Phóng to |
Ông Bộ nói chuyện với cháu gái tại phòng tiền phẫu (phòng chờ mổ) Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: M.Lăng |
Chú tên Cao Văn Bộ. Cháu tên Cao Thị Út. Cả hai chú cháu đều là nông dân ở Tuy An (Phú Yên). Chú nhìn già nua, khắc khổ, mái tóc xoăn lấm tấm bạc đã xơ cứng vì nắng gió, vì một đời lam lũ. Còn cháu xanh xao, tím tái và tóp teo người vì căn bệnh tim đã lâu giờ mới biết.
Cháu mồ côi cha từ khi chưa lọt lòng. Mới được 2 tháng tuổi thì mẹ mất. Chú nuôi cháu từ khi chưa vợ, mới chớm 22. Ông kể: “Mấy chị lớn lấy chồng hết rồi. Thấy bầy cháu lít nhít nheo nhóc, bơ vơ tội quá. Hàng xóm có người đến xin về nuôi nhưng tui không chịu. Ba má nó mất rồi, sao nỡ để tụi nhỏ ở với người dưng”. Ngày ấy, sức trai trẻ, ông quần quật làm ngày làm đêm để có tiền nuôi bốn đứa cháu nhỏ. Mấy sào ruộng hai vụ nhà có, tự tay ông gieo mạ, cấy lúa, thu hoạch, phơi phóng... không dám mướn ai. Rồi ông đi làm thuê, lên rừng lấy cây lấy củi về bán; chăn bò, nuôi heo... Tháng 4-1976, ông Bộ lấy vợ rồi sinh một loạt tám đứa. Cả nhà 14 miệng ăn nhưng chỉ có hai lao động chính, vợ chồng ông Bộ làm không dám nghỉ ngơi, ngày nào cũng tối mịt mới về nhà.
Út lấy chồng. Nhà chồng cũng nghèo khó. Ông Bộ lại là chỗ dựa tinh thần lẫn vật chất cho đứa cháu gái có số phận không may mắn. Mỗi lần túng thiếu, chị lại về gặp chú. Mấy năm nay, khi thấy mệt trong người quá, đi khám, chị mới biết mình bị tim. Mỗi lần đến bệnh viện, người duy nhất ở bên cạnh chị, làm thủ tục khám chữa bệnh, mua thuốc, trả tiền... là chú. Chồng chị thì mù, không thể đi lại nhiều. Hai đứa con còn quá nhỏ. Cha mẹ chồng lớn tuổi.
Chuyến vào Sài Gòn lần này vẫn lại là chú đưa chị đi. Chú đi, bỏ lại công việc đồng áng, đàn bò... những việc vẫn còn cần người đàn ông trong nhà cáng đáng, tạm gác lại nỗi băn khoăn vì vợ chú cũng đang đau bệnh, bị huyết áp. “Hồi trước có 6 sào ruộng. Năm 2009 lụt to, bồi phù sa lên lấp hết còn có 4 sào thôi. Tui nuôi nó từ nhỏ, coi nó như con nên thôi tạm gác hết lại” - ông Bộ nói.
Chị Út nhập viện ngày 2-10-2013. “Khi nhập viện, tim bệnh nhân đã bị ảnh hưởng nặng về hình thể học và chức năng. Cả hai van tim đều bị hư. Bệnh nhân được chẩn đoán bị hẹp van hai lá khít, hẹp hở van động mạch chủ, tăng áp lực động mạch phổi nặng. Bệnh nhân phải mổ thay cả hai van để điều trị tim thì tiên lượng dự hậu mới tốt hơn” - bác sĩ Lê Thành Khánh Vân (khoa hồi sức phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết.
Phải phẫu thuật. Nhưng chi phí lên tới 100 triệu đồng. Số tiền đó là cả gia tài với người quanh năm suốt tháng đi làm mướn như chị Út. Lúc vào đây, ông Bộ chỉ có hơn 5 triệu đồng. Thương cháu, ông lại lặn lội ra Phú Yên vét hết tiền ở nhà, gom thêm tiền của mấy đứa cháu, mượn thêm tiền hàng xóm... mới được mười mấy triệu! Cầm tiền, ông bật khóc. Tối, ông trải chiếu ngoài hành lang nằm ngủ. Ăn uống thì nhờ cơm từ thiện ở bệnh viện. “Cơm cho con Út thì mình mua của bệnh viện nhưng nhiều khi nó mệt, ăn không nổi, thèm cái này cái kia, tui chạy ra ngoài mua cho nó. Vậy chớ nhiều lúc nó cũng không ăn nổi. Tui thương lắm, lo lắm nhưng không biết làm gì được” - ông Bộ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận