Ảnh minh họa. Nguồn: elevationfloat.com.au
Chứng đau cơ xơ hóa là một căn bệnh được miêu tả với triệu chứng là xuất hiện những cơn đau lan rộng cùng sự đau nhức trong cơ thể, thường đi kèm với mệt mỏi, rối loạn nhận thức và phiền muộn.
Chứng đau cơ xơ hóa ảnh hưởng đến khoảng 2-5% dân số, chủ yếu là phụ nữ, mặc dù đàn ông và trẻ vị thành niên cũng có thể mắc chứng bệnh này. Bệnh thường phát triển vào tuổi trung niên.
Triệu chứng của chứng đau cơ xơ hóa
Các triệu chứng của đau cơ xơ hóa rất đa dạng từ nhẹ đến nặng. Những triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
- Tăng sự nhạy cảm với cảm giác đau vì ngưỡng đau đã giảm;
- Tăng phản ứng với các kích thích cảm giác như nóng, lạnh, ánh sáng, tê bì hay ngứa râm ran;
- Rất mệt mỏi;
- Gặp vấn đề trong nhận thức (bao gồm ảnh hưởng đến trí nhớ và sự tập trung);
- Vấn đề đối với giấc ngủ.
Điều quan trọng cần nhớ là với mỗi người, chứng đau cơ xơ hóa sẽ có những nhóm triệu chứng khác nhau.
Triệu chứng của đau cơ xơ hóa rất đa dạng. Chúng có thể ở mức nhẹ, trung bình hoặc nặng. Các triệu chứng có thể biến mất sau một khoảng gian dài hay có thể là sau nhiều năm.
Một số người mắc bệnh có những triệu chứng khác như hội chứng ruột kích thích, bàng quang hoạt động quá mức hoặc bàng quang bị kích thích, đau đầu, sưng và tê hoặc ngứa râm ran ở cẳng tay hoặc chân. Việc sống chung với đau đớn và mệt mỏi kéo dài thường dẫn đến các vấn đề thứ cấp như lo âu và trầm cảm.
Nguyên nhân của chứng đau cơ xơ hóa
Nguyên nhân của chứng đau cơ xơ hóa chưa được biết rõ. Thường gặp ở những người:
- Bị lupus hoặc viêm khớp dạng thấp;
- Mắc các bệnh như nhiễm vi rút (hoặc vừa bị ốm hay bị nhiễm trùng);
- Đau do tổn thương hoặc chấn thương;
- Căng thẳng tâm lý hoặc trầm cảm;
- Tiền sử gia đình;
- Tiền sử mắc các hội chứng đau;
- Rối loạn tâm lý, cảm xúc;
- Lạm dụng chất gây nghiện.
Không có cách chữa trị cho đau cơ xơ hóa nhưng các phương pháp điều trị có thể cải thiện những triệu chứng.
Những kích thích gây ra các triệu chứng của đau cơ xơ hóa
Triệu chứng của đau cơ xơ hóa có thể được kích hoạt hoặc bị làm cho tồi tệ hơn bởi rất nhiều yếu tố, bao gồm:
- Thay đổi thời tiết;
- Lao động nặng nhọc;
- Căng thẳng trí óc;
- Nhiễm trùng;
- Dị ứng;
- Hoạt động gắng sức;
- Các rối loạn về cơ xương khác, như viêm khớp dạng thấp hoặc viêm xương khớp.
Chẩn đoán chứng đau cơ xơ hóa
Chứng đau cơ xơ hóa có thể rất khó để chẩn đoán vì nó không gây viêm hay tổn thương. Không có xét nghiệm nào để chẩn đoán xác định chứng đau cơ xơ hóa nhưng một số xét nghiệm có thể được sử dụng để loại trừ các bệnh khác.
Những dấu hiệu cơ thể gợi ý việc chẩn đoán đau cơ xơ hóa gồm:
- Đau lan rộng trong ba tháng hoặc lâu hơn;
- Căng tức bất thường ở các điểm cụ thể quanh cổ, vai, ngực, hông, đầu gối và khuỷu tay;
- Những dấu hiệu gây ảnh hưởng đến giấc ngủ;
- Cần những chẩn đoán và đánh giá đa phương thức.
Điều trị chứng đau cơ xơ hóa
Không có cách chữa trị cho chứng bệnh này. Việc kiểm soát hiệu quả triệu chứng được bắt đầu bằng một chẩn đoán chính xác. Một chương trình kiểm soát cần được thiết kế phù hợp với nhu cầu mỗi người.
Nhìn chung, kiểm soát chứng đau cơ xơ hóa sẽ bao gồm sự kết hợp của:
- Giáo dục: Những người mắc bệnh cần hiểu về nó để quyết định cách kiểm soát có thể hỗ trợ cho họ.
- Thuốc: kết hợp cùng các phương pháp khác, thuốc có thể dùng để kiểm soát cơn đau, giảm căng thẳng hay củng cố giấc ngủ.
- Tập thể dục: Một chương trình tập thể dục đều đặn nhẹ nhàng như đi bộ, thái cực quyền hoặc các bài tập dưới nước, có thể giúp kiểm soát các triệu chứng như đau nhức, mệt mỏi hoặc rối loạn giấc ngủ.
- Kiểm soát căng thẳng và thư giãn: Căng thẳng có thể làm nặng thêm các triệu chứng.
- Cân bằng giữa nghỉ ngơi và hoạt động: Lên kế hoạch các hoạt động để tận dụng tối đa năng lượng của bạn bằng cách xen kẽ giữa thời gian hoạt động và nghỉ ngơi. Chia các công việc lớn thành nhiều việc nhỏ mà bạn có thể hoàn thành để không phải làm việc gắng sức.
- Xoa bóp: Việc này có thể giúp cho cơ được thư giãn và kiểm soát căng thẳng.
- Một chế độ sinh hoạt hợp lý có thể giúp bạn cải thiện mức năng lượng của bạn, giúp bạn duy trì cân nặng và cảm thấy khỏe mạnh hơn.
- Tư vấn của bác sĩ chuyên khoa xương khớp.
- Sự hỗ trợ từ những người khác./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận