Đường D5 giao với đường D2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Xung quanh chuyện đặt tên đường theo tên danh nhân hay theo số? - một bạn đọc đã gửi bình luận của mình đến Tuổi Trẻ Online góp ý như vậy.
Và đây cũng là đề tài được rất nhiều bạn đọc quan tâm, đưa ra nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua.
Ủng hộ
Như đã thông tin, nhằm tìm ra giải pháp phù hợp với việc áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, ứng dụng sau này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở Văn hóa - thể thao nghiên cứu thêm việc đặt tên đường theo số.
Không chỉ Hà Nội, đây là xu hướng khó cưỡng cho tất cả đô thị VN khi mà kho tên đường theo kiểu đặt tên danh nhân đã cạn, tên đã đặt thì trùng lắp gây khó khăn cho việc tìm kiếm, giao tiếp của người dân và quá khó cho công tác quản lý hành chính.
Ủng hộ cách làm này, bạn đọc Tích Thiện đề nghị: "Đặt theo số là dễ biết nhất, người đi đường dễ nhận biết địa điểm cần đến".
Tương tự, bạn đọc Nguyễn Hữu Thành viết: "Tôi rất đồng tình việc đổi tên đường sang số với lý do đơn giản dễ tìm địa chỉ, khỏi phải hỏi thăm người khác. Chưa nói đến người nước ngoài, nếu như người quận này sang quận khác tìm nhà nhìn số đường sẽ chạy chậm lại, nếu lố sẽ quay đầu lại...
Theo bạn đọc này, hiện nay khi tìm địa chỉ của ai đó, nếu không có điện thoại sẽ khó khăn. Trong khi đó, ở nước láng giềng Campuchia có số đường và tên đường đầy đủ, rất thoải mái trong việc tìm đường.
Còn bạn đọc Đăng Công - HN đề nghị: "Nên đặt tên theo số, hoặc số gắn liền địa danh. Những danh nhân thực sự rất đáng trân trọng, nhưng đừng nhầm việc đưa tên vào là để trân trọng và nhớ lịch sử".
Góp thêm một phiếu ủng hộ, bạn đọc Mai Hữu Phước bổ sung: "Đặt tên đường theo số các nước làm đã lâu. Rất tiện đi lại và tìm kiếm. Nay ta mới... chậm chạp bắt đầu"!
Phản đối
Cùng với cách suy nghĩ đặt tên đường sao cho thuận tiện, dễ nhớ, dễ tìm, bạn đọc Phúc Vinh chỉ ra những mặt trái của việc đặt tên đường theo số, khi viết: "Mình ghét nhất đặt tên theo số, không thể nhớ được vị trí của nó như tên có ý nghĩa. Đặc biệt, ai đi quận 8 hay Bình Chánh sẽ thấy số được đặt rất lộn xộn. Ví dụ như đường 10, 12 rồi đến 16 mà không thấy 14 đâu, hoặc số đường quẹo trái một đằng quẹo phải một nẻo".
Ủng hộ quan điểm này, bạn đọc Trần Hồng Giang viết: "Theo tôi, không nên đặt theo số, vì khi có nhiều con đường mang tên số thì sẽ rất khó nhớ, khó xác định vị trí".
Theo bạn đọc Trần Hồng Giang, nếu không thể lấy tên danh nhân đặt tên đường thì nên tìm những cái tên khác để đặt. Ví dụ như Sài Gòn đã có các đường mang tên các loài hoa là Hoa Cúc, Hoa Cau, Hoa Sữa, Vườn Lài... Còn Hà Nội cũng mới có các con phố như Vườn Cam, Kẻ Tạnh, Lạc Nghiệp... Những cái tên nghe rất giản dị, dễ nhớ, dễ thương.
Góp thêm một góc nhìn, bạn đọc Võ Phong viết: "Theo tôi, vẫn giữ nguyên tên những con đường đã mang tính lịch sử, mang tên các vị danh nhân để nhắc nhớ lịch sử cho thế hệ trẻ. Chỉ nên đổi những tên đường trùng lắp giữa các quận. Không thể để tồn tại 2, 3 con đường cùng TP mang tên giống nhau".
Cực đoan hơn, một bạn đọc viết: "Nếu chỉ có đặt tên đường theo số thì chẳng khác gì nhà tù. Nước mình danh nhân nhiều hơn đường, do đó nên đặt tên danh nhân cho tên đường. Chừng nào có đường nhiều hơn danh nhân thì đặt tên đường theo số".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận