Tham gia trả lời nội dung buổi giao lưu này có ông Nguyễn Hồng Trường; ông Nguyễn Hoàng Hiệp, phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia; đại tá Trần Sơn Hà, phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt.
TTO xin lược đăng một số nội dung chính của buổi trực tuyến.
Phóng to |
Không để chỉ thị đọng trên giấy tờ
* Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải. Cho đến thời điểm này, Bộ Giao thông vận tải và phía Cục CSGTĐB đã chỉ đạo thế nào để thực hiện tốt được chỉ thị của Thủ tướng?
- Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Thực tế 6 tháng đầu năm, số vụ và số người bị thương do tai nạn giao thông giảm, nhưng số người chết tăng so với cùng kỳ. Để đảm bảo mục tiêu vẫn giảm từ 5-10% cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông thì cần giải pháp mạnh, tôi cho rằng chỉ thị là giải pháp rất mạnh với quan điểm và cách làm mới. Trong đó tập trung nhiều vào nâng cao tinh thần trách nhiệm thái độ của người thực thi công vụ và sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn của hệ thống chính trị và Ban ATGT địa phương.
Đến ngày 6-7, Bộ GTVT, UBATGT tổ chức hội nghị toàn quốc để triển khai chỉ thị của Thủ tướng, có nhiều biện pháp mạnh, kể cả sẽ có kế hoạch và lộ trình để triển khai.
Câu hỏi đặt ra là liệu nó có thể giống một số chủ trương khác như các hoạt động cao điểm, các chủ trương, nếu không có hành động cụ thể thì chỉ sẽ có “phát” mà không có “động”, chỉ đọng lại trên giấy tờ. Chúng tôi đặt ra là phải làm thế nào để chỉ thị đi vào cuộc sống.
* Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng vừa ký ban hành kế hoạch tổ chức chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm tốc độ đối với doanh nghiệp vận tải và người lái xe. Từ 1-7, mở đợt cao điểm xử lý vi phạm tốc độ nhưng đợt cao điểm này liệu có lặng lẽ chìm đi khi hết đợt hay không, thưa ông?
- Ông Nguyễn Hồng Trường: Trong thời gian khi có những chỉ đạo quyết liệt thì cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người bị thương, số người chết đều giảm. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt những tháng gần đây, một số vụ TNGT nghiêm trọng đã xảy ra.
Về nguyên nhân, ngoài việc người lái xe không làm chủ tốc độ, DN vận tải không chấp hành các quy định trong giấy phép đăng ký dẫn đến các lái xe bất chấp tốc độ, sức khỏe không đảm bảo, lái ban đêm dẫn đến xảy ra tai nạn... nhưng chúng tôi cũng thấy trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn. Ví dụ, việc cấp phép cho DN vận tải chưa đủ điều kiện; việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của các DN vận tải, nhất là tại địa phương chưa thường xuyên, liên tục... dẫn đến hiện tượng có đơn vị kinh doanh vận tải chỉ có thương hiệu và cho xe bên ngoài vào kinh doanh.
Thực hiện chỉ thị 12 của Thủ tướng, Bộ GTVT tập trung giải quyết một số vấn đề. Thứ nhất là thực hiện đợt cao điểm kiểm tra tốc độ xe khách từ nay đến hết năm và đặc biệt là từ nay đến 30-9. Thứ hai, tiến hành rà soát quy định điều khiển phương tiện, sửa đổi nghị định 91 coi hoạt động vận tải hành khách là kinh doanh đặc biệt với các quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thành lập, sức khỏe lái xe để đảm bảo an toàn cao nhất cho hành khách…
* Tai nạn giao thông thảm khốc liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn, ông có nhận định thế nào? Lỗi thuộc về khâu quản lý nào, thưa ông Hiệp?
- Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Trong chương trình “Dân hỏi bộ trưởng trả lời” vào ngày 30-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Đinh La Thăng đã cho biết trên 80% tai nạn nghiêm trọng là do lỗi người lái xe. Vấn đề đặt ra là tại sao lỗi người lái xe lại cao như vậy. Ở đây có phần nguyên nhân sâu xa từ công tác quản lý nhà nước.
Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành để có kế hoạch rà soát một loạt.
Trong đó, Bộ Giao thông vận tải có các đoàn thanh tra đi kiểm tra rất nhiều địa phương, tập trung vào kinh doanh vận tải, từ đó phát hiện nhiều vấn đề cần chấn chỉnh, sửa đổi, kể cả văn bản pháp luật đến tinh thần, trách nhiệm thi hành công vụ, nhất là các Sở Giao thông vận tải.
Với sự quyết liệt của Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian tới những lỗ hổng về công tác quản lý nhà nước sẽ được khắc phục, xác lập lại trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Tôi tin là tai nạn sẽ giảm.
Mãi lộ - vấn đề đáng trăn trở
* Lãnh đạo của lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ, ông có suy nghĩ thế nào khi rất nhiều bạn đọc phản ảnh về tình trạng mãi lộ của cảnh sát giao thông. Có bạn đọc đã viết: “Theo tôi, 100% do CSGT mà thôi. Ngay khi ra khỏi bến xe, khách trên xe đã phải ngồi ghế nhựa và cả trên nóc nắp capô rồi, ấy vậy mà CSGT ngay tại cổng bến xe vẫn cho xe xuất bến và ban quản lý bến vẫn ký giấy cho xe ra".
- Ông Trần Sơn Hà: Đây là câu hỏi chúng tôi trăn trở trong nhiều năm, từ khi thực hiện Nghị định 36 năm 1995 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị và Luật giao thông đường bộ 2001, sửa đổi năm 2008.
Vấn đề xử lý nguyên nhân gây tai nạn giao thông được sự quan tâm của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị. Là lực lượng nòng cốt trong việc này, chúng tôi đã có nhiều nỗ lực.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, lực lượng xử lý gần 3 triệu trường hợp vi phạm giao thông với số tiền phạt lên tới khoảng 1.500 tỉ đồng.
Tuy nhiên tai nạn vẫn phổ biến, mà 80% nguyên nhân tai nạn là do người lái xe. Đây là số thực chúng tôi đã điều tra, phân tích.
Tại sao lại như vậy, chúng tôi cho rằng chúng ta đã tuyên truyền nhiều, dày đặc; báo chí, truyền thông đã tốn nhiều giấy mực, nhưng chuyển biến của nhận thức rất chậm.
Ví dụ, Nhật Bản làm từ những năm 1970, họ mất tới 40 năm giải quyết được bài toán về hạ tầng, về số người chết vì tai nạn giao thông, tuyên truyền ý thức, đến nay họ mới giảm được số người chết xuống 6.000 người/năm.
Rõ ràng vi phạm quá phổ biến trong khi lực lượng của chúng ta quá mỏng.
Bộ Công an đã chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng phải thực hiện theo pháp luật và sự giám sát của nhân dân. Chúng tôi có quy chế để kiểm soát và chúng tôi có đường dây nóng, của cục và của các tỉnh thành, mong nhân dân giám sát, phát hiện trường hợp sai phạm phản ảnh qua đường dây nóng, hoặc có đơn thư khiếu nại, chúng tôi sẵn sàng giải quyết. Tất cả trường hợp sai phạm đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
* Trong 3 triệu trường hợp, có trường hợp nào CSGT bị xử lý?
- Ông Trần Sơn Hà: Chúng tôi xử lý trên 20 trường hợp CSGT có vi phạm quy trình, thậm chí có vụ nhận tiền tiêu cực cũng bị xử lý nghiêm túc như chuyển khỏi lực lượng hoặc xử lý trước pháp luật.
Cũng trong 6 tháng chúng tôi lập biên bản trên 400 trường hợp lái xe, chủ hàng vi phạm giao thông đưa tiền cho cảnh sát.
* Liệu 20 trường hợp đã là tất cả?
Ông Trần Sơn Hà: Bộ Công an có cơ quan thanh tra, những trường hợp có đơn tố cáo đều được cơ quan thanh tra kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
* Đăng kiểm xe là một phần quan trọng để quyết định chất lượng xe. Đã nhiều tai nạn xảy ra và chúng ta đều nhận biết là có những xe khá cũ nát. Ngay về cảm quan cũng có thể thấy những chiếc xe rách tơi tả lưu hành ngoài phố. Nhưng khi cho lưu thông như vậy có nghĩa là xe đã được trung tâm đăng kiểm tiến hành kiểm tra đạt chất lượng. Bạn đọc phản ảnh tai nạn giao thông cũng có sự đóng góp tích cực từ phía cơ quan đăng kiểm. Ông nghĩ sao về phản ảnh này?
- Ông Nguyễn Hồng Trường: Đăng kiểm xe để lưu hành là điều kiện bắt buộc, Bộ GTVT coi đây là nội dung lớn và đã đầu tư hệ thống đăng kiểm đồng bộ ở các địa phương. Các loại xe được đăng kiểm theo chu kỳ, cấp tem đăng kiểm. Tất cả xe lưu thông trên đường đều được đăng kiểm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Tôi khẳng định không có xe nào như bạn đọc phản ảnh được chạy trên đường, nếu có thì đó là những xe hoạt động ở vùng sâu, vùng xa không đến cơ quan đăng kiểm, hoặc trốn cơ quan chức năng để chạy. Tôi tin rằng giờ phút này chúng tôi cho kiểm tra tại tất cả các địa phương và không có những loại xe như vậy chạy trên đường.
* Việc cấp giấy phép tràn lan, cho cả người không đủ sức khỏe, có người được cấp bằng với điểm cao nhưng không có khả năng lái xe ra đường. Việc siết chặt cấp giấy phép lái xe là biện pháp để giảm tai nạn, xin ông Trường cho biết về nội dung này?
- Ông Nguyễn Hồng Trường: Việc siết chặt cấp giấy phép, đào tạo lái xe cũng là nội dung quan trọng để giảm tai nạn giao thông. Trong thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng một quy trình cấp phép cho các trung tâm đào tạo lái xe, sát hạch.
Để đảm bảo khách quan, chúng tôi đã tách khâu đào tạo và khâu sát hạch. Đối với sát hạch, các trung tâm sát hạch được đầu tư công nghệ hiện đại đáp ứng được tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Hiện trên cả nước có hàng chục trung tâm như vậy, đáp ứng 3 loại sát hạch gồm sát hạch lý thuyết, sát hạch trên mô hình và sát hạch trên đường. Số liệu sát hạch được công khai.
Đối với những người trượt sát hạch, chúng tôi cũng có quy trình đào tạo lại, được sát hạch lại để đảm bảo chất lượng.
Đối với đào tạo, ví dụ như điều khiển xe máy, có thể học tại nhà nhưng các hạng khác phải học ở trung tâm, có chương trình đào tạo đầy đủ. Người học phải đáp ứng yêu cầu về trình độ và sức khỏe. Sát hạch phải đảm bảo người được cấp giấy phép lái xe khi ra đường phải có ý thức, trình độ tay nghề.
Hiện có tình trạng người học lái xe nhưng không có xe nên học xong có giấy phép lái xe nhưng không lái trong một thời gian dài rồi sau đó mới lái trở lại nên trình độ tay nghề cũng không đảm bảo.
Hiện còn có tình trạng làm bằng giả, qua kiểm tra đã phát hiện rất nhiều trường hợp như vậy. Để chống bằng giả, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai làm bằng mới theo công nghệ hiện đại, có thể lưu hành quốc tế và đến nay chưa phát hiện bằng giả loại mới.
Vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với cảnh sát giao thông kiểm tra các trung tâm sát hạch để phát hiện những lỗ hổng trong việc cấp giấy phép lái xe. Vừa qua, chúng tôi đã kiến nghị với Bộ Tài chính cho phép thu chi phí xăng đi đường dài đối với học viên để đảm bảo số giờ học trên đường.
Kiểm soát việc cấp giấy phép lái xe chưa chặt chẽ
* Xin hỏi ông Hà về trường hợp giấy phép của người lái xe cụt 2 chân vừa được phát trên truyền hình?
- Ông Trần Sơn Hà: Theo quy định của Bộ Y tế và Bộ GTVT thì phải đủ chân tay, tri giác, mắt tinh, tai thính mới được thi giấy phép lái xe.
Tôi từng hỏi cung 1 trường hợp lái xe khách gây TNGT không biết chữ. Khi gây tai nạn thì anh ta điểm chỉ. Tôi hỏi học ở đâu, anh ta không trả lời được, vì làm thủ tục qua một người khác.
Vừa qua, xảy ra vụ tai nạn thảm khốc tại cầu Serepok, tôi được lãnh đạo giao phối hợp với địa phương để điều tra. Lái xe - người vi phạm đã mất.
Anh này đã lãnh án 8 năm tù vì án ma túy, thụ án 7 năm được mãn hạn. Quá trình thụ án anh ta vẫn được đổi giấy phép lái xe, thụ án được 3 năm anh ta đổi giấy phép, điều này là không đúng rồi. Sau khi mãn hạn tù anh ta đổi giấy phép lần 2 từ tháng 5, đến tháng 7 anh ta gây tai nạn.
Người thực hiện hành vi cho anh này đổi giấy phép lái xe là vi phạm pháp luật.
Nhiều trường hợp khác nữa, như vụ đổ xe ở núi Guộc, Nghệ An, anh này chỉ có 1 chân… Đây là một thực tiễn, chúng ta kiểm soát đầu vào chưa chặt, hoặc người ta làm giả hoặc thông qua cách nào đó người ta lấy được giấy phép lái xe.
- Ông Nguyễn Hồng Trường: Thực tế chúng ta có thể gặp những trường hợp như vậy, nhưng xét về mặt ý thức thì con số đó không lớn, đây chỉ là một vài trường hợp hi hữu, cố tình tìm mọi cách để có giấy phép, sau đó gây tai nạn. Đây là những trường hợp đáng lên án, trước sau gì pháp luật cũng tìm ra.
Tuy vậy chúng ta không thể lấy những trường hợp này để đánh giá tổng thể. Vấn đề là phải làm thế nào để khơi dậy được trách nhiệm của người lái xe. Còn trong xã hội hiện nay thì đây là số rất nhỏ. Còn thực tế chúng ta thực hiện rất đồng bộ và rất tốt.
* Hành khách và lái xe phản ảnh có nhiều cung đường chất lượng xấu. Việc thi công đường ẩu dẫn đến tai nạn thì đơn vị thi công liệu có phải chịu trách nhiệm liên đới hay không?
Ông Nguyễn Hồng Trường: Chúng tôi cho rằng trong vấn đề lưu thông trên đường, để xảy ra tai nạn có nhiều yếu tố - người lái, xe, không loại trừ cả yếu tố về đường.
Đối với yếu tố về đường, trong những năm vừa qua Chính phủ cũng như các ngành, các cấp, các tỉnh, Bộ GTVT đã tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng đường bộ lên đáng kể. Đặc biệt, từ năm nay chúng ta thực hiện quỹ bảo trì đường bộ đã tập trung đầu tư những chỗ đường kém chất lượng để tăng khả năng đi lại cho nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, khi thống kê, nhìn con đường rất tốt, rất đẹp nhưng tai nạn vẫn xảy ra thì đó là do ý thức. Còn vấn đề về nguyên nhân trong quá trình thi công mà để xảy ra tai nạn thì đơn vị thi công cũng phải chịu trách nhiệm một phần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận