17/01/2018 16:15 GMT+7

Chưa yên tâm với xăng E5

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Dù có thể gác sang một bên những lo ngại về chất lượng xăng E5, người tiêu dùng vẫn lo lắng giá bán mặt hàng này sẽ có nguy cơ tăng lên khi nguồn nguyên liệu sản xuất cồn sinh học (ethanol) không ổn định.

Chưa yên tâm với xăng E5 - Ảnh 1.

Trong khi nhiều quốc gia có nền công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học phát triển chọn cây mía, bắp hay gỗ để làm cồn, VN lại chọn khoai mì, một cây trồng đa mục đích với nhiều bất ổn hơn về nguồn cung và giá cả.

Khoai mì có thể dùng làm lương thực cho người, chế biến dược phẩm, làm thức ăn chăn nuôi và sản xuất cồn sinh học. Do đa mục đích như thế, nhu cầu của loại nguyên liệu này không ngừng tăng lên và giá cả cũng biến động thất thường. 

So với đầu năm ngoái, giá khoai mì ở VN đã tăng gấp đôi. Giá tăng lên vì sau một vài năm thua lỗ do giá khoai mì giảm, người dân đã chặt bỏ để chuyển sang các cây trồng khác có lợi nhuận cao hơn như mía, rau màu, cây ăn trái...

Giá khoai mì cao kéo theo giá thành sản xuất cồn sinh học của VN hiện ở mức 570 USD/tấn, cao hơn 200 USD/tấn so với Mỹ. Và để thực hiện kế hoạch chuyển đổi sang xăng sinh học E5, người tiêu dùng phải gánh mức chênh lệch này.

Với việc thay thế toàn bộ xăng khoáng A92 thành xăng E5 từ đầu năm 2018, ước tính trong năm nay VN sẽ cần tới 450.000m3 cồn sinh học, tức cần tương đương 20% sản lượng khoai mì của VN. 

Cùng với việc diện tích và sản lượng giảm mạnh, sự cạnh tranh thu mua từ các công ty khoai mì lát, tinh bột mì... chắc chắn giá khoai mì và qua đó là ethanol sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Tất nhiên, khi nhu cầu khoai mì tăng thì giá cũng sẽ cao lên để khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất khoai mì. 

Thế nhưng xu hướng này lại không dễ thực hiện trong một sớm một chiều khi người nông dân thiếu đủ thứ từ cây giống chất lượng cao, hỗ trợ về kỹ thuật cũng như cam kết của các nhà máy bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Hệ quả là VN có khoảng 600.000ha trồng khoai mì nhưng diện tích này không ổn định. Trong 5 năm qua, đã có những lúc xuất khẩu khoai mì của VN lọt vào câu lạc bộ tỉ USD của ngành nông nghiệp nhưng sau đó lại giảm mạnh.

Rất ít nhà máy chế biến khoai mì lát, tinh bột mì hay cồn sinh học đầu tư bài bản cho nông dân để phát triển vùng nguyên liệu. Khoai mì là cây hằng năm, chỉ cần một biến động về giá, người dân sẽ dễ dàng chuyển sang cây trồng khác và kế hoạch sản xuất kinh doanh của các nhà máy có thể phá sản.

Diện tích trồng khoai mì có giới hạn, việc tăng năng suất cho cây mì lên gấp 2-3 lần hiện tại là giải pháp căn cơ và có thể thực hiện được nhưng không thể trong một vài năm tới. 

Càng khó khăn hơn khi nguồn cung khoai mì từ Campuchia (hiện chiếm tới 50-60% sản lượng chế biến của nhiều doanh nghiệp ngành khoai mì) lại đang có xu hướng co hẹp lại vì chính sách giảm khoai mì để chuyển sang trồng điều.

Theo các nhà sản xuất cồn sinh học, trong thời gian ngắn nữa ethanol VN chưa thể rẻ hơn nguồn nhập khẩu bởi nếu rẻ hơn, các nhà máy cồn những năm qua đã không phải đóng cửa.

Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi sang xăng sinh học E5, người tiêu dùng phải gánh mức chênh lệch này do giá sản xuất ethanol trong nước còn cao. 

Và như vậy, người tiêu dùng vẫn là người chịu thiệt khi chính sách phát triển một ngành công nghiệp mới lại chỉ tập trung ở phần ngọn là sản xuất và phân phối mà chưa đầu tư đúng mức vào phần gốc là vùng nguyên liệu.

Ngày đầu "kết liễu" xăng A92, nhiều người đổ xăng E5 vì giá rẻ Ngày đầu 'kết liễu' xăng A92, nhiều người đổ xăng E5 vì giá rẻ Xăng E5 thay xăng A92: Đến hẹn lại lo vỡ trận Xăng E5 thay xăng A92: Đến hẹn lại lo vỡ trận Cháy hai xe bồn ethanol ở nhà máy cồn Cháy hai xe bồn ethanol ở nhà máy cồn
TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên