Phóng to |
Hãy lắng nghe những tâm tình đó để cùng chia sẻ và thảo luận về đề tài này: đây là căn bệnh của những người kém năng động, ít sáng tạo, lười biếng, dễ bỏ cuộc hay là căn bệnh thời hiện đại của giới trẻ: cuộc sống ào ạt, cuồn cuộn nhưng họ vẫn thấy bế tắc, chán ngán? Và quan trọng hơn: làm sao mỗi người giúp chính mình lấy lại phong độ? Mọi ý kiến xin gửi về nhipsongtre@tuoitre.com.vn.
Tôi đã vượt qua Tôi đã từng như thế trong bảy năm. Thời gian đó tôi sinh ba đứa con và học cao học nên chẳng nghĩ gì cả. Tuy nhiên, sau đó thì con bé nhất của tôi hơn 2 tuổi, tôi học xong cao học nên quyết định chuyển công tác. Lại thấy có một môi trường mới, nhiều thách thức mới mà có lúc tôi nghĩ do bảy năm vừa rồi không làm gì nhiều nên tưởng chừng không thể vượt qua. Lo lắng có lúc làm tôi thấy không thở được. Nhưng rồi cũng qua, lại thấy tự tin lên rất nhiều. Tôi nghĩ trong những trường hợp như vậy, cách tốt nhất là thay đổi. Đưa mình vào một môi trường mới với nhiều thử thách. Vượt qua những thử thách đó sẽ làm mình có cảm giác khác hẳn, tự tin, năng động, quý trọng bản thân hơn. Đặc biệt là mình lại thấy có nhiều cơ hội hấp dẫn khác mở ra với bản thân. Thật đấy. Cứ thử thay đổi đi, bạn sẽ làm được những điều bạn nghĩ là không được. Hãy khám phá năng lực bản thân bạn. me3kids (tttninh@...) |
Đọc bài viết tôi tưởng như tác giả đang nói về chính mình vậy. Tôi ngày càng “ì” ra, chẳng thiết động não về bất cứ việc gì, không chỉ ở cơ quan mà ngay ở nhà cũng vậy. Tôi là một người đi làm xa quê, chỉ thui thủi một mình trong phòng trọ chật hẹp. Ngày đầu mới vào làm tôi tưởng tượng bao nhiêu điều để làm, nghĩ ra bao kế hoạch triển khai, nhưng dần dà công việc cứ lặp đi lặp lại khiến tôi thấy chán nản rồi bỏ bê, đâm ra... thụ động.
Kể cả cuộc sống ngoài công việc của tôi cũng thế, cứ một chu kỳ lặp đi lặp lại là sáng đi làm, chiều về nhà, tối nằm xem tivi rồi ngủ. Tôi cũng muốn thay đổi lắm nhưng chẳng biết làm sao đây. Đi uống cà phê riết rồi cũng chán (còn tốn kém nữa), ở nhà xem phim hoài cáng chán hơn! Ai hiểu mà chia sẻ với tôi đây?
Quỳnh Vi
Cần một môi trường mới
Hôm nay khi đọc bài “Bệnh ì” của Vi Thảo và ý kiến của các anh chị, tôi cảm thấy thấp thoáng bóng dáng mình trong đó. Tôi biết xung quanh mình cũng có nhiều bạn trẻ như thế. Sau tám năm gắn bó với công việc thì gần tháng nay tôi cảm thấy mình đang “ì” ra và loay hoay mãi không biết phải làm sao thoát ra, làm gì để “F5” (làm mới) bản thân, điều trước đây tôi chưa bao giờ mắc phải.
Từng là một người năng nổ, luôn tìm tòi sáng tạo trong công việc, làm không biết chán, không ngại khó nhưng giờ đây mỗi sáng thức dậy đi làm tôi cảm giác như có gì đó rất nặng nề, công việc thì không chạy, không biết do bản thân thiếu tự tin hay môi trường làm việc không còn phù hợp?
Tôi cứ hỏi và tự trả lời, tự nhủ “phải cố lên, đó chỉ là một cơn say nắng thoáng qua rồi sẽ hết thôi”. Nhưng càng ngày tôi càng thấy không ổn và trong đầu bắt đầu suy nghĩ “có lẽ nên tìm việc mới, môi trường thử thách mới”. Đến giờ tôi vẫn còn do dự, vẫn không tự tin vào bản thân có thể làm tốt hơn ở môi trường mới, công việc mới.
Trong lúc này tôi phải làm gì?
peterpham2802@...
Sếp làm nhân viên thui chột
Tôi thấy có rất nhiều nguyên nhân khiến nhân viên có sức ì lớn khi làm việc ở các cơ quan nhà nước hiện nay:
- Sếp không coi trọng nhân viên, dẫn đến phần lớn sếp quyết định hết mọi việc, do vậy ý kiến của nhân viên có tốt hay không cũng chỉ để tham khảo. Ngay cả khi lấy người vào chỗ mình sếp cũng không muốn lấy người giỏi hoặc nếu có người giỏi cũng không giao việc xứng đáng. Do vậy đòi hỏi người lãnh đạo phải hết sức vô tư tìm người tài cho sự phát triển của công ty chứ không đưa theo ý thích cá nhân của mình vào.
- Đối với nhân viên thì họ sẽ nhận ra ngay nếu sếp cứ ôm việc quan trọng và không giao cho họ công việc và không có sự tin tưởng. Do vậy họ có vài cách đối xử trong trường hợp này, có thể bỏ đi nơi khác nếu có khả năng, còn đa số chọn giải pháp im lặng vì nói còn bị ghét thêm, không được lợi gì cả. Cứ như thế ngày qua ngày, họ vẫn đi làm nhưng hoàn toàn là người khác: không chính kiến, không ý kiến và gần như không nói điều gì, sếp nói thế nào làm thế ấy để giữ nồi cơm cho cả gia đình.
Như vậy, càng ngày mọi việc của công ty lúc đó sẽ chủ yếu do sếp quyết định, bất cần đúng sai. Điều đó sẽ dẫn đến những điều tệ hại.
Nguyễn Văn Tâm
Tôi muốn thay đổi nhưng làm sao?...
Tôi rất thích bài viết “bệnh ì” vì thấy chính mình trong đó. Và tâm trạng của bạn cũng y như tôi. Việc “kê toa” tôi đã làm rồi nhưng mọi thứ vẫn không thay đổi vì không biết mình thích việc gì, phù hợp công việc gì, nhiều lúc muốn đi học thêm kỹ năng mới mà không biết chọn lĩnh vực nào để học. Mọi thứ với tôi thật nhàm chán, công việc cứ bình bình, người yêu thì chưa có, dần dần tôi cảm thấy không tự tin vào bản thân, mơ hồ tất cả. Tôi cảm thấy mình dở, chậm chạp quá, không biết nhìn xa trông rộng. Tôi không sợ khó khăn, thử thách trên con đường của mình, nhưng điều làm tôi lo sợ là không biết chọn con đường nào phù hợp với chính mình.
Các bạn ơi, cho tôi một lời khuyên vì thật sự tôi muốn thay đổi!
Nên mở diễn đàn về “những kẻ ì” Nếu có một tổ chức nào đó làm một cuộc điều tra thì tôi tin chắc kết quả sẽ thật thú vị (tỉ lệ kẻ ì làm việc văn phòng cao không tưởng nổi!). Vậy, để không phải chỉ là lý thuyết suông, để không lãng phí năng lực cũng như thời gian quý báu của những người có năng lực nhưng rất ì, tại sao báo Tuổi Trẻ hoặc tổ chức nào đó không đứng ra lập một diễn đàn để những “kẻ ì” này cùng tham gia trao đổi? Tôi tin sẽ có rất nhiều điều thú vị và bổ ích từ diễn đàn này. NGUYỄN PHI |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận