Phóng to |
Ông Vũ Huy Hoàng - Ảnh: Việt Dũng |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) về hướng giải quyết sự cố rò rỉ nước qua thân đập thủy điện Sông Tranh 2, ông Hoàng nói: “Giải pháp là dán các khe nhiệt để trong quá trình bêtông co ngót đảm bảo không ảnh hưởng đến đập. Về chất lượng công trình, cho đến giờ phút này khẳng định chưa có cơ sở để nói rằng không an toàn”.
Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) đặt vấn đề có nên có phương án di dời dân hay không, nếu xảy ra vỡ đập thì ai chịu trách nhiệm. Ông Hoàng cho rằng trên địa bàn Quảng Nam, ngoài thủy điện Sông Tranh 2còn có hai dự án thủy điện A Vương và Đắk Mi 4 cũng sử dụng phương pháp bêtông đầm lăn. “Hai dự án đều đã hoạt động và đập tỏ ra rất an toàn. Như vậy, sự cố Sông Tranh 2 là hi hữu” - ông nói.
Được Chủ tịch Quốc hội mời trả lời thêm về chất lượng công trình thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Cá nhân tôi khẳng định đập an toàn. Đối với hiện tượng rò rỉ, không thể gọi là sự cố, bởi sự cố phải đổ vỡ công trình theo quy định của Luật xây dựng. Đây gọi là hiện tượng thấm nước”. Ông Dũng khẳng định: “Khi không an toàn thì mới di dân, mà đã an toàn rồi thì không phải di dân”.
Độc quyền ngành điện: 10 năm nữa
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đặt câu hỏi: “Bao giờ chấm dứt độc quyền của ngành điện và ngành xăng dầu?”. Ông Vũ Huy Hoàng cho biết: “Đến đầu tháng 7 bắt đầu chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Trong lộ trình, đến năm 2014 tiến hành thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh và đến năm 2022 thực hiện việc bán lẻ cạnh tranh”. Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận: “Để tình trạng độc quyền doanh nghiệp kéo dài như thời gian vừa qua, chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm”.
Đối với ngành xăng dầu, ông Hoàng nói thị trường xăng dầu tới đây sẽ vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước nhưng chưa cho phép nước ngoài tham gia. Về chất vấn giá xăng dầu “tăng nhanh, giảm chậm”, ông khẳng định “chưa có đủ cơ sở nói rằng có lợi ích nhóm trong lĩnh vực xăng dầu”.
Liên quan đến dự án khai thác bôxit Tây nguyên, ông Hoàng cho biết dự án Tân Rai dự kiến trong tháng 7 sẽ vận hành thử, cuối năm nay sẽ cho ra sản phẩm, vừa rồi có kéo dài vì phải dừng lại để gia cố hồ bùn đỏ và gia cố các thiết kế đảm bảo an toàn.
Thương lái Trung Quốc có âm mưu gì không? * Đại biểu Nguyễn Quang Cường (TP Hải Phòng): Tư thương và doanh nghiệp Trung Quốc đang ráo riết vào tận ngõ ngách, thôn bản nước ta để mua nông sản, bộ trưởng nghĩ sao? - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Bộ Công thương đã yêu cầu các sở công thương rà soát lại, nếu phát hiện những hành vi sai trái của thương nhân, thương lái nước ngoài kịp thời báo cáo để có biện pháp xử lý theo Luật thương mại. Vi phạm nếu ở mức độ nghiêm trọng thì yêu cầu chấm dứt hợp đồng và phải đền bù các thiệt hại gây ra. * Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Cử tri quan tâm là đằng sau những lừa gạt về kinh tế đó (lũng đoạn về sản phẩm hàng hóa, lừa gạt về giá cả, nợ nần rồi bỏ trốn...) có âm mưu gì về gây rối, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của quốc gia hay không? - Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang (trả lời trong phiên chất vấn chiều 14-6): Ý đại biểu hỏi là có phá hoại kinh tế không? Đây cũng là gợi ý của đại biểu để chúng tôi nghiên cứu. Nhưng với những gì thu thập được thì chúng tôi chưa thấy có dấu hiệu phá hoại kinh tế, mà chủ yếu là lừa đảo, trục lợi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận