Những nhóm người Việt mà đại sứ quán kết nối được đều an toàn, trong đó hầu hết đã trở về nhà sau khi trải qua một đêm tại các địa điểm lánh nạn.
Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản đều an toàn
Theo thông tin mới nhất từ Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan), toàn bộ thực tập sinh Việt Nam do tổ chức này tiếp nhận làm việc tại các tỉnh Toyama, Fukui và Ishikawa đều an toàn.
Nhóm công tác tiếp tục theo dõi thông tin từ các địa phương bị ảnh hưởng nặng trong trận động đất, đặc biệt là tỉnh Ishikawa với bán đảo Noto - nơi bị thiệt hại nặng nề nhất.
Bán đảo Noto là khu du lịch với hai thành phố lớn nhất là Wajima và Wakura Onsen, có nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà dưỡng lão. Đây là hai nơi bị thiệt hại nặng trong động đất và cũng là hai địa phương có lao động Việt Nam được tuyển dụng làm việc theo tư cách kỹ năng đặc định và tư cách thực tập sinh.
Theo ông Phan Tiến Hoàng, bí thư thứ nhất, trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam, ngay sau khi xảy ra động đất, các tình nguyện viên đã kêu gọi, hỗ trợ mọi người, trong đó có lao động Việt Nam, đến nơi lánh nạn để đề phòng sóng thần.
Tối 1-1, Ban quản lý lao động đã cung cấp địa chỉ lánh nạn cho người Việt ở các tỉnh Niigata, Ishikawa và Toyama. Toàn bộ người Việt ở gần tâm chấn được đưa đi lánh nạn an toàn. Những người Việt tại nơi lánh nạn đã giúp nhau vượt qua khó khăn trong đêm lánh nạn. Ban quản lý lao động đã đề nghị người Việt tại đó cho biết những khó khăn trước mắt để có biện pháp giúp đỡ.
Tại nơi lánh nạn, mọi người được cấp phát đầy đủ các vật dụng cần thiết và đã trở về nhà vào sáng 2-1. Tuy nhiên, vào trưa 2-1, do có dư chấn mạnh gây ra cảnh báo sóng thần nên chính quyền tại một số khu vực yêu cầu mọi người trở lại khu lánh nạn.
Hiện nay, Ban quản lý lao động đã liên hệ với nghiệp đoàn và các doanh nghiệp có tuyển dụng lao động Việt Nam để xác nhận thông tin an toàn của lao động Việt Nam cũng như hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Tại tỉnh Toyoma, một số người Việt cho biết họ được tình nguyện viên cấp phát các vật dụng cần thiết và đã trở về nhà. Trước mắt chưa có khó khăn nào lớn, vấn đề hiện nay là nhà cửa, đồ đạc đổ vỡ ngổn ngang khắp nơi...
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho hay vẫn đang duy trì liên lạc chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại và các đầu mối cộng đồng người Việt tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng của động đất, sẵn sàng thực hiện công tác bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
Nhiều kênh hỗ trợ công dân Việt Nam ở Nhật Bản
Trong bối cảnh ảnh hưởng của trận động đất khá nặng nề, dư chấn sẽ còn tiếp diễn trong một số ngày tới, Công sứ Nguyễn Đức Minh cho biết đại sứ quán khuyến cáo tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản thường xuyên theo dõi chặt chẽ các thông báo cập nhật, tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng Nhật Bản, di chuyển tới các trạm lánh nạn được chính quyền địa phương chỉ định để được hỗ trợ như cung cấp thức ăn, nước uống, giữ ấm, chỗ ngủ, sơ cứu và chăm sóc y tế, giữ bình tĩnh, đồng thời tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa ảnh hưởng của các dư chấn trong những ngày tới.
Trong trường hợp khẩn cấp, cần hỗ trợ, công dân có thể liên hệ tới số máy bảo hộ công dân như sau:
Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo: +81-80-3590-9136, hoặc +81-80-20346868, +81-90-1255-5537, hoặc email: vnconsular@vnembassy.jp, website: vnembassy-jp.org.
Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka: +81-90-4769-6789.
Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka: +81-92263-7668.
Hoặc các đầu mối liên hệ của cộng đồng người Việt tại địa phương gần nhất.
Hoặc các số điện thoại liên hệ của cơ quan chức năng các địa phương nơi sinh sống:
+ Cơ quan ứng phó khẩn cấp tỉnh Ishikawa: 0762251111;
Website: pref.ishikawa.lg.jp/saigai/202401jishin.html
+ Cơ quan ứng phó nguy cơ tỉnh Niigata: 0252855511;
Website: pref.niigata.lg.jp/sec/kikitaisaku/jishin-20240101.html
+ Cơ quan ứng phó khẩn cấp tỉnh Toyama: 0764314111;
Website: pref.toyama.jp/1900/bousaianzen/noto_jishin20240102.html
+ Cơ quan ứng phó khẩn cấp Fukui: 0776211111;
Website: pref.fukui.lg.jp/doc/kikitaisaku/ishikawanotojishin.html
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận