Lực lượng chức năng khám xét một trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM - Ảnh: T.L
Xử lý cả chủ xe và đăng kiểm viên
Theo luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM), đối với các chủ xe đưa tiền trực tiếp hoặc qua trung gian cho đăng kiểm viên để bỏ qua lỗi, xe được đăng kiểm, tùy theo mức độ mà bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự về tội đưa hối lộ.
Cụ thể, đối với việc đưa hối lộ dưới 2 triệu đồng, sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm c khoản 3 điều 21 nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng.
Đối với việc đưa hối lộ từ 2 triệu đồng trở lên, bị xem xét xử lý hình sự theo điều 364 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trong trường hợp người đưa hối lộ chứng minh được việc mình bị ép buộc để hối lộ và chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ tiền đã dùng để đưa hối lộ.
Trường hợp người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ tiền đã dùng để đưa hối lộ.
Với hành vi của đăng kiểm viên làm việc trong các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới - đơn vị sự nghiệp công lập - được xem là công chức, viên chức hoặc giám đốc, người có chức vụ quyền hạn trong các trung tâm kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới thì đều là chủ thể của tội nhận hối lộ.
Hành vi của những người này sẽ bị xem xét xử lý hình sự theo quy định tại điều 354 Bộ luật hình sự hoặc bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ.
Nếu nhận tiền dưới 2 triệu đồng thì bị xem xét xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đối với công chức, viên chức; với công chức giữ chức vụ quản lý thì bị áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức. Trường hợp nhận tiền dưới 2 triệu nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự.
Hành vi nhận tiền từ 2 triệu đồng trở lên đương nhiên bị xử lý hình sự và trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định buộc thôi việc.
Thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm sai
Trường hợp các giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định đã cấp (nếu còn hiệu lực) cho các xe không đảm bảo điều kiện, sẽ bị đơn vị đã đăng kiểm có trách nhiệm thu hồi và báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Theo đó, các trung tâm đăng kiểm phải rà soát lại hồ sơ và kịp thời gửi thông báo thu hồi cho chủ xe.
Chủ xe phải có trách nhiệm nộp giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định khi có thông báo thu hồi của đơn vị đăng kiểm. Để được miễn trách nhiệm hình sự hoặc xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi có hành vi đưa hối lộ, cần chủ động liên hệ, làm việc với cơ quan điều tra và chủ động nộp lại giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, ngày 21-12, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ra quyết định tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới trong thời hạn 3 tháng đối với hai trung tâm đăng kiểm 50-17D (huyện Nhà Bè) và 50-10D (huyện Củ Chi), do vi phạm quy định tại nghị định 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Cơ quan điều tra xác định lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm trên đã nhận tiền của hơn 70.000 xe thông qua các "cò" kiểm định, thu lợi ước tính trên 10 tỉ đồng.
Công an TP cũng đã kiến nghị kiểm tra, thu hồi giấy kiểm định với các xe không đủ điều kiện nhưng vẫn được đăng kiểm lưu hành vì các xe này có khả năng gây nguy hiểm, làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận