18/11/2017 21:34 GMT+7

Chuẩn bị đêm thức trắng phòng chống bão 14 giật cấp 12

TR.TÂN - M.VINH
TR.TÂN - M.VINH

TTO - Thông tin mới nhất, 7h sáng mai 19-11, tâm bão Kirogi vào ngay trên bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12.

Chuẩn bị đêm thức trắng phòng chống bão 14 giật cấp 12 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Thanh (ngoài cùng bên phải) - bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận kiểm tra tình hình sơ tán người dân tại khu nuôi hải sản lồng bè tại khu C1, C2 huyện Ninh Hải, Ninh Thuận

Tối 18-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có những chỉ đạo ban đầu tại Ninh Thuận - địa phương dự kiến bão 14 đổ bộ trực tiếp.

Sau khi thị sát tại một số cảng cá bà khu vực nuôi trồng thủy sản tại Cam Ranh (Khánh Hòa) và huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), Phó Thủ tướng nói, cơn bão 14 dự kiến sáng mai bão sẽ vào các tỉnh Nam Trung bộ mà tâm bão là Nam Khánh Hòa, Ninh Thuận. 

Đây là cơn bão không mạnh nhưng lại rơi vào vùng ít bão, vì vậy kinh nghiệm phòng chống bão của lãnh đạo và nhân dân không bằng những nơi khác.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo phòng chống bão số 14 - Video: MAI VINH

Không để người dân ở lại trên các lồng bè nguy hiểm

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, mục tiêu số 1 là đảm bảo tính mạng của người, cùng với đó là đảm bảo tài sản của người dân. 

"Tỉnh cần quyết liệt hơn trong các công tác ứng phó, phòng chống. Tôi yêu cầu các lực lượng, đặc biệt lực lượng biên phòng, dân quân, thanh niên phải quyết liệt thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn" ông Dũng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị lực lượng biên phòng đưa các tàu thuyền trong và ngoài tỉnh đang đi lại ngang vùng biển Ninh Thuận phải vào trú tránh bão. 

Đối với tàu bè trong tình trạng đang đi đánh bắt vùng biển tỉnh khác thì phải liên lạc yêu cầu đi ra khỏi vùng nguy hiểm, đến nơi tránh trú, neo chống an toàn để không va đập, hư hỏng. 

Kinh nghiệm cơn bão số 12 do neo đậu, chằng chống không tốt nên nhiều tàu hư hỏng, nhiều người chết.

"Tỉnh phải kiểm tra quyết liệt, người dân ở các lồng bè đã được di dời vào bờ thì phải nghiêm cấm quay lại. Bởi người dân làm lồng bè có tài sản rất lớn nên thường có tâm lý tiếc nên ra lại. Kiên quyết đưa người dân vào những nơi tránh trú an toàn" ông Dũng nói.

Đối với các vùng ngập úng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các cấp chính quyền phải chung tay bảo vệ các công trình sản xuất công, nông nghiệp và dịch vụ… an toàn sau bão. 

"Bảo vệ an các công trình thủy lợi cũng phải có các phương án ứng phó, vận hành an toàn hồ chứa, khi các công trình không chịu đựng được thì phải có phương án dự phòng. 

Yêu cầu lực lượng vũ trang, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ  Công thương phải cùng địa phương xử lý nếu lỡ có sự cố. 

Trong đêm nay các lực lượng cũng phải cùng chằng chống nhà dân, các công trình cơ quan nhà nức, trường học để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản" Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Ngoài ra, điện lực, thông tin phải đảm bảo thông suốt, rút kinh nghiệm từ các cơn bão khác. Tập trung không được gián đoạn thông tin, điện và các tuyến giao thông, đặc biệt giao thông quốc gia. 

Trong trường hợp nếu có hư hại thì phải tập trung khắc phục sớm. Ngành công an phải hướng dẫn người dân, các phương tiện giao thông đi lại an toàn trong và sau bão...

"Tôi nhắc lại, đây là vùng rất ít bão vào. Nên tỉnh phải tập trung ứng phó để tránh thiệt hại nặng nhất, nhất là thiệt hại về người. Cơn bão 12 vừa rồi thấy báo cáo các phương án ứng phó rất tốt nhưng cuối cùng thiệt hại vẫn rất nặng nề, đặc biệt Khánh Hòa" Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhắc nhở.

Chuẩn bị đêm thức trắng phòng chống bão 14 giật cấp 12 - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (đứng giữa) kiểm tra công tác sơ tán người dân, tàu bè tại Cam Ranh, Khánh Hòa

 21h đêm nay hoàn thành việc di tản

Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết trước khi bão vào đất liền, các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận sẽ có một đợt mưa lớn. 

Vì vậy các địa phương phải có phương án phòng chống ở các hồ đập xung yếu, có phương án di dân để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ngoài ra các địa phương cũng cần phòng tránh các trường hợp sạt lở đất, đá. 

Trong khi đó, đại diện Quân khu 5, Bộ Quốc phòng cho biết đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm, quyết liệt việc di tản dân cả trên biển và đất liền. 

Khi sự cố xảy ra thì phải nhanh chóng thực hiện việc cứu hộ nhân dân gặp nạn trên biển và trên bờ để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Ông Trần Quốc Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết trước khi bão số 14 đang đổ bộ vào tỉnh cũng tập trung các công việc rất cụ thể. Tỉnh thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt rút kinh nghiệp từ cơn bão số 12. Đến 8h sáng nay tỉnh cũng đã ra lệnh cấm biển. 

Đến nay tỉnh có 3 nơi để neo đậu là Ninh Chữ, Cà Ná, Đông Hải với 3.700 chiếc thuyền, hiện hơn 2.000 chiếc thuyền đã vào trú tránh bão. 

Tỉnh cũng nghiêm cấm mọi hoạt động trên biển, thông báo, kêu gọi tàu bè trên biển vào bờ, chằng chống đảm bảo an toàn, yêu cầu tất cả các công việc phòng chống lụt bão phải hoàn thành trước 21h đêm 18-11.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận cho biết sẽ kiên quyết sẽ đưa hết ngư dân tại các lồng bè vào bờ trước 21h đêm nay.

Chuẩn bị đêm thức trắng phòng chống bão 14 giật cấp 12 - Ảnh 4.

Tàu bè ngư dân vào bờ tránh bão tại cảng Ninh Chữ, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận

Thực hiện quyết liệt việc di tản dân

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có 2.651 tàu bè/16.474 lao động. Tổng số tàu bè đang hoạt động trên biển là 535/4.256 lao đồng đã liên lạc được.

Tàu thuyền neo đậu tại các bến cảng của Ninh Thuận 2.116 chiếc/12.218 lao động; số tàu thuyền ngoài neo đậu tại Ninh Thuận có 223 chiếc/509 lao động; phương tiện thủy nội địa 11 chiếc/19 lao động và dịch vụ du lịch có 16 chiếc/32 nhà hàng nổi có hai nhà hàng/6 lao động; lồng bè nuôi trồng thủy sản 114 chiếc/133 lao động.

Về công tác sơ tán người dân trên các phương tiện tàu thuyền, lồng bè, chòi canh khu nuôi trồng thủy sản lên bờ tránh trú an toàn số lồng bè và yêu cầu các hộ dân đã ký cam kết rời khỏi lòng bà trước 18h ngày 18-11.

Tỉnh cũng chủ động sơ tán di dời dân ở các vùng thấp trũng cửa sông ven biển vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sạt lở đến nơi an toàn.

Theo đó, tổng số dân dự kiến phải sơ tán là 6.089 hộ/28.872 người, hiện đã sơ tán 3.141 hộ/13.289 người.

Toàn tỉnh cũng đã chằng chống hơn 3.000 nhà cửa, trong đó có 655 căn nằm ở các vùng ven biển.

Chuẩn bị đêm thức trắng phòng chống bão 14 giật cấp 12 - Ảnh 6.

Tàu bè ngư dân vào bờ tránh bão tại cảng Ninh Chữ, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận

Chuẩn bị đêm thức trắng phòng chống bão 14 giật cấp 12 - Ảnh 7.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão tại Ninh Thuận

TR.TÂN - M.VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên