10/04/2018 22:28 GMT+7

‘Chung cư tôi ở, xe Lexus bị bao xương vứt xuống vỡ cửa sổ’

M.D tổng hợp
M.D tổng hợp

TTO - “Ngày trước tôi ở chung cư X. Xe hơi đậu bên dưới móp mui là bình thường! Có ông mua chiếc Lexus mới cóng đậu dưới, sáng lấy xe thì nguyên một bao xương nhậu vứt xuống vỡ cửa sổ trời”…

‘Chung cư tôi ở, xe Lexus bị bao xương vứt xuống vỡ cửa sổ’ - Ảnh 1.

Rác ở một chung cư - Ảnh: TTO


Đó là bức xúc của bạn Hãy Sống Có Ý Thức khi nói về hiện tượng ném rác ở chung cư. Người bạn này kể thêm: "Có ông taxi đang ngủ trưa chả hiểu chuyện gì mà nghe cái ấm nước văng tung tóe, móp mui...".

Ném rác từ tầng cao chung cư xuống bên dưới có lẽ không phải là chuyện xa lạ với nhiều cư dân chung cư. Hiện tượng này thường xuất hiện lúc vắng người, ban đêm với những tiếng động "lạ".Thậm chí có bạn ở Hà Nội đến giờ vẫn thảng thốt khi nhắc chuyện có người còn ném cả một chiếc ghế cũ xuống bên dưới trong đêm, "nổ như bom" khiến cả chung cư rúng động.

Một số chung cư có thiết kế hàng hiên, mái ngăn các tầng. Nếu mái ngăn là bêtông thì trên đó không hiếm những bịch rác. Còn nếu là tấm nhựa, mica, kính thì chuyện những tấm kính, mica, nhựa ấy thủng lỗ chỗ không phải là chuyện hiếm hoi…

Một số chung cư có vườn cây bên dưới thì ôi thôi, có vườn cây nào không có những bịch rác lặng lẽ, thậm chí hùng dũng thả bom trong đêm, ban trưa và… bất kỳ lúc nào?

Phổ biến là những bịch rác, chai nước, hộp cơm… không biết của tầng nào, phòng nào ném xuống nếu không "bắt tận tay, day tận mắt". Những bịch bom bẩn này được ném từ trên cao xuống bất kỳ lúc nào, như khách đi xe đò, xe máy tiện tay ném rác.

Bạn Thành Minh ngán ngẩm nhớ lại chuyện mình đang nói chia tay khá mùi mẫn với bạn gái ở sân tầng trệt thì "bộp" – bạn gái bị dính nguyên một bịch rác toàn ly trà sữa, có ly uống hết, có ly còn nửa. Không biết phải nói thế nào khi cả khuôn mặt cô bạn "nhìn không ra nữa: tèm lem hết".

"Sau lần đó, dứt khoát bạn gái tôi không chịu ghé chung cư tôi ở lần nào nữa. Ai ở chung cư lại chưa từng dính, suýt dính chuyện "bom bẩn" từ trên cao ném xuống này. Hên xui" - Thành Minh lắc đầu.

Không biết hên hay xui mà bạn Phương Quảng kể ngay câu chuyện mới nhất của mình chiều tối 10-8: "Chung cư mình chiều nay, vừa về tới nhà, phòng khách đầy tro vàng mã, từ đâu trên cao bay xuống, vì mình không đóng cửa sổ nên lãnh đủ. Vậy đó, chung cư Carina vừa cháy xong mà họ không có một chút ý thức nào cả. Ở dưới thì lãnh rác ở trên vứt xuống, họ cứ tưởng là vứt qua của sổ là xong, nhưng mà gió cuốn vào các nhà tầng dưới hết".

Đó là trên đầu, còn dưới chân thì thôi rồi, ai mà không trải nghiệm đủ loại rác ném lung tung trong các hành lang, cầu thang, lối thoát hiểm; từ bịch trà sữa, chai nước suối đến hộp xốp nhựa. Nói như bạn Tuan: "Một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam kém ý thức khi xả rác mà chỉ biết sạch cho riêng nhà mình". Cái riêng ấy, xét cho cùng, theo hai bạn Nam Le, Le Minh: "Và họ không biết rằng đống rác đó cũng làm ảnh hưởng đến môi trường sống của chính họ và gia đình, làm giảm giá trị bất động sản của họ".

Kêu gọi ý thức tự giác hay chế tài?

Theo bạn Ánh Dương, "cứ thử tưởng tượng những tệ nạn trong chung cư trên vì một lý do nào đó xảy ra ở các nước phát triển, điều gì sẽ xảy ra sau đó? Người ta có im lặng cam chịu không? Ban quản trị có đi nhắc nhở rồi bất lực không? Thế là ta đã có câu trả lời. Bài học rút ra là: Nếu muốn đất nước phát triển, không thể chỉ kêu gọi và chờ đợi ý thức tự giác suông!".

Nỗi bức xúc của nhiều cư dân chung cư về chuyện rác chung cư này là khá phổ biến. Đến mức bạn Nguyễn Thế Bình khá kiên quyết khi cho biết: "Tôi cũng ở chung cư hơn 5 năm. Chung cư nào cũng có chuyện người dân ý thức kém ảnh hưởng đến cộng đồng.Việc có biện pháp phạt người dân ở chung cư thiếu ý thức cộng đồng như : bỏ rác bậy, liệng rác từ trên cao,hay làm mất vệ sinh mỹ quan ...thì theo tôi nên có biện pháp phạt như,cúp nước điện 1 ngày và tăng dần.. hay phạt tiền tính vào phí quản ly chung cư hằng tháng. Không biết các biện pháp này có vi phạm gì không ? Chứ tình trạng làm bậy mà không có biện pháp răn đe thì cuộc sống người dân chung cư càng ngày càng tồi tệ thêm".

Cụ thể hơn, "Cứ phạt nặng bằng tiền là ý thức sẽ được xây dựng ngay. Ở chung cư mà không tuân theo nội quy thì nên ra ngoài mà ở!" (Kiên).

Còn các bạn, nhất là các bạn đã, đang ở chung cư, cách giải quyết "bom bẩn, mìn dơ" ở đây nên như thế nào?

* "Tôi có nhiều người trong gia đình, bạn bè anh em và bản thân cũng đang sinh sống ở chung cư. Tôi nhận thấy rằng: Nếu bỏ qua những sự bất cập về sự việc giữa chủ đầu tư với cư dân hay cách giải quyết của chính quyền địa phương với những sự việc liên quan đến công tác quản lý, vận hành nhà chung cư mà chỉ xét riêng về "Văn hóa chung cư" thì quả thực phải nói rằng còn rất nhiều người sinh sống tại chung cư có ý thức rất kém; không tuân thủ những quy định của chung cư. Trong khi những điều đó có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn đến sức khỏe, tính mạng của chính gia đình hay cá nhân người đó" (LÊ TUẤN ANH)

* "Cứ phạt nặng bằng tiền là ý thức sẽ được xây dựng ngay. Ở chung cư mà không tuân theo nội quy thì nên ra ngoài mà ở!" (KIÊN)

Diễn đàn Xây dựng văn hóa chung cư do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh chính thức mời bạn đọc gửi hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm.

Các ý kiến thiết thực sẽ được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày và TTO. Đặc biệt, ban tổ chức sẽ bình chọn và dành tặng 5 phần quà trị giá 5 triệu đồng/phần cho cá nhân, tập thể có ý kiến đặc sắc.

Ý kiến gửi về email: nguyentran@tuoitre.com.vn (từ nay đến hết ngày 22-4).

M.D tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên