20/10/2019 06:26 GMT+7

Chưa kịp trưởng thành đã vào tù ra tội vì mê game

A LỘC
A LỘC

TTO - Để có tiền chơi game, hai thiếu niên đã rủ nhau đi cướp giật tài sản của người đi đường. Và cái giá quá đắng mà cả hai phải trả cho sai lầm là án tù khi tuổi đời còn rất trẻ.

Chưa kịp trưởng thành đã vào tù ra tội vì mê game - Ảnh 1.

Đó là trường hợp của hai bị cáo N.T.H. (16 tuổi) và P.T.N. (17 tuổi) cùng ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Cả hai cùng bị TAND huyện Vĩnh Cửu tuyên án 20 tháng tù giam về tội "cướp giật tài sản".

"Sở hữu" nhiều tiền án, tiền sự

Theo hồ sơ vụ án, H. và N. thuê phòng trọ ở cùng nhau. Để có tiền tiêu xài và chơi game, H. rủ N. đi cướp giật tài sản của người đi đường và được đồng ý. 

Đầu tháng 12-2018, N. lấy xe máy của mẹ chở H. đi dọc đường 768 tìm "con mồi". Khi đến khu vực ấp 5, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu thì phát hiện chị L.Q.Đ. (36 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú) chạy xe đạp ngược chiều, trên xe đạp có một túi nilông.

Thấy vậy, H. bảo N. quay đầu xe lại. N. điều khiển xe máy áp sát xe chị Đ. để H. giật túi nilông rồi tẩu thoát. Khi đến địa phận xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), cả hai mở túi nilông ra coi thì thấy trong túi chứa 1 triệu đồng tiền mặt và 1 điện thoại di động (trị giá 1,5 triệu đồng). 

Tài sản cướp được, cả hai tiêu xài hết vào việc cá nhân và "nướng" vào các trò chơi điện tử. Đến hôm sau, N. và H. tiếp tục đi gây án thì bị công an bắt giữ.

Đứng trước vành móng ngựa, khuôn mặt non choẹt của hai bị cáo khiến nhiều người không khỏi xót xa. Hầu như suốt phiên tòa, hai bị cáo chỉ cúi mặt xuống đất và lí nhí thừa nhận hành vi phạm tội của mình. 

Tuy nhiên, khi được hỏi có nghĩ hành động giật túi nilông trên tay lái của chị Đ. có thể khiến bị hại ngã xuống đường và nguy hiểm đến tính mạng hay không thì các bị cáo đều trả lời "không nghĩ đến". 

Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ của hai bị cáo, hội đồng xét xử đã tuyên mỗi bị cáo 20 tháng tù giam về tội cướp giật tài sản.

Dù mới ở độ tuổi 16, 17 nhưng cả hai bị cáo đã có nhiều "thành tích" về tội trộm cắp, cướp giật tài sản và từng bị kết án tù. 

Cụ thể, H. từng hai lần bị TAND TP Biên Hòa tuyên án tù về tội cướp giật tài sản (tổng mức án 34 tháng tù). Còn N. cũng bị TAND TP Biên Hòa kết án 12 tháng tù giam về cùng hành vi trên. Ngoài ra, trong năm 2018, N. còn bị công an P.Tân Phong và P.Tân Hiệp (TP Biên Hòa) xử phạt vi phạm hành chính hai lần về hành vi trộm cắp tài sản.

Thiếu sân chơi lành mạnh

Bào chữa tại phiên tòa, ông Nguyễn Doãn Nhương - trợ giúp viên pháp lý (Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đồng Nai) - cho rằng nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo N. do nhiều yếu tố như hoàn cảnh gia đình, nhân thân và nhận thức pháp luật còn yếu.

Theo ông Nhương, gia đình N. có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Cha N. mất sớm, mẹ làm thuê làm mướn không kiếm đủ tiền nuôi các con ăn học, trang trải cuộc sống nên bị cáo phải bỏ học giữa chừng, tự thuê nhà trọ ở cùng bạn bè. 

Bản thân bị cáo chưa thành niên, đang trong lứa tuổi mà kinh nghiệm sống quá ít ỏi, ham chơi, đua đòi với bạn bè, thiếu sự chăm sóc, giáo dục của cha mẹ, nhà trường và xã hội. Đặc biệt, khả năng nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế nên khi H. rủ đi cướp giật tài sản N. đã đồng ý ngay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh - trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho H. - nhận định cả hai bị cáo đều đáng trách nhưng cũng có phần đáng thương. Bởi phải "ra đời" từ quá sớm trong khi nhận thức pháp luật còn kém, lại không có được sự giám sát của cha mẹ nên dễ dàng bị lôi kéo vào con đường phạm pháp. Vì vậy khi phạm tội, bị cáo không nhận thức được đầy đủ tính chất và hậu quả hành vi do mình gây ra.

"Các bị cáo không chỉ thiếu hụt tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, mà một phần sai lầm còn do tác động của xã hội. Trong đó phải kể đến vấn đề quản lý hoạt động kinh doanh game online của chính quyền địa phương chưa thực sự chặt chẽ, nhất là những cơ sở gần khu vực trường học..." - ông Minh bộc bạch.

Cũng theo ông Minh, trung bình mỗi năm ông trợ giúp pháp lý cho trên mười vụ án mà các bị cáo chưa đến tuổi thành niên. Trong đó, nghiện game online là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến các em sa ngã. 

Và điểm chung của các trường hợp này rơi vào các gia đình hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ ly hôn, ly thân... Chính mối quan hệ giữa gia đình và các em lỏng lẻo nên việc con bỏ học, chơi bời hư hỏng mà cha mẹ không biết. 

Đặc biệt, trẻ ở lứa tuổi 10-15 có tâm lý hết sức phức tạp, dễ bốc đồng, chưa được giáo dục về pháp luật. Giai đoạn này nếu trẻ thiếu sự quan tâm, định hướng, uốn nắn kịp thời từ gia đình và nhà trường thì rất dễ lạc lối.

Ông Minh kiến nghị các cơ quan chức năng cần tạo thêm nhiều sân chơi lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi để thu hút các em tham gia, hạn chế việc "chìm đắm" trong thế giới ảo. Đối với các em chấp hành xong án phạt tù thì cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm... để giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Ông Lê Quang Vinh - giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đồng Nai - cho biết gần đây, các cơ quan tố tụng đã phối hợp chặt chẽ hơn với trung tâm trong việc hỗ trợ trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật.

Khi nhận được thông tin, trung tâm sẽ cử người tham gia lấy lời khai các đối tượng thuộc diện bị buộc tội (từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi) và làm thủ tục trợ giúp pháp lý ngay từ giai đoạn điều tra. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật thì cần phải tích cực tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, văn hóa, đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Cướp 200 triệu đồng để chơi game online Cướp 200 triệu đồng để chơi game online

TTO - Hai thanh niên vì túng tiền chơi game đã rủ nhau đi cướp. Cả hai bị bắt sau nhiều ngày lẩn trốn.

A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên