09/12/2020 07:41 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: TP Thủ Đức - hoài bão lớn

VIỄN SỰ - TIẾN LONG thực hiện
VIỄN SỰ - TIẾN LONG thực hiện

TTO - Hôm nay (9-12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua việc thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: TP Thủ Đức - hoài bão lớn - Ảnh 1.

Trục đường "xương sống" xa lộ Hà Nội với bên phải là Khu công nghệ cao quận 9, bên trái phía trên là ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ: "Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV này, TP.HCM đã kiên trì kiến nghị đề xuất được hai điều rất quan trọng, đó là: Quốc hội ban hành nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Đây là tiền đề pháp lý quan trọng để xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập TP Thủ Đức.

TP Thủ Đức là một hoài bão lớn để trở thành TP công nghệ, là nhân tố phát triển mới trong tương lai của TP.HCM và cả nước".

TP Thủ Đức có gì khác trước?

* TP Thủ Đức là hoài bão lớn nhưng người dân vẫn có những băn khoăn, ông có nghe được điều này?

- Tôi có lắng nghe ý kiến người dân. Có nhiều người thắc mắc là 23 năm trước tách huyện Thủ Đức thành ba quận, rồi nay nhập lại thành TP Thủ Đức cũng ba quận đó. Vậy có gì khác?

Người dân đặt vấn đề rất đúng. Trong 23 năm qua, quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 đã phát triển mạnh mẽ, hình thành nên nhiều trung tâm, trụ cột về khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo...

Quận Thủ Đức có ĐHQG TP.HCM, quận 9 có Khu công nghệ cao, quận 2 có khu đô thị mới Thủ Thiêm... Nhưng các trụ cột này nằm rời rạc, ít tương tác. Khi thành lập TP Thủ Đức, sẽ có bộ máy thống nhất và tăng tính tương tác giữa các trụ cột.

TP Thủ Đức được kỳ vọng là "hạt nhân" thúc đẩy, dẫn dắt kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững.

Góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp. Là đòn bẩy góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân TP.HCM nói chung và TP Thủ Đức nói riêng.

* Những trụ cột đó sẽ phải thay đổi thế nào khi TP Thủ Đức hình thành?

- TP Thủ Đức rộng hơn 21.000ha, gấp hơn 50 lần quận 4, và hơn 1 triệu dân. Cốt lõi việc hình thành TP Thủ Đức là tạo ra một hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo trên nền tảng kinh tế tri thức từ các trụ cột sẵn có.

Đó là biến ĐHQG TP.HCM thành trung tâm công nghệ giáo dục; biến Khu công nghệ cao thành trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ. Viện công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam, trung tâm tài chính, trung tâm nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng hình thành tại đây.

Hướng đến kết nối các trường ĐH với các dịch vụ tài chính, công nghệ tài chính. TP Thủ Đức được kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM và khoảng 7% GDP cả nước.

TP.HCM cũng đang phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông tính toán các tiêu chí, xác định phát triển kinh tế... Nôm na là hình thành "biệt đội" doanh nghiệp giỏi, chuyên gia giỏi về kinh tế số, giúp các doanh nghiệp chưa hiểu về kinh tế số vận hành nó.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: TP Thủ Đức - hoài bão lớn - Ảnh 2.

Cử tri có ý kiến là thành lập TP Thủ Đức người dân được những gì? Quy hoạch, định hướng là đúng rồi nhưng cần nhất là triển khai nhanh, hành động ngay, làm cho chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Chủ tịch UBND TP.HCM NGUYỄN THÀNH PHONG

"Người dân được gì" mới quan trọng nhất!

* Khi được thông qua việc thành lập TP Thủ Đức, việc đầu tiên làm sẽ là gì, thưa ông?

- Trước hết phải biến ý tưởng thành những quy hoạch cụ thể và triển khai ngay. Ban chỉ đạo về xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP do tôi làm trưởng ban đã công bố kế hoạch hành động, Ngân hàng Thế giới cho biết sẵn sàng hỗ trợ để làm quy hoạch.

Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, quy hoạch TP Thủ Đức sẽ được cập nhật vào quy hoạch chung TP.HCM (hiện đang điều chỉnh) và kêu gọi đầu tư. Mục tiêu là xây dựng một TP Thủ Đức hiện đại, theo xu hướng xanh, thân thiện môi trường.

* Người dân ba quận hiện nay muốn hỏi rằng họ sẽ được gì khi thành lập TP Thủ Đức?

- Đầu tiên là hạ tầng giao thông, cuối năm 2021 phải vận hành cho được tuyến metro số 1; hoàn thành sớm cầu Thủ Thiêm 2 và triển khai tiếp các cầu khác từ Thủ Thiêm qua các quận.

Thứ hai, phải làm cho môi trường sống tốt hơn thông qua các chương trình như: nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; cuộc vận động người dân không xả rác ra đường, kênh rạch...

Đã có dự kiến vận động trồng 1 triệu cây xanh tại TP Thủ Đức và chính quyền sẽ vận động, hỗ trợ người dân cùng thực hiện. TP Thủ Đức phải chuyển động, người dân phải thấy cuộc sống của mình tốt hơn, đó là mục tiêu hàng đầu.

Thứ ba, triển khai xây dựng phát triển và kêu gọi đầu tư 8 khu đô thị:

- Trung tâm tài chính gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm;

- Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc;

- Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao;

- Trung tâm giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ;

- Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam;

- Trung tâm công nghệ sinh thái - khu vực Tam Đa và ĐH Long Phước;

- Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng container Cát Lái;

- Khu đô thị cảng Trường Thọ - đô thị tương lai.

Việc này sẽ thay đổi nhanh chóng diện mạo TP Thủ Đức, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

* Đối với khoa học công nghệ trong đề án TP Thủ Đức, TP.HCM sẽ làm gì để người dân được hưởng lợi tốt nhất từ đề án?

- Tôi đã giao cho Sở Quy hoạch - kiến trúc xây dựng chương trình phát triển, xác định tiến độ, nơi chịu trách nhiệm triển khai thực hiện khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông.

Vừa làm quy hoạch vừa kêu gọi đầu tư, quy hoạch phải tốt thì mới thu hút đầu tư. Đồng thời, tính toán nguồn nhân lực cho từng ngành và kế hoạch đào tạo. Ước mơ sẽ không bao giờ thực hiện được nếu không có nguồn lực tương ứng.

Mục tiêu là biến những ý tưởng thành sản phẩm trong đời sống, để doanh nghiệp đặt hàng, viện công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo sẽ đảm nhận chính việc này. Đây là việc phải đẩy nhanh, còn cơ chế, chính sách thực hiện phải phù hợp.

TP Thủ Đức sẽ được phân cấp, ủy quyền mạnh

* Vai trò, thẩm quyền của chính quyền và lãnh đạo của TP Thủ Đức sẽ khác biệt gì, thưa ông?

- Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM có quy định:

"Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm: Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP thuộc TP". Do đó, TP.HCM sẽ chủ động xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét quyết định.

Trước mắt, căn cứ quy định hiện hành, TP.HCM chủ động đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền cho UBND, chủ tịch UBND TP Thủ Đức để tạo tính đột phá, phát huy cao nhất tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành, hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Phú Quốc - thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam

thanh pho phu quoc (3) ngay 812 1(read-only)

Toàn cảnh trung tâm đảo Phú Quốc - Ảnh: K.NAM

Ông Tống Phước Trường, bí thư Huyện ủy Phú Quốc, cho hay dự kiến trong hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và ra nghị quyết về việc thành lập TP Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang.

"Nếu được Quốc hội thông qua, dự kiến khoảng đầu tháng 2-2021 tỉnh Kiên Giang sẽ công bố thành lập TP Phú Quốc - TP đảo đầu tiên của Việt Nam" - ông Trường nói.

Đây sẽ là tin vui đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân "đảo ngọc" nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung.

Theo ông Tống Phước Trường, tại Đại hội Đảng bộ Phú Quốc mới đây, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đảo này xác định 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới gồm:

- Xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ có năng lực, có tâm, có tầm, ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển của Phú Quốc;

- Đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, kết nối đồng bộ các khu đô thị, khu dân cư, tái định cư, chỉnh trang đô thị, ổn định sinh kế của người dân;

- Từng bước hướng đến xây dựng TP Phú Quốc văn minh, hiện đại, hài hòa và thân thiện.

KHOA NAM

Ngày 9-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua việc thành lập TP Thủ Đức Ngày 9-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua việc thành lập TP Thủ Đức

TTO - Phát biểu tại kỳ họp lần thứ 23 của HĐND TP.HCM khóa IX sáng 7-11, ông Uông Chu Lưu - phó chủ tịch Quốc hội - cho biết tại phiên họp dự kiến diễn ra vào ngày 9-12 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc thành lập TP Thủ Đức.

VIỄN SỰ - TIẾN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên