Bác sĩ Trần Thanh Linh, Bệnh viện Chợ Rẫy, thăm chị Bảo Châu, bệnh nhân COVID-19 nặng hiện đã hồi phục, trong thời gian chị điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức. Bộ trang phục phòng hộ như thế này đã "quen" với y bác sĩ trong suốt mùa dịch, hiện đã có ý kiến đề nghị thay đổi - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến đề nghị từ bác sĩ Hoàng Công Tình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Bác sĩ Tình đề nghị thay đổi 2 vấn đề tưởng chừng là "hiển nhiên" với bệnh nhân COVID-19 và thầy thuốc điều trị, đó là có nên cho người nhà chăm sóc bệnh nhân và y bác sĩ có cần mặc bộ đồ phòng hộ trùm kín như hiện nay.
"Tôi muốn nói về 2 vấn đề nên thay đổi trong cách tiếp cận với bệnh nhân COVID-19:
Vấn đề thứ nhất là nên sắp xếp cho bệnh nhân có người nhà đến chăm. Một số bệnh nhân COVID-19 chúng tôi theo dõi thường có biểu hiện rối loạn tâm thần ở các mức độ khác nhau.
Thường bệnh nhân có rối loạn tâm thần nặng lên theo mức độ nặng của bệnh COVID-19. Những bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng và nguy kịch, phải hỗ trợ bằng thở oxy mặt nạ, oxy dòng cao (HFNC), thở máy, lọc máu và chạy tim-phổi nhân tạo (ECMO) thường có rối loạn tâm thần kèm theo.
Họ thường kích động, chống đối, không hợp tác, giật bỏ những thiết bị kết nối với mình. Nguy hiểm nhất là khi bệnh nhân giật bỏ ống thở, mặt nạ thở, ống thông mạch máu dùng để truyền thuốc, lọc máu, chạy tim-phổi nhân tạo...
Những lúc như vậy, thầy thuốc vô cùng vất vả để vừa động viên bệnh nhân, vừa phải theo dõi liên tục đề phòng bệnh nhân giật các thiết bị kết nối. Giai đoạn lọc máu, cai máy thở và cai ECMO cho bệnh nhân là vất vả nhất đối với nhân viên y tế vì không thể dùng thuốc chống loạn thần, thuốc an thần, thuốc giảm đau mãi cho người bệnh được.
Gần đây, chúng tôi bố trí cho người nhà bệnh nhân được vào buồng bệnh để cùng với thầy thuốc động viên, chăm sóc người bệnh thì dấu hiệu rối loạn tâm thần của bệnh nhân giảm đi rất nhiều. Đa số bệnh nhân cảm thấy yên tâm, hợp tác điều trị và quá trình hồi phục sức khỏe cũng nhanh hơn.
Người nhà vào chăm bệnh nhân phải là tự nguyện, người có sức khỏe bình thường và đã tiêm phòng vắc xin COVID-19 đầy đủ.
Vấn đề thứ 2 là nên đơn giản hóa trang phục của nhân viên y tế làm việc ở nơi điều trị bệnh nhân COVID-19.
Thực tế chỉ cần đeo khẩu trang N95, tấm chắn giọt bắn khi thăm khám, theo dõi, thực hiện y lệnh thuốc cho bệnh nhân, không cần thiết mặc bộ phòng hộ trùm kín từ đầu đến chân.
Đồng thời tích cực sát trùng tay bằng các dung dịch có cồn, tắm giặt sạch khi ra khỏi khu cách ly là sẽ đảm bảo công tác phòng chống lây chéo.
Như vậy, vừa đảm bảo phòng chống lây nhiễm, vừa tiết kiệm được chi phí mua trang phục phòng hộ, đồng thời đem lại sự thoải mái cho nhân viên y tế, đặc biệt là mùa nắng nóng sắp tới".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận