Alice Kelley Gallasch, vợ Boerries, đã trở thành bạn với ông Bùi Văn Tùng - Ảnh: NVCC
Chúng tôi dừng lại Hà Nội hai đêm. Ngoài lúc làm việc, chúng tôi có nhiều thời gian dạo phố và đi tham quan. Thật tuyệt vời!
Đến Việt Nam
Rồi chúng tôi bay vào thành phố Hồ Chí Minh, nghỉ tại khách sạn Caravelle. Hôm sau, tôi cùng với đồng nghiệp ZDF của tôi gồm Gunnar và trưởng văn phòng Eberhard Piltz đến dinh Độc Lập. Hôm đó có một hội chợ được mọc lên phía trước dinh với các quầy hàng và bong bóng.
Sau bữa tối, chúng tôi lên sân thượng huyền thoại của khách sạn, nơi các nhà báo tường thuật về chiến tranh Việt Nam tụ tập vào cuối ngày. Chúng tôi ngồi ở cuối một chiếc bàn dài, nơi các nhà báo Đức từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam để tường thuật chuyến thăm của Clinton. Uwe và tôi đang nói chuyện ở một góc bàn, còn Gunnar ngồi đối diện bỗng ngắt lời tôi và nói: "Alice, nghe cậu kia đang nói kìa". Anh chỉ vào một nhà báo Đức ngồi góc cuối.
Người phóng viên đó đang mô tả bức ảnh anh và vợ anh đã nhìn thấy trong chuyến thăm bảo tàng chiến tranh hôm nay. Bức ảnh ở ngay trung tâm cuộc triển lãm. Bức ảnh về ông Dương Văn Minh tuyên bố sự đầu hàng của miền Nam Việt Nam. Tôi biết Boerries có mặt trong bức ảnh đó. Và tôi bắt đầu khóc.
Máy bay báo chí của Nhà Trắng rời khỏi Việt Nam tối hôm đó cho nên tôi không tự đến bảo tàng xem được. Tôi quyết định trở lại Việt Nam để nhìn thấy tận mắt bức ảnh. Trở về Washington, tôi liên hệ với đại lý du lịch Bắc Virginia Doug Reese - người mà tôi nói chuyện trước chuyến đi Việt Nam vừa qua để có chút kinh nghiệm tổng quát về Việt Nam. Anh đã từng chiến đấu trong quân đội Mỹ trước đây và vẫn giữ quan hệ với các bạn Việt Nam những năm qua.Tôi kể với Doug về bức ảnh và mong muốn được tận mắt nhìn thấy nó. Thế là cuối cùng tôi đã tham dự chuyến đi do Doug tổ chức vào tháng 5 và 6-2001.
Nhà báo Boerries luôn dấn thân vào những điểm nóng - Ảnh: Alice Kelley Gallasch cung cấp
Tình bạn từ sự kết nối sự thật lịch sử
Qua những người bạn Việt Nam, Doug đã tìm ra chỗ ở của chính ủy Tùng và sắp xếp cho tôi kịp gặp trước khi về lại Mỹ. Lúc đó, ông Tùng và vợ sống với con trai - Bùi Nam Hải. Tôi bước vào và gặp Hải, rồi cậu mời cha cậu ra gặp tôi thật là thân thiết. Rất may là Bùi Nam Hải nói được một ít tiếng Anh nên giúp chúng tôi trò chuyện.
Tôi mang cuốn sách có tên của Boerries và chỉ cho chính ủy Bùi Văn Tùng tên của ông có trong đó. Chúng tôi cười vui vẻ và kể một chút về gia đình. Tôi cảm thấy chính ủy Tùng thật đáng kính trọng và tốt bụng, đã hãnh diện được phục vụ cho sự tốt đẹp của đất nước và có một gia đình yêu thương. Về phần mình, tôi rất hạnh phúc vì xác định được tầm quan trọng bản tường thuật của Borries 25 năm sau khi sự kiện trọng đại xảy ra và 20 năm sau ngày anh qua đời.
Cuộc gặp gỡ của chúng tôi vừa kỳ diệu mà cũng thật giản dị bởi những thiện chí to lớn ở cả hai phía. Đó là cơ hội để vinh danh và kết nối lại với quá khứ. Lúc đấy, tôi không thể đoán được cuộc gặp gỡ này chỉ mới bắt đầu cho tình bạn lâu dài và đầy ý nghĩa.
Tạm biệt cha con chính ủy Bùi Văn Tùng, cô hướng dẫn viên dẫn tôi đến bảo tàng - nơi tôi tận mắt nhìn thấy bức hình của ông Dương Văn Minh đang tuyên bố đầu hàng. Ngồi kế bên ông là Boerries, người chồng của tôi.
4 năm sau, vào tháng 6-2005, tôi nhận được một bức thư từ người bạn học cũ của Bùi Nam Hải và biết được Hải đang rất cần những chứng cứ về ngày 30-4-1975 tại dinh Độc Lập và đài phát thanh mà tôi có thể tìm được trong giấy tờ Boerries để lại.
Việc đầu tiên là tôi đã dịch sang tiếng Anh bài viết tiếng Đức của Boerries về trưa 30-4-1975 và in ra tất cả các bức hình có Bùi Văn Tùng cùng những bức hình tôi nghĩ là quan trọng. Kèm theo là bản copy cuốn sách Sự sụp đổ của Sài Gòn cũng như cuốn băng video của Đài Truyền hình Thụy Điển phỏng vấn Boerries trước dinh Độc Lập sau ngày đầu hàng. Tôi gói tất cả lại gửi về TP.HCM cho Hải. Nó mất hàng tháng trước khi gói hàng đến. Hải gọi hỏi tôi thường xuyên. Cuối cùng thì sau 5 tháng, tôi nhận được cú điện thoại của Hải xác nhận gói đồ đã đến...
Năm 2006, Bùi Nam Hải hỏi tôi về việc xin phép được xuất bản quyển sách của Boerries ở Việt Nam. Tôi hỏi ý kiến nhà xuất bản, rồi làm giấy tờ chuyển quyền cho Hải và gửi về Việt Nam. Tôi nhớ lại rất rõ lần ấy mình đang ngồi với đồng nghiệp tại bàn biên tập ở Detroit (Michigan) để tường thuật lại cuộc trình diễn xe hơi hằng năm thì nhận email của Hải: "Ông Boeries Gallasch là nhân chứng vô cùng quan trọng trong sự thật 30-4-1975 ở Việt Nam". Tôi đã vui mừng khôn xiết và cười lớn.
Trong thư, Hải kể: "Hôm qua kênh truyền hình Việt Nam phát sóng một bộ phim tài liệu về ngày 30-4-1975, trong đó có sử dụng những tư liệu mà cô gửi cho ba con, trong phim có cả đoạn Boerries Gallasch được Đài Truyền hình Thụy Điển phỏng vấn nữa. Thật tuyệt vời, mọi người rất thích thú, ngay cả những nhà làm sử Việt Nam mới nhìn thấy lần đầu tiên. Gia đình cháu rất hạnh phúc". Và cậu ấy nói thêm: "Ba con rất vui vì nó giữ danh dự quân nhân cho ba. Ba con chuyển lời cảm ơn cô rất nhiều".
Cuối tháng giêng 2007, tôi nhận được email của Hoa - chị của Hải, đang sống ở Ukraine. Hoa viết: "Cháu đã có cơ hội được biết cô qua ba và em trai cháu. Cháu rất hạnh phúc đã có cô và chú Boerries trong đời sống của gia đình mình, trong lịch sử Việt Nam để chúng cháu biết được và học được lịch sử từ sự thật". Và Hoa viết tiếp: "Cháu tin chắc rằng số phận đã đưa Boerries Gallasch đến gặp Bùi Văn Tùng thì cũng sẽ đưa hai gia đình chúng ta trở thành bạn bè mãi mãi...".
Tôi cũng tin như vậy.
Tháng 4-2010, tôi trở lại Việt Nam. Tôi có niềm vui lớn được có thời gian với chính ủy Bùi Văn Tùng và gia đình ông. Bao điều kỳ diệu đã xảy ra...
Boerries giúp sự thật thêm rõ ràng
Sách chứng nhân lịch sử của Boerries - Ảnh: Alice Kelley Gallasch cung cấp
Thế là lần đầu tiên tôi hiểu được tầm quan trọng tại sao họ rất cần những tư liệu của Boerries, chồng của tôi. Con cái của chính ủy Bùi Văn Tùng muốn những tư liệu, video, hình ảnh và bài viết của Boerries có thể sẽ xác nhận việc làm của cha họ. Bây giờ tất cả đã rõ ràng. Tôi đã vui mừng được giúp họ. Nhưng quan trọng hơn cho tôi, tôi hạnh phúc vì vai trò làm nhân chứng của Boerries ngày trước đã được công nhận ở ngày hôm nay và không bị quên lãng. Nếu những gì anh viết ra giúp cho việc gìn giữ sự thật được chính xác thì anh chắc sẽ vui lòng lắm.
Mong ngọn lửa chiến tranh được dập tắt
Hans Hielscher, đồng nghiệp Boerries, đã kể: "Vào tháng 4-1975, Boerries viết một cuộc chiến tranh sắp kết thúc. Không cần phải là người cộng sản để mong muốn ngọn lửa chiến tranh đang cháy trên đất nước Việt Nam được dập tắt đi. Khi điều này xảy ra, tôi đã gặp Boerries ở Bangkok để thảo luận cho việc anh ấy rời Sài Gòn đến nơi an toàn hơn. Đó thực là gợi ý nực cười, khi anh quyết tâm chứng kiến sự kết thúc của cuộc chiến tranh đã đưa cả một thế hệ nhà báo trẻ thế giới đến Đông Nam Á. Khuyên anh nên rời khỏi cuộc chiến cho dù nó nguy hiểm đến thế nào thì đều là không tưởng.
Vì vậy, anh vẫn ở lại để trải nghiệm sự sụp đổ chế độ cũ của Sài Gòn. Chính bản năng làm báo đã đưa anh đến dinh Độc Lập ngày 30-4-1975, rồi đến Đài phát thanh Sài Gòn để trở thành người nước ngoài duy nhất chứng kiến ông Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng được ghi lại trên máy ghi âm của Der Spiegel do chính Boerries cung cấp".
_____________________________________
* Alice Kelley Gallasch là vợ của nhà báo Boerries đã kể cho Bùi Quỳnh Hoa - con gái ông Bùi Văn Tùng, dịch lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận