15/03/2016 09:27 GMT+7

Chưa công bằng với bệnh viện tư...

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)

TT - Một số bệnh viện tư ấm ức, bức xúc nói như vậy tại hội nghị về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với các cơ sở y tế tư nhân do Bảo hiểm xã hội VN và Hiệp hội Bệnh viện tư nhân VN tổ chức ngày 14-3 tại TP.HCM.

Nhiều bệnh viện tư nhân có cơ sở vật chất khang trang nhưng vẫn trong tình trạng... ế! - Ảnh: Hữu Khoa
Nhiều bệnh viện tư nhân có cơ sở vật chất khang trang nhưng vẫn trong tình trạng... ế! - Ảnh: Hữu Khoa

 

Tham dự hội nghị có hơn 120 bệnh viện (BV) tư từ Huế trở vào, lãnh đạo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN và BHXH hơn 10 tỉnh thành. Hội nghị không có đại diện Bộ Y tế và việc này được ông Nguyễn Văn Đệ - chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân VN (hiệp hội) - giải thích là do giữa Bộ Y tế và hiệp hội chưa có sự hợp tác khi làm việc.

BV tư đi đầu trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bắt buộc các BV công phải chạy theo. Nếu chưa có BV tư thì chưa chắc BV công đã làm tốt chất lượng dịch vụ y tế

Ông NGUYỄN ĐÌNH KHƯƠNG (phó tổng giám đốc BHXH VN)

Nghịch lý bệnh viện tư

Mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Đình Khương - phó tổng giám đốc BHXH VN - nói sau 15 năm thực hiện xã hội hóa y tế, y tế tư nhân có những bước phát triển rất rõ rệt, cả nước hiện có hơn 170 BV tư và 30.000 phòng khám, cơ sở y tế tư nhân.

Các BV công cũng đẩy mạnh xã hội hóa y tế, trong đó hình thức phát triển mạnh nhất là liên doanh liên kết để lắp đặt máy móc, trang thiết bị y tế. Theo ông Khương, đến nay có khoảng 4.500-5.000 tỉ đồng được đầu tư nhờ xã hội hóa y tế.

Ông Khương khẳng định y tế tư nhân vẫn còn rất nhiều tồn tại, nhưng là cơ quan bảo vệ quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH không phân biệt công tư, nếu “chăm sóc khách hàng của chúng tôi tốt thì chúng tôi bảo vệ”.

Tuy phát triển mạnh nhưng trong hệ thống cơ sở khám chữa bệnh, BV tư mới chiếm khoảng 15% số giường bệnh nói chung, người dân vào khám chữa bệnh chỉ chiếm khoảng 6-7%. Trong khi các BV công quá tải thì công suất sử dụng của đa số BV tư chỉ đạt 50-60%.

Ông Khương đặt ra hàng loạt câu hỏi “tại sao nghịch lý như thế” và đề nghị các BV tư tìm câu trả lời. Tuy hỏi như vậy nhưng ông Khương lại dẫn chứng nghịch lý khi xã hội hóa y tế ở ngay chính BV công là “tích cực chỉ định, khai thác xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để thu hồi vốn nhanh”.

Cách đây 5-10 năm, chi phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chỉ chiếm khoảng 25-30% tổng chi phí khám chữa bệnh nhưng hiện lên đến 45-50%. “Một ông xích lô bị tai nạn gãy ngón tay mà cũng hỏi chụp CT scanner không. Ai lạm dụng kỹ thuật, đó là vô nhân đạo” - ông Khương bức xúc.

Ông Khương khẳng định để các BV tư phát triển phải trả lời được lý do gì BV tư chưa phát triển được, có phải do cơ chế, thuế, khâu tổ chức thực hiện không hay là do quy định phân tuyến kỹ thuật, phân bổ thẻ BHYT, giá dịch vụ y tế cao...?

Ông Khương khẳng định những kiến nghị nào thuộc BHXH VN cơ quan này sẽ xem xét giải quyết, nếu thuộc bộ, ngành khác thì sẽ kiến nghị xem xét.

Văn bản như “lá chắn thép”

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Đệ có nhiều ý kiến gay gắt, bức xúc Bộ Y tế về nhiều chính sách chưa công bằng, “ngăn sông cấm chợ” với BV tư nhân.

Theo ông Đệ, các nhà đầu tư đã mạo hiểm bỏ vốn đầu tư BV, trong đó có nhiều BV đầu tư hàng trăm tỉ, nghìn tỉ đồng có nguy cơ vỡ nợ.

Dần dần tiếng nói của hệ thống y tế tư nhân mất luôn, chính sách ban hành của Bộ Y tế không quan tâm đến hệ thống y tế tư nhân. Khi có văn bản liên quan đến y tế tư nhân thì văn bản lại như “lá chắn thép” gây khó khăn cho BV tư.

Ông Đệ còn cho rằng thời gian qua Bộ Y tế chưa hợp tác với hiệp hội, có những kiến nghị của hiệp hội không được bộ quan tâm trả lời. Bản thân ông và hiệp hội phải “đấu tranh” với Bộ Y tế rất nhiều, thậm chí phải tìm gặp cả phó thủ tướng, ra cả Quốc hội để có ý kiến mới được tháo gỡ khó khăn.

“Tư tưởng bao cấp ở Bộ Y tế còn nặng nề, coi hơn 1.000 BV công là con đẻ, còn BV tư thì như con ghẻ” - ông Đệ bức xúc.

Ông Đệ đặt câu hỏi: BV công có kinh doanh không? Và ông khẳng định là có vì BV công vẫn thu thêm của người bệnh BHYT, cũng mổ dịch vụ, khám dịch vụ... trong khi cơ sở vật chất, con người, ngân sách cấp đều của Nhà nước...

Sẽ có thêm cơ chế thuận lợi

Theo ông Lê Văn Phúc - phó trưởng ban chính sách BHYT, BHXH VN, tính đến năm 2015 cả nước có 150 BV tư, 167 phòng khám tư ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với BHXH, với tổng số thẻ BHYT đăng ký là 3 triệu thẻ, rất ít so với các cơ sở y tế công lập (64 triệu thẻ).

Về cơ cấu chi phí khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tư nhân, theo ông Phúc, chỉ định làm cận lâm sàng ở khu vực ngoại trú của cơ sở y tế tư rất cao (hơn 35,4%) trong khi cơ sở y tế công gần 21%, nhưng chi phí về thuốc, dịch vụ kỹ thuật, khám, giường bệnh ở tư nhân lại thấp hơn.

Ông Phúc cũng cho rằng việc thu hút người bệnh đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tư nhân còn hạn chế hơn công. Có bất bình đẳng trong việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật giữa cơ sở y tế công và tư. Rất ít BV công chuyển bệnh nhân sang BV tư để điều trị - dù trình độ chuyên môn của BV tư rất tốt.

Theo ông Phúc, có nhiều lý do để BV công không chuyển bệnh nhân sang BV tư, trong đó có lý do có sở y tế chỉ cho chuyển lên BV công tuyến trên. Một số cơ sở y tế tư còn chưa tiết kiệm, hiệu quả trong việc sử dụng quỹ BHYT...

Trước nhiều ý kiến bức xúc về sự phân biệt công tư, ông Phạm Lương Sơn - trưởng ban chính sách BHYT, BHXH VN - khẳng định cơ chế chính sách của Nhà nước hoàn toàn không có sự phân biệt này nhưng vẫn còn rơi rớt sự phân biệt.

Tuy nhiên ông Sơn đề nghị các BV tư cần nghiên cứu các văn bản quy định vì có nhiều quy định tháo gỡ phần lớn khó khăn cho BV tư nhưng nhiều BV chưa tìm hiểu kỹ.

"Có quan tâm nhưng chưa đủ"

Tại hội thảo, giám đốc nhiều BV tư ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Huế, Bình Thuận, Đà Lạt, TP.HCM, Đồng Nai đã có nhiều ý kiến bức xúc, trăn trở xung quanh việc BV tư nhân gặp khó khăn vì ít thẻ BHYT đăng ký ban đầu ở BV tư, vì thiếu nhân lực, vì bị chính sở y tế địa phương làm khó, quy định thông tuyến, chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật…chưa hợp lý.

“Nghịch cảnh đang diễn ra giữa BV công. BV công thích quá tải, tìm mọi cách để quá tải. Trong khi đó non một nửa BV tư đang sống thoi thóp dù có vốn đầu tư 500-700 tỉ đồng, hàng ngàn tỉ đồng.

Chính sách, nhân sự bị lép vế, giá cả thì chưa được thu đúng thu đủ với bệnh nhân BHYT. BV tư mà thu như BV nhà nước thì 1-2 tháng là phải dẹp tiệm. BV tư mà không có bệnh nhân BHYT, không được khám thông tuyến thì khám bệnh cho ai!

Dù Nhà nước có quan tâm đến BV tư nhưng chưa đủ, chưa đúng…” - giám đốc một BV tư nhân nói.

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên