
7 gói thầu khắc phục sạt lở ở U Minh Thượng mới đạt hơn 40%, chậm tiến độ - Ảnh: BỬU ĐẤU
Thi công khắc phục chậm, ì ạch
Ngày 28-5, Tuổi Trẻ Online đã quay trở lại khu vực sạt lở ở U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang sau hơn 1 năm xảy ra sạt lở nghiêm trọng khu vực này. Đây là khu vực lưu thông nông sản, hàng hóa trong khu vực rừng U Minh Thượng ra ngoài và ngược lại. Tuy nhiên, hiện tại ở khu vực ấp Trung Đoàn, xã An Minh Bắc, nơi sạt lở đang có dấu hiệu lún, nứt. Các vết cũ chưa xử lý xong, vết nứt mới đã xuất hiện.
Những vết sạt lở năm 2024 đến nay vẫn chưa xử lý xong, vì toàn bộ khu vực rừng U Minh Thượng đã bị đắp đập ngăn mặn bảo vệ rừng U Minh Thượng, không có ghe tới được. Việc vận chuyển vật tư, thiết bị, cát, đá vào hiện trường sạt lở để thi công phải tốn thêm chi phí dùng xe nhỏ vận chuyển, hoặc dùng xuồng nhỏ chở lai rai.
"Do đập ngăn mặn U Minh Thượng được xây dựng giữa tháng 12-2024, sau khi đấu thầu, các đơn vị trúng thầu dự án khắc phục sạt lở phải chịu lỗ 130.000 đồng/m³ đá vận chuyển vào khu vực thi công khắc phục sạt lở", ông Quang Hưng (Công ty Đạt Hưng Thịnh) cho biết và hy vọng mưa nhiều để xả đập, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Dự án kè chống sạt lở, sụt lún 5,7km tại xã Minh Thuận và An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng) được phê duyệt hơn 46 tỉ đồng, đã hoàn thành gần 4km với 18 tỉ đồng (39,4% kế hoạch).
7 gói thầu triển khai từ tháng 12-2024 gồm kè gia cố sụt lún mặt đường Minh Thuận (kênh 1 đến kênh 13 có 2 giai đoạn) và kè chống sạt lở An Minh Bắc (kênh 2, 4, 15, 16, 19, 20 - giai đoạn 2 và giai đoạn 3 tại kênh 4, 13, 14, 20).
"Sạt lở vào giữa năm 2024, chưa khắc phục xong đã diễn biến phức tạp hơn. Thi công khó khăn vì rừng U Minh Thượng ngăn đập, thiếu nước, lại thêm người dân sử dụng nước sinh hoạt nên đường dễ lún nứt nữa", ông Nguyễn Chí Nguyện, phó Ban quản lý dự án huyện U Minh Thượng, nói.
Có thêm 181 vị trí sạt lở mới

Các đơn vị thi công trong vùng U Minh Thượng cho rằng do đắp đập, việc vận chuyển vật tư, thiết bị vào thi công gặp nhiều khó khăn
Theo ông Nguyện, hiện nay các vị trí sạt lở, lún tiếp tục phát sinh mới trong các kênh với khoảng 181 vị trí sạt lở, có tổng chiều dài hơn 5,2km. Dự toán tổng kinh phí khắc phục sạt lở hơn 30,3 tỉ đồng.
Dự án nằm trong vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng. Mùa khô, cống trên tỉnh lộ 965 đóng, vận chuyển thủy bộ đều khó khăn do sạt lở nghiêm trọng. Thời gian dự án kéo dài, kinh phí hạn hẹp, chưa khắc phục hết 5,2km sạt lở, trong đó hơn 700m đứt gãy cần xử lý ngay.
Huyện U Minh Thượng đề nghị bổ sung kinh phí khắc phục 16 vị trí sạt lở, sụt lún, đứt gãy mặt đường (740m, với kinh phí hơn 6,7 tỉ đồng) trên kênh 2, 12, 15, 16, 17, 19 (xã Minh Thuận và xã An Minh Bắc) để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn và hiệu quả dự án.
"Đề nghị tỉnh bố trí kinh phí xây dựng kè gia cố sạt lở, sụt lún mặt đường tại các kênh 1, 2, 3, 12, 15 đến kênh 21 (thuộc xã Minh Thuận và xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng).
Dự án gồm kè đá (có chiều dài hơn 2km, với tổng kinh phí hơn 18 tỉ đồng) và kè cừ tràm có chiều dài 2,4km. Tổng kinh phí dự kiến hơn 5,3 tỉ đồng", ông Nguyện nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận