộ kỹ thuật, mà thay vào đó đặt ra câu hỏi về nhân tính: Khi công nghệ phát triển đến mức “như con người” thì thế nào là con người?
Trong Biến thể của cô đơn do Yang Phan viết, ta chứng kiến câu chuyện về những con robot, chương trình giả lập mang theo ký ức của người thân đã mất.
Ta vẫn có thể “trò chuyện” với họ, thậm chí sống cùng nhà với “họ”, nhưng không thể thay thế cho thực tế rằng con người thực sự đã mãi mãi mất đi.
Theo Yang Phan, trí tuệ nhân tạo là thứ con người tạo ra nhưng nó không sống như con người.
Những thứ liên quan đến tư duy, sự tưởng tượng, nhận thức, cảm xúc thì trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Phát Dương với tác phẩm Hai người trong một ngăn tủ nghĩ đến một hành tinh nhân tạo, khi con người đã khiến Trái đất không còn là nơi để có thể dung thân. Tác phẩm của anh viết theo lối huyền ảo, giả tưởng, hậu tận thế.
"Tôi trăn trở khi công nghệ ngày càng phát triển thì chúng ta dễ có xu hướng sao chép lẫn nhau và mất đi bản sắc của riêng mình" - Phát Dương chia sẻ.
Còn tác phẩm Dị bản của Đinh Khoa lại đặt ra câu hỏi rằng sự kết nối giữa người và người có giá trị như thế nào trong đời sống hiện nay.
Trong Dị bản, Đinh Khoa đã khắc họa sự tổn thương của cả một gia đình. Một thành viên trong gia đình mất đi và các thành viên còn lại có một cách khác nhau để đối diện với nỗi đau mất người thân.
Con người không đứng ngoài vấn đề môi trường
Tác giả Huỳnh Trọng Khang cho rằng môi trường là vấn đề muôn thuở. Trong tác phẩm của các tác giả trẻ không thể thiếu đi dáng hình của thiên nhiên.
Anh nói: "Con người không thể đứng ngoài vấn đề môi trường. Khi chúng ta đang nói chuyện ở đây thì băng vẫn tiếp tục tan và con người đang sống trong những thay đổi đó".
Tác phẩm mới của Huỳnh Trọng Khang là Nơi không có tuyết, lấy cảm hứng từ Hoàng tử bé, một tác phẩm đã để lại ảnh hưởng to lớn với hàng triệu người trên thế giới.
Câu chuyện kể về một bông tuyết đã lưu lạc trên cát và khao khát trở về bầu trời của nó, nhưng cuối cùng nó đã lựa chọn để tan đi.
Tác giả Võ Đăng Khoa vừa ra mắt tác phẩm đầu tay năm 2023, có tên Lạc đà bay.
Cuốn sách này cũng nói về một thế giới trôi dạt, mà ở đó con người cũng đang xâm chiếm môi trường tự nhiên. Đó còn là những lát cắt trong cuộc sống đương đại, qua sự quan sát của tác giả.
Những con người bình thường ta đi ngang qua, cuộc đời của họ như thế nào? Tiếng nói của họ ai sẽ lắng nghe? Làm sao ta kết nối với con người nếu thiếu đi lòng cảm thông?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận