07/11/2014 13:07 GMT+7

Sư tử nghê Việt hiền ơi là hiền

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Sáng 7-11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) khai mạc triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”.

Chương trình do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam kết hợp với Bảo tàng tỉnh Nam Định tổ chức.

Đôi nghê đá - Ảnh: V.V.Tuân

Triển lãm giới thiệu gần 60 linh vật Việt, chủ yếu là nghê và sư tử suốt chiều dài lịch sử dân tộc, từ thời Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn… bằng nhiều chất liệu, nhiều cách tạo hình và vị trí bài đặt trong đời sống tâm linh người Việt.

Để người xem có thêm hiểu biết về những linh vật của cha ông, bên cạnh những hình tượng nghê là nhiều bảng chú giải, giới thiệu đi kèm.

Trong phần chú giải “Nghê Việt: danh xưng và nhận dạng” có chỉ rõ cách phân loại nghê, như sư tử nghê thân thường mập và ngắn, xuất hiện nhiều trong mỹ thuật Lý, Trần, gắn bó mật thiết với Phật giáo.

Long nghê đầu rồng, miệng lớn, râu dài, ức có ngấn chạy xuống bụng, bắp chân có chớp lửa; kỳ lân nghê mình vẩy lưng có kỳ, có sừng, xuất hiện trong khu vực gian thờ, đứng chầu trong hương án; khuyển nghê mang đặc tính chó nhiều nhất, mình không có vảy, đầu không có sừng, thường đội bảng văn hay cối cửa, thành bậc.

Một đặc điểm nhận dạng của linh vật sư tử Việt, theo ban tổ chức là thường có chữ vương trên trán hay còn gọi là “sư tử vương”.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, ông Phan Văn Tiến, giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng: “Triển lãm sẽ góp phần giúp công chúng nhận diện, hiểu biết sâu sắc hơn những giá trị nhân văn, thẩm mỹ chứa đựng trong những di sản văn hóa qua hình tượng sư tử và nghê Việt của các thời kỳ lịch sử đất nước, đồng thời góp phần tôn vinh văn hóa truyền thống”.

Triển làm diễn ra đến hết ngày 17-11.

Sư tử đá, năm 1115, chùa Bà Tấm, Hà Nội - Ảnh: V.V.Tuân
Nghê bằng sành thế kỷ 19 - Ảnh: V.V.Tuân
Nghê chầu lư hương bằng gỗ thế kỷ 19 - Ảnh: V.V.Tuân
Cây đèn hình nghê bằng gốm, thế kỷ 17 ở chùa Cả, tỉnh Nam Định - Ảnh: V.V.Tuân
Sư tử bằng đá năm 1270 ở chùa Thông, tỉnh Thanh Hóa
Nghê bằng gỗ, thế kỷ 17, đình Lâu Thượng, tỉnh Phú Thọ
Nghê gỗ, thế kỷ 17 - 18, chùa Xối Thượng, tỉnh Nam Định 
Nghê gỗ, thế kỷ 19

Sư tử chầu ngọc bằng đá, thế kỷ 11, chùa Phật Tích, Bắc Ninh

Nghê chầu lư hương bằng gỗ, thế kỷ 17-18, chùa Hành Thiện, tỉnh Nam Định 
Nghê bằng gỗ, thế kỷ 18, đình Giá, Nam Định 
Hộ pháp bằng đá, cuối thế kỷ 16, chùa Nhân Trai, TP Hải Phòng
Nghê bằng gỗ, thế kỷ 17 - 18, đình Tiên Chưởng, Nam Định 
Chậu cảnh hình nghê bằng đất nung, thế kỷ 19
Sư tử cầm ngọc bằng đất nung, thế kỷ 18 - 19
Nghê bằng đồng, thế kỷ 17, thôn Hồng Tâm, tỉnh Nam Định
VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên