Phóng to |
Các học sinh dự tọa đàm “Lắng nghe trẻ em nói” thăm Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân tại phòng làm việc của ông - Ảnh: Thuận Thắng |
Video clip "Lắng nghe tiếng nói trẻ em" - Nguồn: TVO |
Buổi gặp gỡ với chủ đề “Xuân 2011 - Lắng nghe tiếng nói trẻ em” diễn ra chiều 1-1 - quy tụ hơn 80 em học sinh từ tiểu học đến trung học, đại diện cho học sinh các trường học, mái ấm, nhà mở, trung tâm giáo dục trên địa bàn TP.
Bà Ngô Thị Minh - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội - cũng có mặt cùng với chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận ngồi lắng nghe. Vai trò điều khiển chương trình được giao cho hai học sinh đảm nhận.
“Em thấy hoang mang...”
“Em thấy nạn bạo lực học đường gần đây gây nhiều bức xúc, các bạn đánh nhau còn quay phim đưa lên mạng nữa. Em rất lo vì bây giờ tới trường chỉ cần một cái nhìn không vừa ý là các bạn có thể đánh nhau” - em Huỳnh Định Cần, học sinh lớp 8 Trường THCS Đồng Đen, huyện Bình Chánh, bắt đầu như vậy về nạn bạo lực học đường đang diễn ra quanh mình.
Tiếp lời bạn, em Nguyễn Phước Quý Tài, học sinh trường Trung học thực hành ĐHSP (Q.5)nhắc lại vụ học sinh đánh nhau xảy ra tại Trường THCS Mạch Kiếm Hùng (Q.5) cách đây không lâu và cho rằng phương án xử lý đuổi học như nhà trường đưa ra là không nên: “Làm như thế là đẩy các bạn ra đời và trở thành những tay anh chị, như thế là nguy hiểm hơn nữa. Theo em, nên có nhiều hơn các hoạt động tư vấn học đường để các bạn ý thức hơn”.
Nhiều bạn khác đồng tình và cho rằng cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc nạn bạo lực học đường nhưng phải giúp các bạn sống tốt hơn, thân thiện hơn.
Em Phạm Bích Uyên, Trường THCS Vân Đồn (Q.4), lo lắng: “Em coi tivi thấy có trường hợp em bé 5 tuổi bị bạo hành. Em cũng có đứa em 5 tuổi và khi xem những cảnh như thế em thấy hoang mang, không dám cho em của em đi học”.
Em Huỳnh Thúy Như, Trường thực hành sư phạm Phan Đình Phùng, kể: “Con thấy có một em bé ở gần nhà con, phải đi bán vé số suốt ngày mà về nhà còn bị ông kia đánh đập”. Như kiến nghị: “Con muốn các cô chú xây dựng nhiều nhà mở để nuôi các em bé lang thang, để các em bé đó được học hành và không bị người ta đánh đập”.
Phóng to |
Xây dựng sân chơi nhiều hơn
Rất nhiều trong số 45 ý kiến phát biểu tại buổi gặp gỡ là những lời than phiền của các em về tình trạng chương trình học nặng lý thuyết, nhẹ thực hành và không còn thời gian để vui chơi.
Em Trần Thị Trúc Quỳnh, Trường THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn), cho rằng chương trình học quá nặng. Quỳnh nói: “Chương trình học của chúng con lý thuyết rất nhiều, thực hành rất ít và đa số là học thuộc lòng nên chúng con luôn ở trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Chúng con không có thời gian để vui chơi hay nghỉ ngơi, sáng tạo. Con xin phép đặt câu hỏi với cô chú là học như vậy có tốt không?”.
Một học sinh đến từ quận 3 khiến cả hội trường bật cười khi kể: “Do chương trình học quá nặng nên tụi em nói đùa với nhau rằng chương trình giảm tải là giảm ở trên và tải xuống cho học sinh”!
Một số em than phiền phương pháp sư phạm của nhiều giáo viên không thân thiện, thậm chí tạo tâm lý căng thẳng cho các em. Một học sinh kể: “Có giáo viên vào lớp là cả lớp phải im phăng phắc, không khí rất nặng nề, trong lớp không có tiếng cười”. Em kiến nghị Sở Giáo dục - đào tạo nên đổi mới về cách dạy để em học thoải mái hơn. Một học sinh đến từ quận 6 kể rằng trường em có tình trạng giáo viên o ép học sinh, em nào không học thêm là bị gọi trả bài liên tục và bắt bẻ từng câu chữ.
Em Phan Thị Phương Anh, đến từ Cần Giờ, cho biết nhiều thầy cô ở huyện này phải dạy nhiều môn, nhiều khối lớp nên hiệu quả không cao. “Nguyên nhân theo em được biết là những thầy cô dạy giỏi đều bị lôi kéo về nội thành hết. Em kiến nghị các cô chú nên đưa giáo viên dạy giỏi về Cần Giờ cũng như các huyện ngoại thành nhiều hơn”, Phương Anh nói.
Các em đồng loạt kiến nghị TP xây dựng nhiều hơn các sân chơi và nếu có thể thì nên xây dựng các công viên dành riêng cho trẻ em, vì “trong công viên có nhiều tệ nạn xấu, có mấy anh chị làm gì đó kỳ lắm, tụi con rất ngại vô đó”.
Hãy làm nhiều việc vì trẻ em!
Ông Trần Khắc Huy, trưởng phòng công tác học sinh sinh viên Sở Giáo dục - đào tạo, nhìn nhận chương trình học của các em cũng còn nặng, nhưng vấn đề này vượt tầm giải quyết của TP.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết TP hiện có nhiều chính sách và hoạt động cụ thể để chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho trẻ em. Hiện có hơn 3.000 trẻ em lang thang và hơn 1.000 trẻ mồ côi được nuôi dưỡng, học tập tại 58 mái ấm, nhà mở và sáu trung tâm bảo trợ trẻ em của TP. Và mới nhất là HĐND TP đã có hẳn nghị quyết về xây dựng các khu vui chơi dành riêng cho trẻ em TP và chọn chủ đề năm 2011 là “Năm vì trẻ em”.
Nhận xét về buổi gặp gỡ, theo bà Ngô Thị Minh và bà Phạm Phương Thảo, các em có ý thức rất sâu sắc về những vấn đề diễn ra xung quanh mình.
Theo bà Phạm Phương Thảo, người lớn phải là tấm gương để trẻ em noi theo. “sẽ làm nhiều hơn nữa trong chăm lo sức khỏe, học hành, vui chơi, rèn luyện kỹ năng... tạo môi trường thuận lợi để các em phát triển và mai sau xây dựng TP”, bà Thảo nói.
Kết thúc buổi gặp gỡ, những đại diện của trẻ em TP đã gửi đến lãnh đạo TP thông điệp “Thế hệ trẻ xây dựng TP trẻ - Dám ước mơ, dám thực hiện”. Và thông điệp của người lớn, lãnh đạo TP dành cho trẻ em là “Hãy làm nhiều việc tốt vì trẻ em!”.
Con mơ TP hết ngập nước! Những em đến từ quận 6, quận 8 có chung ước mơ là TP không còn ngập nước “để chúng con đến trường an toàn hơn, vì bạn con đã có nhiều đứa bị té”. Về chuyện rác và môi trường, nhiều học sinh đề xuất đặt thêm thùng rác và mở lớp tập huấn cho người dân thói quen vứt rác đúng nơi quy định. Có em còn hiến kế rất hồn nhiêu rằng nên quy định mọi người chỉ đi bằng xe đạp để tránh khói bụi. Ý kiến này liền bị một em khác “bắt giò”: “Nếu như vậy đi bộ từ tỉnh này qua tỉnh kia thì đi chừng nào tới? Theo em, TP nên mỗi năm một ngày bắt buộc mọi người chỉ đi bằng xe đạp để bảo vệ môi trường”. Có em bạo dạn: “Chúng ta biết sử dụng nhiều máy điều hòa nhiệt độ là tốn điện và không tốt cho môi trường, em thấy ở UBND TP và ở hội trường này có quá nhiều máy lạnh, chúng ta có thể dùng quạt được không?”. Ví dụ quá thực tế này khiến hội trường và cả chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cùng cười. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận