Thứ trưởng Tiến cho hay hiện nay phía Nhật Bản đang tiến hành điều tra, xây dựng báo cáo khả thi cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Dự kiến tháng 3-2013 sẽ hoàn tất báo cáo này. Sau khi có báo cáo, chúng ta mới biết giá trị nhà máy như thế nào để biết giá trị vay cụ thể.
* Về nhân sự, chúng ta đang chuẩn bị thế nào?
- Chính phủ đã thông qua ngân sách dành 2.000 tỉ đồng từ nay đến năm 2020 để đào tạo nhân lực. Chúng ta đã gửi 70 người sang Nga đào tạo đại học; còn các nhân sự làm công việc liên quan điện hạt nhân và năng lượng nguyên tử thì vẫn đang gửi cán bộ sang Nhật Bản và Nga để học tập kinh nghiệm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định, đánh giá dự án...
* Việc giảm công suất dự kiến của các nhà máy điện hạt nhân từ 15.000MW xuống 10.700MW là do ảnh hưởng từ sự cố hạt nhân ở Fukushima hay do điều chỉnh nhu cầu của chúng ta?
- Tỉ lệ này được đưa ra trong tổng sơ đồ phát triển điện lực 7 mà Thủ tướng mới thông qua, trong đó đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân có công suất 10.700MW, chiếm 10,1% sản lượng điện sản xuất. Có hai yếu tố dẫn đến giảm: thứ nhất, việc rà soát lại nhu cầu điện là việc thường xuyên để điều chỉnh; hai là phải tính lại cơ cấu các nguồn điện năng khác nhau. Để đảm bảo bền vững phải đa dạng hóa nguồn năng lượng nhằm giảm tính rủi ro để khi có sự cố, không chỉ trong lĩnh vực điện hạt nhân, mà ví dụ thủy điện lại gặp hạn hán thì cũng căng, thì chúng ta giảm sự phụ thuộc.
* Dự án nhà máy ở Ninh Thuận sẽ thực hiện theo kiểu chìa khóa trao tay?
- Đúng vậy. Đối tác nước ngoài là EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình hay hợp đồng tổng thầu EPC - PV) nhưng chúng ta sẽ tối đa hóa sự tham gia trong nước. Phía VN sẽ là nhà thầu phụ, qua đó nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước.
* Nguồn nguyên liệu sẽ được nhập khẩu hay sử dụng nguyên liệu trong nước?
- Về vật liệu xây dựng, những gì ta đáp ứng được thì sẽ đàm phán để đáp ứng tại chỗ. Nhìn chung các nhà thầu cũng muốn như vậy vì sẽ tiết kiệm chi phí. Về nhiên liệu, cơ bản nước nào cung cấp nhà máy sẽ cung cấp nhiên liệu. Việc này liên quan tới làm giàu uranium, đòi hỏi phải có quặng uranium rất tốn kém và là công nghệ phức tạp mà không ai chuyển giao, đồng thời thế giới cũng không khuyến khích chuyển giao vì đây là vấn đề nhạy cảm.
* Những tổ máy tiếp theo sau hai nhà máy đầu tiên ở Ninh Thuận có sử dụng công nghệ nước khác không hay vẫn dùng công nghệ cũ để dễ dàng vận hành và đào tạo? - Cái khó của chúng ta là làm nhà máy phải vay tín dụng nước ngoài. Nếu chúng ta bỏ tiền ra làm, có thể chọn công nghệ mình muốn. Còn khi đã vay tín dụng nước nào để làm điện hạt nhân thì phải dựa vào công nghệ của họ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận