17/04/2013 08:46 GMT+7

Chưa công bố dịch cúm H5N1 trên chim yến

D.THANH - V.KỲ - S.LÂM
D.THANH - V.KỲ - S.LÂM

TT - Cơ quan Thú y vùng 6 (Cục Thú y) quyết liệt đề nghị tỉnh Ninh Thuận công bố dịch cúm gia cầm trên đàn chim yến nuôi tại hai hộ đã phát hiện có chim yến chết.

* Chim yến nuôi chết tại TP Tân An, tỉnh Long An

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh nói phải chờ ý kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Lo âu chim yến nhiễm H5N1Khó ngăn ngừa dịch cúm H5N1 trên chim yến nuôiChim yến nuôi tiếp tục chết

mstSkdEm.jpgPhóng to
Chiều 16-4, trước rạp hát Thanh Bình - nơi có chim yến chết dương tính với virút H5N1 - vẫn còn nhiều cửa hàng vô tư bày bán đồ ăn - Ảnh: Văn Kỳ

“Từ kết quả giám sát suốt một tuần qua, theo quy định của pháp luật, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận công bố dịch cúm gia cầm H5N1 trên đàn chim yến nuôi tại rạp hát Thanh Bình của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Yến Việt và hộ ông Nguyễn Mỹ Hải ở P.Đạo Long (TP Phan Rang - Tháp Chàm)” - ông Nguyễn Xuân Bình, giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6, đề nghị như vậy với lãnh đạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh Ninh Thuận chiều tối 16-4.

Ông Bình nói về nguyên tắc khi phát hiện ổ dịch cúm gia cầm là phải công bố ngay, song do dịch cúm trên chim yến là vấn đề quá mới, có thể là đầu tiên trên thế giới nên việc giám sát từ ngày 9 đến 15-4 mà chưa công bố dịch là “hết sức chịu đựng”.

Theo báo cáo của Cục Thú y vùng 6, trong một tuần qua cơ quan này đã giám sát tại 27/59 hộ nuôi yến ở TP Phan Rang - Tháp Chàm và lấy 68 mẫu yến chết, 187 mẫu yến sống, 145 mẫu tổ yến và 120 mẫu phân yến để xét nghiệm. Ông Ngô Thanh Long - giám đốc Trung tâm chẩn đoán Cơ quan Thú y vùng 6 - cho biết qua xét nghiệm, toàn bộ mẫu chim yến chết đều dương tính với virút H5N1, điều đó khẳng định virút này đã xuất hiện, lan truyền trên đàn yến nuôi và gây ra cái chết cho số chim yến này.

“Cần nhanh chóng tiêu hủy đàn yến ở hai ổ dịch tại Phan Rang - Tháp Chàm để bảo vệ đàn yến VN và thực hiện đúng cam kết với thế giới về chống dịch bệnh gia cầm” - ông Long nói.

Ông Trần Xuân Hòa - phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh Ninh Thuận - cho hay tỉnh ghi nhận đề xuất của Cơ quan Thú y vùng 6, nhưng phải chờ chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mới công bố dịch tại hai hộ nuôi yến có chim dương tính với H5N1 và cách xử lý ổ dịch.

“Việc công bố dịch bây giờ không chỉ gây ảnh hưởng cho riêng tỉnh Ninh Thuận mà cả đối với chim yến của VN. Nếu không thận trọng trong việc công bố dịch thì mãi mãi người ta nghe đến sản phẩm yến của VN là không dám sử dụng nữa!” - ông Hòa nói.

Trong khi đó, ông Bình lại khẳng định việc chậm công bố dịch và chậm xử lý khiến nguy cơ dịch bệnh trên đàn yến lan truyền đến cộng đồng càng lớn.

“Tôi nghĩ tỉnh Ninh Thuận cần cân nhắc đến lợi ích xã hội nhiều hơn là lợi ích kinh tế” - ông Bình nói.

* Cùng ngày, ông Đinh Văn Thế - chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An - xác nhận tại hộ nuôi chim yến ở địa chỉ 134 Hùng Vương, P.2, TP Tân An có ba con chim yến bị chết. Ông Thế cho biết thêm hộ nuôi yến trên chăn nuôi theo kiểu tự phát với số lượng khoảng 400 con. Hiện tại Chi cục Thú y Long An đã xử lý, cách ly hiện trường theo đúng quy định, đồng thời gửi mẫu chim yến chết để xét nghiệm nguyên nhân chết. Nếu kết quả dương tính với cúm A/H5N1 thì Chi cục Thú y Long An sẽ buộc tiêu hủy hoàn toàn số chim yến tại cơ sở này để tránh tình trạng lây lan dịch và lên các phương án phòng chống dịch kịp thời.

Gửi mẫu yến bị dịch sang Úc phân tích gen

Ông Nguyễn Xuân Bình cho biết không chỉ xét nghiệm tại trung tâm chẩn đoán của đơn vị, mà cơ quan này cũng gửi các mẫu yến chết lấy tại TP Phan Rang - Tháp Chàm phúc kiểm tại Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương và tất cả các mẫu phúc kiểm đều cho kết quả chim yến chết dương tính với virút H5N1. “Thế giới rất quan tâm đến việc lần đầu tiên xảy ra dịch cúm H5N1 trên chim yến tại VN, vì thế mới đây phòng xét nghiệm tham chiếu của Tổ chức Thú y thế giới đặt tại Úc đã yêu cầu chúng tôi gửi mẫu chim yến bị dịch H5N1 tại tỉnh Ninh Thuận sang để họ phân tích cấu trúc gen. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan thú y quốc tế để nghiên cứu về tình trạng dịch bệnh trên chim yến” - ông Bình nói.

Chưa phát hiện virút H7N9 trên gia cầm

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 16-4, ông Đàm Xuân Thành - phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) - cho biết đơn vị này cùng Trung tâm Chẩn đoán thú y T.Ư đã lấy 500 mẫu gia cầm nhập lậu và gia cầm tại các chợ để xét nghiệm tìm virút cúm A/H7N9. Kết quả xét nghiệm đến chiều cùng ngày cho thấy 151/500 mẫu được lấy từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Hưng Yên, Tuyên Quang đều âm tính với virút cúm A/H5N1 và H7N9.

Ông Thành cho biết Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) tài trợ 50.000 USD để VN khẩn cấp giám sát phát hiện virút cúm A/H7N9 ở gà nhập lậu hoặc gia cầm ở 60 chợ, điểm thu gom gia cầm giáp biên giới với Trung Quốc. Hiện các cơ quan chức năng của Cục Thú y đang gấp rút triển khai công tác này, dự kiến sẽ lấy 7.200 mẫu gia cầm vào cuối tháng này để xét nghiệm.

Đ.BÌNH

D.THANH - V.KỲ - S.LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên