Giữa lúc thị trường chứng khoán "đỏ lửa", nhiều cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí lại tăng trần khi vừa mở phiên 14-2 - Ảnh: BÔNG MAI
Ngay khi mở đầu phiên giao dịch hôm nay, thị trường chứng kiến hàng trăm mã chứng khoán bị nhà đầu tư xả hàng, bán ra khiến giá giảm sâu. Riêng chỉ số VN-Index có lúc giảm hơn 18 điểm, sau đó tiếp tục dùng dằng trong sắc đỏ.
Áp lực bán đè lên hàng loạt cổ phiếu "vua" thuộc nhóm ngân hàng như VCB (Vietcombank), BID (BIDV), TCB (Techcombank), CTG (VietinBank)...
Song song đó, nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn thuộc nhóm bất động sản cũng bị nhà đầu tư dồn dập bán ra như VHM (Vinhomes), BCM (Becamex), NVL (Novaland)...
Đáng chú ý, ngược dòng thị trường, niềm vui đến với nhiều nhà đầu tư đang nắm các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành dầu khí.
Trong khi mã GAS (PetroVietnam Gas), Petrolimex (PLX)... được đón sóng tăng mạnh, thì các cổ phiếu cùng ngành như ASP (Tập đoàn Dầu khí An Pha), CNG (CNG Việt Nam), TDG (Đầu tư TDG Global), PSH (Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu)... được nhà đầu tư đổ xô rót tiền mua vào, đẩy giá tăng kịch trần.
Cổ phiếu thuộc ngành dầu khí tăng mạnh trong phiên 14-2
Xét chỉ số tăng trưởng cổ phiếu theo ngành, hiện tại năng lượng là nhóm tăng mạnh nhất, tiếp đến là nhóm dịch vụ tiện ích. Trong khi đó, tất cả các nhóm còn lại gồm tài chính, bất động sản, chăm sóc sức khỏe, công nghiệp, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng, hàng tiêu dùng thiết yếu và nguyên vật liệu đều chịu chung cảnh chỉ số âm.
Một thông tin liên quan đến cổ phiếu dầu khí, theo đội ngũ phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, căng thẳng giữa Nga và NATO đang thúc đẩy giá dầu tăng cao.
Đồng thời, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) vẫn chưa tìm ra giải pháp tăng sản lượng dầu, trong khi đó Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất có thể bơm thêm dầu khi họ vẫn còn công suất dự phòng. Tuy nhiên, căng thẳng tại khu vực Đông Âu được xem là động lực tăng trưởng chính của giá dầu trong thời gian gần đây.
Biến động tăng của giá dầu cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu dầu khí được nhà đầu tư mua vào với kỳ vọng tăng giá.
Về diễn biến chung của thị trường chứng khoán, đội ngũ phân tích của Yuanta cho rằng thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn, nên kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể chưa xuyên thủng vùng hỗ trợ 1.485 - 1.494 điểm.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường vẫn còn phụ thuộc vào sự kiện về cuộc họp bất thường của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) diễn ra vào ngày 14-2.
Cả xu hướng ngắn và trung hạn của thị trường chung đều được Yuanta Việt Nam nhận định đang duy trì ở mức trung tính.
Phía Chứng khoán BIDV cũng cho rằng biến động tiêu cực của thế giới trước tình hình lạm phát gia tăng và hợp đồng tương lai tháng 2 đáo hạn cũng khiến cho diễn biến thị trường khó lường.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng dao động tích lũy quanh mốc 1.500 điểm với biên độ khoảng 10 điểm.
Đơn vị này cũng cho biết trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời tại các ngưỡng kháng cự của từng cổ phiếu riêng lẻ và tạm thời ngừng giải ngân mới để quan sát thêm diễn biến trên thị trường trong một vài phiên tới.
Sau khi bị giảm hơn 18 điểm, dòng tiền đổ vào mua cổ phiếu rớt giá giúp chỉ số VN-Index hồi phục dần nhưng vẫn dùng dằng trong sắc đỏ. Tạm khép lại phiên giao dịch sáng 14-2, VN-Index giảm 12,39 điểm (-0,83%) xuống 1.489,32 điểm. Rổ VN30 gặp áp lực nặng hơn khi giảm tới 18,19 điểm (-1,18%) xuống 1.527,73 điểm.
Trong khi đó ở sàn HNX và sàn UPCoM cũng bị giảm lần lượt 2,42 điểm (-0,57%) xuống 424,47 điểm và 0,8 điểm (-0,71%) xuống 111,74 điểm.
Tổng thanh khoản toàn thị trường tạm neo ở mốc hơn 17.140 tỉ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng hơn 65 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận