Bé Hoàn tuy đã đi học lại nhưng vẫn tìm lý do né việc học tập khi cha mẹ yêu cầu. Bé chỉ muốn chơi điện tử và ngủ dậy muộn. Chị Hương, mẹ của bé, phải nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý.
Thật ra, câu chuyện này lại nằm ở người lớn. Để con sẵn sàng trở lại “phong độ”, cha mẹ cần làm cho trẻ hiểu rõ những công việc hằng ngày trẻ phải thực hiện như duy trì thời gian học tập, làm việc nhà, xác định thời gian thư giãn.
Cho dù trẻ chưa thật sự tự giác và thích thú nhưng cần kiên quyết với trẻ. Có thể bắt đầu từ những việc nhẹ nhàng mà trẻ ưa thích đến những việc lớn hơn. Chẳng hạn trong học tập, chọn những môn học trẻ ưa thích để học trước, làm bài tập thì kiên trì từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều để trẻ đỡ bị “ngợp”. Đồng thời tạo điều kiện để trẻ vui chơi giải trí lành mạnh.
Mỗi ngày tìm cho trẻ một niềm vui như chơi môn thể thao trẻ yêu thích hay tưới cây, chăm sóc vườn hoa... Hạn chế tối đa các trò chơi điện tử cũng như các hoạt động giải trí trên truyền hình.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên giúp trẻ đổi mới phương pháp học tập, hoặc dành cho trẻ một không gian mới như sắp xếp bàn ghế ngay ngắn, gọn gàng, giá sách khoa học, thẩm mỹ... sẽ tạo không khí mới mẻ, sinh động, kích thích trẻ muốn ngồi vào bàn học hơn.
Nếu trẻ không hứng thú khi học, cha mẹ có thể bắt đầu với con bằng một cuốn truyện tranh, những bản nhạc trẻ thích để khơi nguồn cảm hứng cho trẻ. Có thể cùng trẻ mua thêm đồ dùng học tập, sách vở, tài liệu tham khảo.
Ngoài ra, cha mẹ cần thể hiện sự quan tâm đến con bằng việc hỏi han con những niềm vui ở lớp, những mối quan hệ với bạn bè có điều gì thú vị. Kích thích niềm vui ở trường chính là cách khắc phục sức ì của trẻ.
Phần lớn trẻ thường chán nản khi ở nhà, nhưng hào hứng với việc đến trường bởi những hoạt động cũng như các mối quan hệ với bạn bè, với các trò chơi hấp dẫn.
Vì thế, thời điểm này cha mẹ cần kích thích con bộc bạch nhiều hơn về các mối quan hệ ở trường, những trò chơi con yêu thích khi tham gia với các bạn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận